Chiều 25/9, Bộ Y tế tổ chức trực tuyến lễ khánh thành kết nối 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương tham dự. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành kết nối 1.000 cơ sở khám, chữa bệnh từ xa. (Ảnh: TTXVN)
Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh .
Phát biểu khai mạc chương trình, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về Chính phủ điện tử. Bộ Y tế đã ban hành Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025 theo Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu khai mạc.
Sau hơn 2 tháng triển khai đồng loạt, Đề án khám, chữa bệnh từ xa đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 30 bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Nhờ đó, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời, không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa như: Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé đã được kết nối với bệnh viện trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế.
Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành Y tế trong năm 2020, góp phần thực hiện thành công chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu của Đề án là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.
Lãnh đạo một số sở ngành tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh...
Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần kiểm soát dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.
Đây là giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế, các thầy thuốc, các y bác sỹ, các cán bộ y tế trên toàn tuyến thực hiện và lan tỏa thông điệp “vươn cao, vươn xa”, phát huy trí tuệ, tinh thần hỗ trợ, hướng dẫn để triển khai hiệu quả chương trình khám chữa bệnh từ xa, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, phục vụ người dân ngày một tốt hơn, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân.
Trong thời gian ngắn tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cho ra mắt mạng y tế Việt Nam là nơi tập hợp tất cả các thầy thuốc trên toàn quốc, là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi học hỏi lẫn nhau với mục tiêu nâng cao hơn nữa tay nghề để phục vụ Nhân dân.
Điểm cầu Bộ Y tế (Ảnh chụp màn hình trực tuyến).
Cũng tại buổi lễ, đại biểu được nghe PGS. TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) báo cáo quá trình xây dựng đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025.
Được biết, đến nay, để các bệnh viện có căn cứ hoạt động và có các hướng dẫn cụ thể, Bộ Y tế đã phối hợp với các bên liên quan bước đầu xây dựng các văn bản hướng dẫn trong giai đoạn đầu của Đề án, gồm: Hướng dẫn Quy trình tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; Quy chế hướng dẫn bảo mật thông tin trong tư vấn, hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; Danh mục các kỹ thuật khám, chữa bệnh từ xa; Sách vàng 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa…
Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các bộ ngành liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế tài chính, hoàn thiện và cập nhật danh mục kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn, cập nhật các nền tảng, ứng dụng… nhằm thực hiện thành công đề án.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và chúc mừng Bộ Y tế đã cụ thể hóa Chương trình Chuyển đổi số quốc gia qua việc xây dựng và triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa, một đề án có ý nghĩa nhân văn cao cả hướng đến mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo Thủ tướng Chính phủ, sự kiện khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa rất quan trọng, là bước tiến lớn của ngành Y tế trong công tác chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Đây là sự kiện quan trọng và có nghĩa lớn khi Chính phủ đang chỉ đạo tích cực để triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc khám bệnh từ xa, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Y tế, các đơn vị viễn thông, các tỉnh, thành phố trong cả nước cần thực hiện theo tinh thần “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Các y bác sỹ, các cán bộ y tế là những người sẽ cụ thể hóa quan điểm này trở thành sự thực, góp phần lan tỏa kiến thức chuyên môn tốt của tuyến trên cho tuyến dưới để phục vụ, chăm sóc tốt nhất sức khỏe của mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. Nhiệm vụ của chúng ta là mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh từ xa đến hơn 14.000 cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ y tế toàn dân, đồng thời hướng tới kết nối với quốc tế.
"Tôi rất vui khi được biết “đường bay” khám, chữa bệnh từ xa đã được mở sang 2 nước bạn Lào và Campuchia. Trong tương lai, các bệnh viện tuyến trên cần kết nối với các nước có nền y khoa tiên tiến để học hỏi kinh nghiệm của các bác sỹ có trình độ cao. Tôi tin trong tương lai người dân không cần ra nước ngoài để khám, chữa bệnh” - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã trao tặng 178 hệ thống hội chẩn từ xa cho Bộ Y tế.