Phối hợp chi trả tiền đền bù sau sự cố môi trường
Đây là nhiệm vụ đột xuất, chưa từng triển khai nhưng lại là một trong những nhiệm vụ đặc biệt trọng tâm của nhiều đơn vị nói chung và ngành kho bạc nói riêng trong thời điểm này. Lường trước được những khó khăn khi triển khai thực hiện, toàn ngành đã tổ chức không ít cuộc bàn thảo để thống nhất “sườn” công việc, hạn chế thấp nhất những sai sót có thể xảy ra trong quá trình chi trả.
TX. Kỳ Anh chi trả tiền bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển
Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Phan Đình Tý cho biết: “Trên cơ sở các văn bản, thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng, chi trả, quyết toán kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển. KBNN tỉnh đã lên kế hoạch cụ thể cho từng phần việc về kiểm soát chi, quản lý tiền mặt, giao nhận với hội đồng chi trả, huy động cán bộ, phương tiện hỗ trợ… Đến thời điểm này đã tiến hành chi trả, phấn đấu đưa tiền về tay bà con sớm nhất có thể”.
Theo đó, riêng về nội dung quản lý tiền mặt, giao nhận tiền với hội đồng chi trả đền bù của mỗi địa phương được toàn ngành lên đề cương cụ thể. Để chủ động về nhu cầu tiền mặt tại mỗi điểm chi trả cũng như hạn chế việc kiểm đếm, vận chuyển nhiều lần, các đơn vị KBNN huyện, thị xã đã phối hợp với hội đồng chi trả nắm kế hoạch, đăng ký sớm với ngân hàng thương mại và thực hiện phương thức giao cho hội đồng chi trả tại ngân hàng.
Ngoài ra, để phối hợp với các đơn vị liên quan và nắm tình hình ngay tại điểm chi trả, các KBNN huyện, thị xã đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp tham gia hội đồng chi trả, cùng tiến hành các phần việc để bà con nhận tiền nhanh, sớm và đầy đủ nhất.
Góp sức hoàn thành nhiệm vụ tài chính
Theo Giám đốc KBNN tỉnh Phan Đình Tý, dự kiến 2 tháng cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, các đầu việc về đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; phấn đấu tăng thu; quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm; đảm bảo đủ nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi… phải được mỗi cán bộ căng sức thực hiện.
Tiệm cận với cột mốc thu ngân sách 2016 nhưng đến thời điểm hiện nay, các đơn vị liên quan phải thu gần 5.000 tỷ đồng mới đạt kế hoạch. Do vậy, các đơn vị KBNN cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu trên địa bàn đảm bảo nhanh, kịp thời và đầy đủ các khoản thu vào ngân sách nhà nước; đồng thời, theo dõi sát diễn biến tình hình thu, chi ngân sách, tổng hợp, báo cáo kịp thời, chính xác nhằm phục vụ quản lý điều hành ngân sách nhà nước của các cấp; tổ chức điều hành ngân quỹ KBNN linh hoạt, đảm bảo khả năng thanh toán của ngân sách nhà nước tại tất cả đơn vị KBNN,… là nhiệm vụ chuyên môn đặc biệt quan trọng của toàn ngành trong “chặng nước rút”.
Trong 9 tháng đầu năm, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi thường xuyên qua ngân sách nhà nước đạt 6.548 tỷ đồng. Qua đó, các đơn vị KBNN đã phát hiện và từ chối thanh toán 40 món với số tiền 3,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá, một số đơn vị KBNN trong công tác kiểm soát chi vẫn chưa quyết liệt trong thu hồi tạm ứng; tỷ lệ giải ngân một số dự án, công trình còn thấp… Để tăng cường nội dung này, thời gian tới, KBNN tỉnh tiếp tục quán triệt tinh thần chấp hành nghiêm túc nhiệm vụ kiểm soát chi, cập nhật kịp thời các văn bản mới về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản kết hợp với phương án chủ động phối hợp cùng các sở, ngành và chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thu hồi tạm ứng…
“Những tháng còn lại của năm 2016, nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải ngân vốn đầu tư, lãnh đạo KBNN tỉnh sẽ chỉ đạo KBNN các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền, các sở, ban ngành tại địa phương để có biện pháp tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Đồng thời, bám sát sự chỉ đạo của hệ thống KBNN cấp trên để đảm bảo đủ nguồn vốn, thực hiện điều hành linh hoạt để kịp thời thanh toán khi chủ đầu tư gửi hồ sơ thanh toán đến KBNN” - lãnh đạo KBNN tỉnh cho biết thêm.