Khách hàng Hà Tĩnh nhận “quả lừa” khi mua hàng qua Facebook

(Baohatinh.vn) - Việc mua hàng thông qua nền tảng trực tuyến mặc dù tiện lợi nhưng do không kiểm soát được chất lượng đã khiến không ít khách hàng tại Hà Tĩnh lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” vì chủ shop “treo đầu dê bán thịt chó”…

Chị Nguyễn Thị B. (Cẩm Xuyên) - một khách hàng thường xuyên có thói quen mua hàng online bức xúc: “Tôi đặt mua 3 chiếc áo len cho cháu trên một fanpage có lượt tiếp cận lên đến hàng nghìn người. Tuy nhiên, khi giao hàng, tôi lại nhận được 1 chiếc váy trẻ em khác hoàn toàn so với những gì mình đã đặt mua trước đó”.

Theo chị B., fanpage này có lượt “like”, “comment” từ người dùng rất lớn, riêng bài đăng bán sản phẩm áo len mà chị đặt hàng có đến 3,4k lượt “like” nên chị cũng khá tin tưởng.

3 mẫu áo len chị B. đặt mua trên mạng.

“Tôi thấy hình ảnh quảng cáo rất đẹp, nhiều mẫu mã với giá khá rẻ, chỉ 60 nghìn đồng mỗi chiếc áo. Tôi quyết định đặt mua với hy vọng hàng nhận về ít nhiều cũng giống quảng cáo. Thế nhưng, khi nhận hàng thì quá bất ngờ, mua 3 được 1, không khác gì “treo đầu dê bán thịt chó”. Tôi đã liên lạc lại với shop này nhưng không nhận được phản hồi" - chị B. cho biết thêm.

Chiếc váy len chị B. nhận được khác hoàn toàn so với sản phẩm đặt mua qua mạng.

Cũng từng ăn “cú lừa” khi mua hàng trên mạng, anh Lê Hùng P. (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Vì tiện lợi nên tôi vẫn thường mua hàng qua các trang Facebook. Thật ra, tôi vẫn thường “trừ hao” khi lựa chọn hình thức mua bán trực tuyến này, nhận hàng đạt khoảng 80% so với quảng cáo là chấp nhận được. Tuy nhiên, vẫn có lần tôi đặt mua phụ kiện ô tô nhưng hàng nhận về không khác gì…đồ chơi trẻ em, không sử dụng được”.

Được biết, ở Hà Tĩnh, những trường hợp như chị B., anh P. khi mua hàng trực tuyến không phải hiếm. Hầu hết những khách hàng này đều bỏ tiền “mua” bực bội, ngậm ngùi chịu mất tiền bởi không biết “kêu” ai.

Người giao hàng chỉ có nhiệm vụ nhận và giao hàng nên không giải quyết được các trường hợp hàng hóa không đúng như quảng cáo.

Chị Nguyễn Thị Cảnh làm nghề shipper cho biết: “Vì thường xuyên giao hàng nên tôi cũng chứng kiến việc khách hàng phản hồi về việc nhận hàng không đúng như quảng cáo, đề nghị đổi trả hàng và không chuyển tiền ship. Tuy nhiên, người giao hàng chỉ có nhiệm vụ nhận và giao hàng nên không giải quyết được. Có nghĩa là người mua vẫn phải trả toàn bộ tiền hàng cho shipper”.

Theo một số khách hàng bị “ăn quả lừa” khi mua hàng trên Facebook, đặc điểm chung là những trang cá nhân hoặc trang fanpage này có lượt theo dõi lớn, chạy quảng cáo rầm rộ để tạo uy tín cho người mua hàng.

Được biết, hiện nay, các chủ shop có rất nhiều cách để đẩy tương tác của shop trong khi thực tế lượng tương tác chỉ chiếm một phần nhỏ như: lập ra những trang fanpage bán hàng chuyên nghiệp, mua lượng “like”, “comment”, đánh giá tốt cho rầm rộ để tạo sự tin cậy đối với người mua...

Bên cạnh đó, với những tài khoản bán hàng qua Facebook có dấu hiệu lừa đảo sẽ không cho khách xem trước hàng hóa cũng như không để lại địa chỉ, số điện thoại, người mua chỉ giao dịch với shipper. Khi xảy ra sự cố, các trang Facebook này thường từ chối khiếu nại bằng cách chặn Facebook, không xem hoặc không nhắn tin.

Khi mua hàng trên nền tảng trực tuyến, người mua cần ưu tiên những trang thương mại điện tử uy tín.

Theo ông Nguyễn Đình Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh: Hiện nay, việc mua hàng trực tuyến ngày càng phát triển với những tiện ích như: tiết kiệm thời gian, đa dạng sản phẩm, mạng lưới mua sắm rộng, giao hàng nhanh chóng, dễ dàng thanh toán... Tuy nhiên, khách hàng cần ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín.

Trong trường hợp mua hàng trên mạng xã hội, khách hàng phải thỏa thuận trước với người bán về việc cho xem hàng trước khi thanh toán; khi nhận hàng cần đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng nhằm hạn chế tình trạng thanh toán cho đơn hàng mà mình không đặt cũng như nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt mua...

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói