Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và liên minh cầm quyền tại nước này hôm qua thông báo kế hoạch tổ chức bầu cử Quốc hội sớm vào tháng 4/2019, tức là sớm hơn 7 tháng so với kế hoạch. Theo các nhà phân tích, với quyết định này, Thủ tướng Netanyahu dường như chấp nhận “đặt cược” tương lai chính trị của mình, trong bối cảnh chính phủ của ông và ngay cả bản thân nhà lãnh đạo này đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả về chính trị, lẫn pháp lý.
|
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters |
Trong một thông cáo, liên minh cầm quyền tại Israel, trong đó có đảng cánh hữu Likoud của ông Netanyahu cho biết, quyết định giải tán Quốc hội được đưa ra trên tinh thần trách nhiệm đối với ngân sách và vì lợi ích quốc gia. Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Israel tin tưởng đất nước sẽ tiếp tục con đường đang đi và liên minh hiện nay sẽ tiếp tục là nòng cốt của liên minh cầm quyền sắp tới:
“Tôi có mặt ở đây ngay sau cuộc gặp của các lãnh đạo liên minh cầm quyền. Chúng tôi đã nhất trí trình dự luật yêu cầu giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm vào tháng 4/2019”.
Thông báo đưa ra trong bối cảnh liên minh cầm quyền hiện chỉ duy trì thế đa số khá mong manh tại Quốc hội (hơn 1 phiếu) sau quyết định từ chức hồi tháng trước của Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman, đồng thời là Chủ tịch đảng Israel Ngôi nhà của chúng ta. Ông Lieberman khi đó cáo buộc Thủ tướng Netanyahu đã cho thấy sự yếu kém khi từ chối phát động một chiến dịch quy mô nhằm vào phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát dải Gaza. Các đảng phái đối lập đã ngay lập tức hoan nghênh quyết định này. Bà Yael German, một nghị sĩ đối lập cho biết:
“Cuối cùng họ cũng thông báo bầu cử sớm. Chúng tôi rất vui mừng vì điều này. Bởi Chính phủ hiện nay hoạt động không hiệu quả và các cuộc bầu cử sẽ mang lại một sự thay đổi".
Cầm quyền liên tục tại Israel trong suốt gần 10 năm qua sau nhiệm kỳ đầu tiên trong những năm 1990, ông Netanyahu, 69 tuổi đang gặp khó khăn trong việc nhất trí về dự luật quan trọng liên quan đến việc người Do thái Chính thống giáo phải nhập ngũ như những người thế tục, cũng như đối mặt với những cuộc điều tra về tham nhũng.
Theo các nhà phân tích, với việc tổ chức bầu cử Quốc hội sớm, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hi vọng có thể nhanh chóng vượt qua những rắc rối về pháp lý, đồng thời tăng cường tính hợp pháp nhờ vào một chiến thắng bầu cử. Bởi tất cả các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy ưu thế đang nghiêng về nhà lãnh đạo này.
Nếu tái đắc cử, Thủ tướng Netanyahu sẽ trở thành nhà lãnh đạo có thời gian nắm quyền lâu nhất trong lịch sử Israel. Phát biểu tại một cuộc họp báo diễn ra sau đó cùng ngày, Thủ tướng Netanyahu cũng tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của cử tri khi tuyên bố sẽ dẫn dắt nhà nước Israel đi tới một tương lai tốt đẹp hơn, khẳng định sẽ tiếp tục hành động để chống lại tham vọng của Iran thiết lập sự hiện diện quân sự tại Syria, cũng như củng cố mối quan hệ đồng minh ngày càng tốt đẹp với Mỹ. Trong một phản ứng đầu tiên, Chính phủ Mỹ cho biết cuộc bầu cử ở Israel là một trong những yếu tố mà chính quyền Mỹ sẽ tính đến khi công bố kế hoạch hòa bình.
Có thể nói, với sự ủng hộ của Mỹ, ông Netanyahu đang rất lạc quan về kết quả cuộc bầu cử sắp tới. Dẫu vậy, trong bất kỳ cuộc bầu cử nào cũng tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ. Không chỉ ông Netanyahu, mà các đảng phái đối lập tại Israel cũng rất kỳ vọng vào các cuộc bầu cử sắp tới và đang tìm mọi cách làm suy yếu vị thế của “Quý ông An ninh” như cách mà người ta vẫn thường gọi ông Benjamin Netanyahu./.