Sáng 10/6, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Hội LHPN Hương Sơn tổ chức Hội thảo Phát triển kinh tế hộ hướng đến liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Tham dự hội thảo có Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Nguyễn Hữu Dực, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn Bùi Nhân Sâm; lãnh đạo các xã, thị trấn, chủ tịch hội phụ nữ các xã, thị trấn; giám đốc hợp tác xã (HTX), tổ trưởng tổ hợp tác (THT) trên địa bàn. |
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng và Chủ tịch Hội LHPN huyện Hương Sơn Võ Thị Hương chủ trì hội thảo.
Kinh tế hộ gia đình đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của huyện Hương Sơn. Hiện, địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao như: gỗ nguyên liệu, chè công nghiệp; đàn gia súc, gia cầm khá lớn, đặc biệt là đàn hươu 40.000 mang lại thu nhập khá cao cho người dân trong huyện...
Chủ tịch Hội LHPN Hương Sơn - Võ Thị Hương trình bày báo cáo đánh giá thực trạng, khảo sát nhu cầu phát triển kinh tế hộ của hội viên phụ nữ Hương Sơn
Năm 2021, tổng giá trị sản xuất theo giá cố định là 1.794.251 tỷ đồng, tăng 2,1% so với năm 2020; giá trị hiện hành đạt 3.367 tỷ đồng, đạt 103,95%, tăng 5,6% so với năm 2020. Toàn huyện có 57 sản phẩm OCOP đã được công nhận, trong đó có 25 sản phẩm do phụ nữ làm chủ.
Đặc biệt, huyện có 15 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn gia dịch điện tử, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng: Hương Sơn có nhiều tiềm năng và lợi thế về các loại cây chủ lực, các loại gia súc gia cầm, đặc biệt là đàn hươu lên đến 40.000 con. Tuy nhiên, đến nay, những tiềm năng, lợi thế này vẫn chưa tận dụng khai thác triệt để để đạt hiệu quả cao hơn
Hương Sơn có 1.725 mô hình kinh tế, trong đó có 123 mô hình lớn, 173 mô hình vừa và 1.429 mô hình nhỏ (trong đó, 776 mô hình do phụ nữ làm chủ). Toàn huyện có 90 HTX (trong đó có 7 HTX do phụ nữ làm chủ); 361 THT (trong đó 124 THT do phụ nữ làm chủ); 526 doanh nghiệp (92 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ).
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Lĩnh Nguyễn Thị Thu Hiền thay mặt nhóm trồng cây ăn quả nêu những khó khăn và hướng tháo gỡ trong thời gian tới
Đồng hành cùng chị em phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình, những năm qua, Hội LHPN Hương Sơn đã có nhiều hoạt động thiết thực ý nghĩa như: hỗ trợ 879 mô hình sinh kế cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức 49 lớp tập huấn đào tạo nghề cho 1.810 hội viên phụ nữ; tập huấn các kiến thức KHKT về chăn nuôi, trồng trọt cho hơn 13.000 lượt hội viên.
Đặc biệt, Quỹ tín dụng của Hội đã giúp 7.484 hội viên được vay với số tiền 175.559 triệu đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nguyễn Thị Huyền - Chủ tịch Phụ nữ xã Quang Diệm, đại diện cho nhóm lúa, ngô, đậu, lạc phân tích sâu những yếu tố bất lợi tác động đến quá trình phát triển của nhóm mình.
Thời gian tới, Hội LHPN huyện Hương Sơn tiếp tục rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tích cực để các mô hình kinh tế hộ, doanh nghiệp, HTX, THT tiếp cận được các chính sách hỗ trợ; nâng cao năng suất, hiệu quả các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ; đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tạo ra các sản phẩm chủ lực, đặc thù địa phương.
Bà Chu Thị Hồng Hà - Giám đốc Doanh nghiệp Nhung hươu Thuận Hà: Cần có 1 đề tài nghiên cứu cụ thể về hươu và sản phẩm từ hươu để thuyết phục khách hàng sử dụng vì lâu nay, doanh nghiệp chỉ quảng bá theo kinh nghiệm.
Tại hội thảo, đại biểu đã tập trung phân tích những khó khăn, nguyên nhân, hạn chế sự phát triển của các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ; đồng thời chia sẻ, định hướng các giải pháp để phát triển kinh tế hộ, sản xuất nhiều sản phẩm đưa lại lợi nhuận, xây dựng thương hiệu uy tín của HTX, THT do phụ nữ làm chủ.
Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Dực: Hội thảo là dịp để Hội LHPN huyện Hương Sơn nâng cao chất lượng hoạt động của HTX, THT do phụ nữ quản lý, từ đó tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Hội thảo cũng chia đại biểu thành 4 nhóm thảo luận, gồm: chăn nuôi; trồng cây ăn quả; lúa, ngô, đậu, lạc; kinh doanh thương mại. Các nội dung thảo luận tập trung về xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương phù hợp với phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ; giải pháp xây dựng và phát triển...
Hương Sơn là địa phương có diện tích khá lớn, dân số đông, đặc biệt có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, chủ trương của huyện là đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế rừng, đồi, đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền huyện tiếp tục ban hành các chủ trương, hỗ trợ, khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để hội LHPN huyện thực hiện tốt nhiệm vụ của mình...
Kết thúc hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Việt Hà đánh giá cao tinh thần tham gia hội thảo của các hội viên; các vấn đề đưa ra sâu sát, cụ thể, gợi mở cho Hội LHPN tỉnh nhiều vấn đề liên quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hướng phát triển các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Hội LHPN Nguyễn Thị Việt Hà kết luận hội nghị
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, Hương Sơn có nhiều sản phẩm nông nghiệp lợi thế (cam bù, chè...) đang phát triển theo hướng liên kết, đặc biệt là có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có nhiều chủ mô hình là phụ nữ. Đây chính là yếu tố quan trọng để xây dựng mối liên kết, tăng thêm hiệu quả kinh tế.
Thời gian tới, Hội LHPN huyện Hương Sơn cần tập trung phát triển những sản phẩm chủ lực, đặc biệt là quan tâm việc chế biến sâu để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, cần tập trung hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ vốn cho các hội viên giúp nâng cao thu nhập.