Ngày 18/3, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1238/UBND-VX1 về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, cho phép nhiều hoạt động trở về trạng thái bình thường mới; các hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar cũng được hoạt động với nhiều quy định được nới lỏng theo từng cấp độ dịch…
Đây là chủ trương hết sức cần thiết, phù hợp của nhằm tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau một thời gian dài bị đình trệ do dịch bệnh.
Dự báo số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường.
Chuyển sang trạng thái phòng chống dịch trong điều kiện “bình thường mới”, vì vậy, đòi hỏi ngành y tế và các địa phương cần chủ động các biện pháp ứng phó, với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19.
Là địa bàn trung tâm của cả tỉnh với dân số đông, mật độ giao thương lớn, dịch vụ kinh doanh đa dạng, nhiều hoạt động văn hóa, TDTT được diễn ra nên nguy cơ dịch luôn luôn tiềm ẩn đối với địa bàn thành phố Hà Tĩnh. Hiện nay, ngành y tế của thành phố đã chỉ đạo hệ thống các trạm y tế chuẩn bị các điều kiện về vật tư, thuốc men và bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện, tư vấn điều trị cho các F0, hạn chế nguy cơ F0 chuyển nặng.
Các trạm y tế đều chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhất là hệ thống oxi và thuốc để thu dung, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, giảm tải cho tuyến trên. Ảnh: Trạm Y tế xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên).
Bác sỹ Nguyễn Bá Linh - Trưởng Trạm y tế phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Hiện nay, khi nhiều dịch vụ trở lại hoạt động, số lượng ca mắc trên địa bàn sẽ tiếp tục tăng, vì vậy mỗi cán bộ y tế trong trạm tiếp tục có sự tập trung cao độ để quản lý, hướng dẫn điều trị hiệu quả cho các F0 tại nhà, kịp thời phát hiện các trường hợp F0 diễn biến nặng để chuyển tuyến điều trị. Bên cạnh đó, tuyên truyền và giám chặt việc ký cam kết của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc khai báo khi phát hiện bị nhiễm bệnh, tránh trường hợp giấu dịch, gây khó khăn trong công tác quản lý".
Tại huyện miền núi Hương Sơn, từ đầu năm đến nay đã phát hiện hơn 10.000 bệnh nhân COVID-19. Trong bối cảnh nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường đòi hỏi ngành y tế huyện tiếp tục chủ động các phương án để ứng phó với những diễn biến khó lường của dịch bệnh.
Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn chủ động các vật tư, thiết bị để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo bác sỹ Lê Nhật Thành - Giám đốc Trung tâm Y tế Hương Sơn, nhiệm vụ quan trọng nhất trong tình hình hiện nay là công tác truyền thông để người dân không chủ quan, lơ là đối với dịch bệnh. Đồng thời, xác định số ca bệnh sẽ tiếp tục gia tăng nên vai trò của trạm y tế lưu động, tổ cấp cứu lưu động trong việc đảm bảo khám, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại nhà sẽ được phát huy một cách tối đa.
Cùng với Hương Sơn, hiện nay, y tế tuyến huyện đều tiếp tục duy trì hoạt động của các cơ sở điều trị F0 có triệu chứng để kịp thời điều trị cho các trường hợp cách ly, điều trị tại nhà chuyển nặng. Đặc biệt như huyện Cẩm Xuyên còn chủ động thành lập, phát huy 23 khu điều trị F0 tại các trạm y tế để vừa giảm tải cho tuyến huyện và tuyến tỉnh vừa tạo thuận lợi cho người dân.
Cẩm Xuyên thiết lập 23 khu điều trị F0 tại các trạm y tế.
Theo dự báo của ngành y tế, tình hình dịch bệnh sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể tiếp tục tăng do nhiều hoạt động kinh tế - xã hội được trở lại bình thường tại các địa bàn được đánh giá cấp độ 1, 2 và một bộ phận người dân, chủ quan, coi nhẹ dịch bệnh.
Đánh giá về nguy cơ này, bác sỹ Nguyễn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Y tế khẳng định: "Số ca nhiễm tăng sẽ tiếp tục tạo áp lực lớn cho các cơ sở y tế, nhất là trong công tác điều trị. Trong bối cảnh đó, ngành đang chú trọng hướng dẫn các địa phương chủ động, kịp thời đánh giá cấp độ dịch để xác định rõ các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Ngành cũng chủ động xây dựng kế hoạch để chủ động ứng biến khi có dịch xảy ra, như: các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên có hệ thống cung cấp ô xy hóa lỏng, khí nén; các trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp ô xy y tế; có kế hoạch tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, tổ chức quản lý F0 tại nhà”.
Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát huy tối đa việc điều trị F0 tại nhà.
Ngoài ra, Sở Y tế cũng chỉ đạo các địa bàn có nguy cơ dịch cấp 3 trở lên phải có phương án mở rộng năng lực thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, không để quá tải diện rộng. Các cơ sở y tế thực hiện đánh giá, phân loại bệnh nhân tại tất cả các tuyến, nhất là từ tuyến xã để triển khai quản lý, chăm sóc F0 tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế phù hợp, không để tình trạng chuyển tầng, chuyển tuyến không đúng chỉ định.
Đặc biệt, hiện nay, Sở Y tế đang ráo riết yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19, tăng tỷ lệ người được tiêm đủ mũi 3. Rà soát, lập danh sách các đối tượng nguy cơ, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung cho tất cả các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng.