Khơi dậy lòng yêu nước cho học sinh trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Bằng các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm qua các địa chỉ đỏ, các trường học ở Can Lộc (Hà Tĩnh) đã góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong thế hệ học sinh.

Những ngày đầu năm học mới, học sinh (HS) Trường Tiểu học Võ Liêm Sơn đã có những trải nghiệm thú vị tại Bến đò Thượng Trụ thuộc thôn Đoàn Kết, xã Thiên Lộc.

Khơi dậy lòng yêu nước cho học sinh trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Những ngày đầu năm học mới, HS Trường Tiểu học Võ Liêm Sơn (Can Lộc) đã có những trải nghiệm đáng nhớ tại di tích lịch sử Bến đò Thượng Trụ.

Qua lời của cô Tổng phụ trách Đội, câu chuyện về một đêm cuối tháng 3/1930, trên con thuyền nhỏ tại bến đò này đã diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại - Hội nghị thành lập Đảng bộ Hà Tĩnh như được tái hiện. Dòng chảy lịch sử, niềm tự hào truyền thống cách mạng trên mảnh đất quê hương theo giọng nói truyền cảm của cô như thấm vào suy nghĩ mỗi HS.

Trong mỗi năm học, chương trình giáo dục truyền thống cho đội viên thiếu niên đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. Hoạt động này không chỉ được lồng ghép trong các giờ học, trong chương trình giáo dục địa phương mà ngày càng trở nên hấp dẫn hơn qua các hình thức ngoại khóa, trải nghiệm tại các địa chỉ đỏ trên địa bàn.

Khơi dậy lòng yêu nước cho học sinh trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Từ chuyến trải nghiệm giúp các học sinh càng tự hào hơn về truyền thống quê hương.

Em Trần Thị Hải Yến - Lớp 5A, Trường Tiểu học Võ Liêm Sơn cho biết: “Từ chuyến trải nghiệm và những lời kể của cô giáo, em càng tự hào hơn về truyền thống của quê hương. Em sẽ cố gắng học tập chăm chỉ, rèn luyện tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để sau này trở thành người có ích cho xã hội”.

Là vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng với hệ thống di tích, lịch sử, địa chỉ đỏ, những năm qua, các trường học trên địa bàn huyện Can Lộc đã tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử cho HS.

Khơi dậy lòng yêu nước cho học sinh trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Nhiều hoạt động ý nghĩa của đoàn viên thanh niên được thực hiện tại Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tại Trường THPT Nghèn, thời gian qua, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tăng cường nội dung thực hành, dạy học, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa gắn liền với giá trị di sản trên địa bàn cũng được các thầy cô giáo phát huy. Lợi thế của mảnh đất anh hùng - nơi đã từng thấm máu bao chiến sĩ Xô viết trong những năm 1930-1931 được nhà trường phát huy qua những chuyên đề dạy học tại di tích hay các hoạt động trải nghiệm để giáo dục truyền thống yêu nước cho HS.

Thầy Lê Văn Định - Bí thư Đoàn trường, giáo viên bộ môn Giáo dục quốc phòng an ninh Trường THPT Nghèn cho biết: Không chỉ ở các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, thời gian qua, việc đổi mới phương pháp dạy học theo hình thức trải nghiệm cũng được chúng tôi thực hiện tại các di tích lịch sử, đặc biệt là tượng đài Xô viết Ngã ba Nghèn. Tại đây, chủ đề về “Truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam” môn Giáo dục quốc phòng an ninh lớp 10 đã trở nên hấp dẫn hơn đối với HS”.

Khơi dậy lòng yêu nước cho học sinh trên vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Học sinh Trường THPT Nghèn trải nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch tại tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh.

Việc tiếp lửa truyền thống, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ tại các địa chỉ đỏ trên địa bàn Can Lộc còn được các nhà trường phát huy bằng những buổi lao động tại các khu di tích; kết nạp Đoàn, Đội tại địa chỉ đỏ; các hoạt động trải nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch… Hoạt động này đã tác động sâu sắc đến suy nghĩ, hành động của HS về niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ với quê hương, với những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do của dân tộc.

Cô Nguyễn Thị Hường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc cho biết: “Chương trình dạy học lịch sử gắn với di sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành đã triển khai trong nhiều năm qua. Hoạt động này được các trường trên địa bàn tổ chức linh hoạt, sáng tạo bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng bài giảng, từng bậc học qua việc lồng ghép trong các bộ môn như: Lịch sử, Ngữ văn, Địa lý, Đạo đức, Giáo dục quốc phòng an ninh... và các hoạt động ngoài giờ lên lớp”.

Từ sự đổi mới phương pháp của các giáo viên, chất lượng bài giảng các môn học ngày càng được cải thiện. Thông qua các hoạt động trải nghiệm còn góp phần giáo dục kỹ năng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, bồi đắp niềm tự hào, tình yêu quê hương và ý thức trân trọng, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương trong mỗi HS.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.