Hương Sơn non nước hữu tình

(Baohatinh.vn) - Trong từng giai đoạn lịch sử, người Hương Sơn (Hà Tĩnh) với ý chí kiên cường luôn sát cánh bên nhau cùng khai hoang phục hóa trên bạt ngàn đồi núi để hình thành nên miền quê trù phú...

Ngọt ngào hương đất, tình người

Mỗi lần ngược ngàn về với Hương Sơn, bước chân qua cầu Linh Cảm, tôi như được mở cánh cửa thời gian để trở lại với ký ức hồn quê. Theo lịch sử, tên gọi huyện Hương Sơn có từ năm 1469, đời vua Lê Thánh Tông.

Hương Sơn non nước hữu tình

Đền Bạch Vân tại xã An Hòa Thịnh được Tiến sĩ Đinh Nho Công lập ra sau khi đỗ tiến sĩ khoa thi năm Canh Tuất (1670).

Hương Sơn quê tôi là huyện miền núi trung du trải dài theo dải Trường Sơn hùng vĩ. Địa hình nơi đây như lòng chảo lọt giữa vòng cánh cung với nhiều ngọn núi cao như Bà Mụ, Giăng Màn, Thiên Nhẫn, Mồng Gà... Mây ngàn gió núi, sông nước, phong thổ nơi đây đã tích tụ vào các sản vật như: chè, cam bù, nhung hươu... Đặc biệt, hương đất, khí trời đã hội tụ thành nguyên khí giúp miền quê này có được sự hưng thịnh, không ngừng vươn mình mạnh mẽ theo thời gian.

Hương Sơn còn là mảnh đất có trầm tích văn hóa với nhiều ngôi đình, chùa... lâu đời đã đi vào tâm thức của mỗi người dân nơi đây như: chùa Tượng Sơn (xã Sơn Giang), đền Bạch Vân, chùa Thịnh Xá (xã An Hòa Thịnh)... Toàn huyện có 51 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia và 40 di tích cấp tỉnh.

Với những điều mà thiên nhiên ban tặng, mảnh đất này đã sinh ra nhiều hiền tài đỗ đạt cao. Theo Dư địa chí Hương Sơn, từ cuối thế kỷ XV đến cuối đời Lê, toàn huyện có 7 vị tiến sỹ, số người đỗ hương khoa khá nhiều. Thời kỳ này, đã có 19 vị hương cống (đậu tứ trường) và nhiều sinh đồ (đậu tam trường). Đời Nguyễn, việc học phát triển rộng hơn nhiều, số người học hành, đậu khoa bảng tập trung vào một số làng xã thuộc các tổng Yên Ấp, Đỗ Xá, Hữu Bằng, tức là các xã vùng hạ du ngày nay như: Sơn Bằng, Sơn Trung, Sơn Phú...

Hương Sơn non nước hữu tình

Khu mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông tại xã Sơn Trung

Đặc biệt, mảnh đất Hương Sơn cũng được biết đến là quê hương của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Theo các tài liệu lịch sử, vào năm 1746 của thế kỷ XVIII, vùng đất quê mẹ Hương Sơn là nơi mà Đại danh y tìm về sinh sống. Trên mảnh đất sơn thủy hữu tình này, ông đã hòa mình với thiên nhiên, lập nên “núi Giả, hồ Sen”. Không chỉ ngắm trăng, đàm đạo thơ ca mà ông còn ngày đêm miệt mài với cỏ cây, hoa lá, nghiên cứu những phương thuốc quý để chữa bệnh cứu người.

Ông đã để lại cho đời bộ sách "Hải Thượng y tông tâm lĩnh” với 28 tập, 66 quyển và nhiều quyển sách quý có giá trị đến muôn đời sau. Nhớ tới công lao của Đại danh y, người dân Hương Sơn đã có câu rằng: “Tình Diệm bên núi bên sông/ Cả làng cả tổng ơn Lãn Ông suốt đời”. Hằng năm, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông được chính quyền và Nhân dân huyện Hương Sơn tổ chức vào ngày 13 và 14 tháng Giêng thu hút đông đảo du khách thập phương.

Dù trong giai đoạn nào, Nhân dân Hương Sơn cũng luôn biết vượt qua khó khăn, biến tiềm năng thành sinh kế. Dù khó khăn không kể xiết, ấy vậy mà con người nơi đây với ý chí kiên cường, sát cánh bên nhau cùng khai hoang, phục hóa trên bạt ngàn đồi núi để hình thành nên miền quê trù phú. Nơi núi rừng điệp trùng, sông suối dày đặc đã tạo nên những cánh rừng xanh tốt bốn mùa. Rừng Hương Sơn như quà tặng quý giá của thiên nhiên, là thảm thực vật, nguồn sinh thủy cho vùng đất và con người nơi đây.

Qua lao động, sản xuất, bằng bàn tay, khối óc, người dân Hương Sơn đã tạo nên những sản vật lắng đọng hồn quê như mộc Xa Lang, đan Thịnh Xá và các đặc sản nhung hươu, cam bù... nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.

Vươn mình “thức giấc”

Hương Sơn non nước hữu tình

Đồi chè tại xã Sơn Kim 2 đã trở thành điểm đến thu hút nhiều bạn trẻ tới tham quan.

Đất trời Hương Sơn đã hội tụ nên sản phẩm nhung hươu mà người dân hay gọi là “lộc trời” rất tốt cho sức khỏe con người. Cũng chỉ có mảnh đất Hương Sơn mới có cây cam bù mọng nước hay những giọt mật ong thơm hương đại ngàn... Vùng đất ấy cũng nổi danh với các địa chỉ du lịch như: Khu du lịch sinh thái nước khoáng nóng Sơn Kim (xã Sơn Kim 1); đồi chè thôn Tiền Phong, Thanh Dũng, Làng Chè... (xã Sơn Kim 2)...

Hương Sơn non nước hữu tình

Toàn cảnh Khu du lịch sinh thái Hải Thượng nhìn từ trên cao. (Ảnh: Ánh Dương)

Đặc biệt, gắn liền với quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông, Khu du lịch sinh thái Hải Thượng (xã Sơn Trung) được ví như “hòn ngọc xanh” giữa núi rừng. Đây là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Đại danh y và là điểm nhấn tiêu biểu của du lịch Hương Sơn khi kết hợp hài hòa giữa du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa.

Hương Sơn non nước hữu tình

Người dân Hương Sơn tích cực phát triển kinh tế từ chăn nuôi hươu sao.

Hôm nay, bên dòng sông Ngàn Phố nên thơ, dưới chân núi Thiên Nhẫn sừng sững, mảnh đất Hương Sơn vẫn đang vươn mình vượt lên khó khăn. Từ một miền quê nghèo, giao thông cách trở, giờ đây, diện mạo nông thôn, thị trấn đã thay đổi với gam màu tươi mới của nhịp sống hiện đại. Đến nay, Hương Sơn có 1.780 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Toàn huyện có 95 hợp tác xã, 338 tổ hợp tác, 656 doanh nghiệp... Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Đặc biệt, mới đây, Đại hội đồng UNESCO tại kỳ họp lần thứ 42 đã thông qua nghị quyết với bản danh sách gồm 53 danh nhân văn hóa, trong đó có Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Chia sẻ về niềm vui này, bà Lê Thị Phượng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Quang Diệm - quê mẹ Đại danh y phấn khởi cho biết: “Việc Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông được UNESCO vinh danh thực sự là niềm tự hào lớn đối với Nhân dân xã Quang Diệm nói riêng và huyện Hương Sơn nói chung. Đây sẽ là động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Quang Diệm ra sức phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những gì mà Đại danh y Lê Hữu Trác đã truyền lại cho thế hệ sau”.

Ông Hồ Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn chia sẻ: Là địa phương miền núi, khí hậu khắc nghiệt, nắng lắm mưa nhiều nhưng vượt lên tất cả, người dân nơi đây đã cần cù, chịu thương chịu khó, chăm chỉ lao động sản xuất để xây dựng cuộc sống mới. Người Hương Sơn có nét khảng khái, mạnh dạn, đầy nghĩa tình, son sắt. Chính những nét đặc trưng đó đã làm nên khí chất riêng của con người nơi đây. Địa phương đang từng bước nỗ lực phát triển KT-XH, tăng cường công tác xã hội hóa nhằm bảo tồn, quảng bá du lịch, di sản... Đặc biệt, địa phương đang lên kế hoạch cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác diễn ra vào năm tới. Sự kiện này sẽ góp phần cổ vũ, khích lệ, động viên người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ những giá trị mà Đại danh y để lại cho hậu thế.

Miền quê Hương Sơn hữu tình vẫn đang nỗ lực đổi thay từng ngày. Dù đi xa hay về gần, khi nhắc đến Hương Sơn, trong tâm trí của mỗi người đều ngân lên câu ca dao: Chè Hương Sơn lá xanh nước chát/ Lụa Hương Sơn tươi mát lòng người/ Bốn mùa gạo trắng cá tươi/ Khuyên em về đó kẻo một mai tiếc thầm...

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.