Hiệu quả từ các mô hình khuyến nông

Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, sản xuất nông nghiệp tỉnh ta từng bước thoát khỏi lạc hậu, đi lên hiện đại, chất lượng cao. Đến thời điểm này đã có hàng trăm mô hình khuyến nông được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Thành công nhiều nhưng thất bại cũng không ít, có điều mỗi lần thực hiện là một lần bước tiến về KHKT lại ngấm sâu thêm trong ý thức của người nông dân...

Trong một chuyến công tác gần đây, tôi được anh bạn là cán bộ khuyến nông bộc bạch: “Theo cái nghiệp khuyến nông lâu dần cứ như say. Thích nhất là được chứng kiến thành quả lao động của mình hiện hữu trên đồng ruộng. Làm mô hình là làm cho dân thấy, dân tin và làm theo”. Quả vậy, mỗi mô hình trình diễn là một quy trình về chuyển giao KHKT mà qua kênh thông tin chính thống này, bà con nông dân có thể học hỏi và ứng dụng phổ biến rộng rãi trên đồng ruộng của mình. Từ hành vi tạo thành thói quen, khi tập quán canh tác thay đổi theo hướng tích cực cũng là lúc nền nông nghiệp thực hiện thành công quá trình “lột xác” chuyển hóa từ nền sản xuất tiểu nông, tự cung tự cấp sang nền sản xuất hàng hóa, tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mô hình giống lúa TH3-3 tại Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) cho năng suất, sản lượng cao.
Mô hình giống lúa TH3-3 tại Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) cho năng suất, sản lượng cao.

Chẳng phải là quá xa, ngày mới chia tách tỉnh, lúc đó, nông dân Hà Tĩnh chủ yếu làm lúa mùa, cơm ba bữa còn lo chưa đủ nói gì đến chuyện sản xuất hàng hóa. Để tạo tiền đề chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, ngành khuyến nông đã bắt tay vào xây dựng mô hình thâm canh các giống ngắn ngày sản xuất hè thu. Ban đầu chỉ một số giống như: CN2, CR203, KD 18…, đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã có trong tay hàng chục mô hình trình diễn với bộ giống lúa ngắn ngày có năng suất 7-8 tấn/ha, sử dụng quy trình canh tác tiên tiến bằng phương pháp che phủ ni-lông, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong số đó, Trung tâm đã du nhập, lọc tuyển một số giống mới chất lượng cao, bổ sung vào bộ giống chủ lực của tỉnh, đồng thời đáp ứng ngày càng cao thị hiếu của người tiêu dùng như: RVT, VS1, nếp 98, HT1… Kết quả đó đã góp phần tăng nhanh sản lượng lúa, đạt 48,58 vạn tấn (năm 2012), gấp 2,5 lần so với năm 1991; tạo sự chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, giống nhằm tăng khả năng thâm canh.

Cánh đồng mẫu (CĐM) là cái tên được nhắc nhiều nhất trong vài vụ sản xuất gần đây. Không chỉ đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, CĐM còn mở ra xu hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn với việc xác nhận vai trò cầu nối của công tác khuyến nông trong mối quan hệ liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) và Nhà nước. Việc thay đổi tư duy, tập quán canh tác đã giúp bà con nông dân tiếp cận nhanh với ứng dụng KHKT. Bà Nguyễn Thị Hoa, nông dân xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cho biết: “Đây là vụ thứ 2, gia đình tôi sản xuất lúa VTNA2 theo CĐM. Điều yên tâm nhất là chúng tôi được chuyển giao kỹ thuật canh tác để hiểu rõ thêm về loại giống và cán bộ kỹ thuật, DN cùng đồng hành trong quá trình sản xuất”. Không chỉ trên lúa, ở các sản phẩm nông nghiệp khác như: lạc, rau, đậu cũng đang trên bước đà hình thành vùng sản xuất lớn, sản xuất an toàn theo công nghệ tiên tiến...

Ông Đào Văn Tinh - nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: “Gắn kết với công tác khuyến nông từ những năm tháng khó khăn nhất, tôi được trải nghiệm biết bao thăng trầm của sứ mệnh là người chuyển giao KHKT đến với bà con nông dân. Hoạt động khuyến nông không có điểm dừng, thành công của mô hình cũ chính là cánh cửa mở ra những thách thức mới”. Nền sản xuất lớn luôn tương xứng với sự xuất hiện của những “đại gia” sản xuất và cung ứng giống. Riêng vụ xuân 2012, Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An tiến hành xây dựng trên 2.000 ha CĐM giống lúa VTNA2. Theo đó, lấy KHKT là “con át chủ bài”, DN đứng ở 2 vai, vừa là nhà đầu tư, vừa là nhà khoa học. Công ty cung ứng giống, phân bón, vừa tập huấn, chuyển giao KHKT và theo dõi, chỉ đạo kỹ thuật mà không cần thông qua trung tâm khuyến nông.

Khẳng định vị trí của khuyến nông trong thời đại mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng: “Đúc rút từ thực tiễn, rõ ràng, ngành khuyến nông tỉnh mới chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ khuyến nông cho người nghèo, còn việc kết nối với thị trường lớn còn hạn chế và bị lấn át. Xu hướng sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh trong thời gian tới sẽ là chuỗi sản xuất khép kín từ giống - KHKT - an toàn dịch bệnh - thương phẩm và thị trường. Nếu không thực hiện theo quy luật này, hoạt động khuyến nông sẽ lạc hậu và đi vào XĐGN là chính”. Cũng theo ông, hoạt động khuyến nông nên tự chuyển hóa, tăng cường hợp tác công tư, liên kết với DN để làm khuyến nông, trong đó chú trọng hỗ trợ xây dựng các sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhằm nắm giữ vai trò then chốt trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.