Khó khăn trong vận động lao động hết hạn hợp đồng về nước

(Baohatinh.vn) - Trong số các thị trường xuất khẩu lao động ở Hà Tĩnh hiện nay, Hàn Quốc được xem là thị trường tiếp nhận lớn nhất, công việc của người lao động ở nước này cũng ổn định nhất. Tuy vậy, những năm gần đây, việc tiếp nhận lao động sang Hàn Quốc làm việc đang có những khó khăn, trong đó có nguyên nhân lao động hết hạn hợp đồng vẫn ở lại bất hợp pháp.

Chương trình hợp tác lao động Việt Nam – Hàn Quốc được bắt đầu từ năm 1993 theo 4 chương trình: cấp phép việc làm (EPS), thuyền viên gần bờ và xa bờ, lao động thẻ vàng và thực tập nâng cao tay nghề.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, tính đến cuối năm 2013, Hà Tĩnh có 5.466 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thuyền viên. Trong đó, số lao động tham gia chương trình EPS từ năm 2005 đến nay là 2.772 người với tổng số hồ sơ đủ điều kiện gia hạn là 775, số lao động đã xuất cảnh từ đầu năm đến nay là 165 người. Số lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại Hàn Quốc cư trú bất hợp pháp năm 2013 là 266/604 người, chiếm tỷ lệ 44,04%.

Sở LĐ-TB&XH tuyên truyền, vận động lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn.
Sở LĐ-TB&XH tuyên truyền, vận động lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn.

Tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động 405 lao động hết hạn hợp đồng về nước. Năm 2014, có 79 người hết hạn hợp đồng lao động, chiếm tỷ lệ 2,2% của cả nước. Trong đó, nhiều nhất là các huyện: Nghi Xuân 28 người, Kỳ Anh 9 người, Cẩm Xuyên 8 người, Đức Thọ 8 người.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián (Nghi Xuân), địa phương có số lao động tại Hàn Quốc lớn nhất, nhì tỉnh cho biết: “Toàn xã có 2.667 lao động đang cư trú ở nước ngoài, riêng thị trường Hàn Quốc có gần 1.300 lao động. Có những người xuất khẩu lao động tận 19 năm mà người nhà gọi cũng không về. Hay nhiều lao động vì trốn tránh sự kiểm tra của chính quyền sở tại mà bị tai nạn dẫn đến tử vong. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn ở lại làm việc bất hợp pháp. Thế mới thấy công tác vận động, tuyên truyền con em về nước đúng hạn là rất khó”.

Có thể nói, Hàn Quốc là thị trường lớn, đưa lại thu nhập cao cho người lao động. Tuy vậy, không ít người chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà không quan tâm đến lợi ích của đất nước, của cộng đồng và hàng ngàn lao động khác đang mong muốn được đi làm việc tại Hàn Quốc. Thậm chí, nhiều gia đình còn vận động con em tiếp tục ở lại.

Trước thực trạng đó, các cấp, ngành cần tổ chức các hội nghị, các buổi nói chuyện để nâng cao nhận thức cho người lao động. Ngoài ra, nêu rõ 3 nhóm đối tượng sau sẽ có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2014: lao động đã đạt yêu cầu qua các kỳ thi tiếng Hàn và hoàn thiện lại hồ sơ; lao động đã đăng ký dự thi tiếng Hàn trên máy tính trong ngành nông nghiệp vào tháng 8/2012 và đã nộp lệ phí thi nhưng chưa được thi; lao động hoàn thành hợp đồng về nước đúng thời hạn, đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính nhưng không được doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động cũ. Đồng thời thông báo chủ trương của Bộ LĐ-TB&XH “không tổ chức các kỳ kiểm tra tiếng Hàn trong năm 2014 đối với lao động đi mới”.

Việc về nước đúng hạn hợp đồng được nhiều lao động đánh giá cao, bởi họ vừa có thời gian nghỉ ngơi mà không sợ mất việc. Em Nguyễn Trọng Cường (xã Hộ Độ, Lộc Hà) chia sẻ: “Em về nước năm 2011, đến giờ đang chuẩn bị sang làm việc tiếp. Theo kinh nghiệm của em, trong quá trình làm việc nên tuân thủ pháp luật, quy định của 2 nước, chấp hành đúng thời hạn lao động. Nếu khi hết hạn mà vẫn đi làm, đi chơi thì chỉ lo trốn cơ quan chức năng, bất an lắm!”. Đó cũng là suy nghĩ của anh Đặng Tiểu Bình (xã Cương Gián, Nghi Xuân): “Là lao động mẫu mực, hàng năm đều được quyền lợi về ăn tết với gia đình, mình thấy về nước đúng thời hạn là quyết định đúng đắn”.

Thời gian tới, để hoàn thành chỉ tiêu đưa 79 lao động hết hạn hợp đồng về nước, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện Nghị định 95/2013 của Chính phủ, Quyết định 1465/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư hướng dẫn và Chỉ thị 04/CT-UBND về tuyên truyền, vận động người lao động hết hạn hợp đồng về nước. Các sở, ban ngành và các cơ quan như công an, báo, đài phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội LHPN, Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ đạo, tổ chức hội nghị tuyên truyền, biểu dương lao động về nước và xử phạt công khai các trường hợp vi phạm.

Việc tuyên truyền, vận động con em về nước đúng thời hạn không chỉ nâng cao hình ảnh lao động Việt Nam tại Hàn Quốc mà còn mang lại nhiều thuận lợi, ưu đãi cho người lao động cũng như tạo cơ hội việc làm cho lao động mới.

Từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đã đưa gần 74.000 lượt người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Riêng Hà Tĩnh có 2.806 lao động đi theo chương trình này. Tổng chi phí người lao động phải đóng nộp từ học phí tiếng Hàn đến làm thủ tục xuất cảnh khoảng 1.200-1.300 USD/người. Trong khi đó, thu nhập của người lao động tại Hàn Quốc bình quân 900-1.200 USD/tháng, nhiều lao động đạt 1.500-2.000 USD. Mỗi năm, người lao động từ Hàn Quốc gửi về nước ước khoảng 700 triệu USD.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast