Khởi nghiệp thành công từ “sản xuất xanh”

(Baohatinh.vn) - Luôn nung nấu ước mơ mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hữu ích từ các thảo dược sẵn có tại quê hương, chị Nguyễn Thị Thùy Dung (SN 1986) ở thôn Thanh Hòa, xã Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã khởi nghiệp thành công với con đường “sản xuất xanh”.

Khởi nghiệp thành công từ “sản xuất xanh”

Nguyên liệu được chị Dung lựa chọn, bảo quản kỹ càng.

Từng có trên tay tấm bằng đại học ngành Giáo dục Chính trị - Trường Đại học Vinh (Nghệ An) nhưng chị Nguyễn Thị Thùy Dung không theo đuổi nghề giáo mà lại quyết định làm nhân viên văn phòng ở quê nhà. Đến năm 2018, chị Dung một lần nữa rẽ hướng khi bắt đầu học hỏi kinh nghiệm và bắt tay vào sản xuất các sản phẩm từ thảo dược.

Chị Dung chia sẻ: "Ra trường, tôi làm một nhân viên văn phòng bình thường rồi kết hôn, cuộc sống cứ thế bình dị trôi qua. Năm 2018, khi mang thai lần 3, tôi được bà nội chỉ dạy cho làm một số sản phẩm thiên nhiên dùng cho bà mẹ mang thai và trẻ em. Từ đó, tôi đã bắt đầu học hỏi kinh nghiệm dân gian từ bà, từ các cụ cao niên, sách báo và lên mạng tìm hiểu công thức để bắt tay vào làm các sản phẩm từ thảo dược”.

Khởi nghiệp thành công từ “sản xuất xanh”

Các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên của chị Dung khá đa dạng và được nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh tin dùng.

Theo chị Dung, việc sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên là điều rất cần thiết, an toàn cho cả mẹ và bé. Suy nghĩ đó đã giúp chị Dung có thêm niềm tin với con đường khởi nghiệp của bản thân.

Có được định hướng khởi nghiệp, lại thêm sự ủng hộ hết mình từ các thành viên trong gia đình, chị Dung mạnh dạn vay vốn từ người thân, từ quỹ của Hội LHPN địa phương, đầu tư máy móc, nguyên liệu để sản xuất và đưa các sản phẩm của mình giới thiệu lên mạng xã hội và các kênh thông tin khác với thương hiệu “Thảo mộc Dung Nguyễn”.

Khởi nghiệp thành công từ “sản xuất xanh”

2 sản phẩm: Trà mầm ngũ cốc Dung Nguyễn và Tinh dầu lá xông sẽ tham gia Chương trình OCOP năm 2022.

Với sự kiên trì, chịu khó giới thiệu sản phẩm, dần dần, đơn hàng ngày một tăng lên, sản phẩm nhiều lúc không đủ cung cấp cho khách hàng nên chị Dung tiếp tục mua sắm thêm máy móc, thiết bị sản xuất. Đến nay, chị Dung đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng rộng hơn 400m2 và mua sắm máy móc phục vụ cho việc chế biến thảo dược như: máy sấy lạnh, máy chưng cất tinh dầu, máy hút chân không…

Các sản phẩm như: tinh dầu các loại, trà, xịt tóc tinh dầu bưởi, gói tắm trẻ em, gói xông phụ nữ…đều đảm bảo các quy chuẩn chất lượng của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, được người tiêu dùng đón nhận và tin dùng.

Khởi nghiệp thành công từ “sản xuất xanh”

Nhiều hộ dân ở xã Kỳ Thư và các xã lân cận có thêm thu nhập từ việc trồng và cung cấp dược liệu cho cơ sở của chị Dung.

Để có nguồn nguyên liệu ổn định, chị Dung đã khuyến khích, hướng dẫn các hộ dân trồng dược liệu tại vườn nhà. Do đó, nhiều hộ dân ở xã Kỳ Thư và các xã lân cận, ngoài làm ruộng, đã có thu nhập thêm từ việc cải tạo những mảnh vườn nhỏ để trồng dược liệu cung cấp cho cơ sở sản xuất sản phẩm thảo dược của chị Dung.

Chị Nguyễn Thị Lam - Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Châu cho biết: Từ khi cơ sở sản xuất của chị Dung nhận bao tiêu các loại thảo dược, chị em phụ nữ trên địa bàn tích cực cải tạo vườn hoang, vườn tạp để trồng cây dược liệu. Nhờ vậy, chị em có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Được biết, trung bình mỗi ngày, cơ sở của chị Dung thu mua từ 500kg - 1 tấn sả, 300 - 400kg ngải cứu, 400 - 500 quả bưởi… nhằm phục vụ cho công việc chế biến các loại tinh dầu, trà, ngũ cốc…

Chị Dung chia sẻ: Nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm được thu mua theo mùa. Ví dụ như sả được thu mua nhiều nhất từ tháng 3 đến tháng 12 âm lịch, còn hương nhu, tía tô, ngải cứu…tôi thu mua nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch. Vì thế, khi người dân địa phương cải tạo vườn tạp, phát triển, trồng xen canh cây dược liệu có giá trị đều được tôi ký hợp đồng thu mua, bà con yên tâm sản xuất.

Khởi nghiệp thành công từ “sản xuất xanh”

Cơ sở tạo công việc ổn định cho 5 lao động trên địa bàn.

Hiện cơ sở sản xuất của chị Dung đang tạo việc làm cho 5 nhân công với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng. Bà Lê Thị Anh Đào (thôn Thanh Hòa, xã Kỳ Thư) cho biết: “Tôi tham gia vào xưởng sản xuất sản phẩm thảo dược của chị Dung từ những ngày đầu. Công việc khá nhẹ nhàng, mức lương ổn định, phù hợp với những phụ nữ có tuổi như tôi”.

Bằng niềm tin và sự đam mê, đến nay, sản phẩm từ thảo dược của chị Dung đã “phủ sóng” tại nhiều vùng miền trên cả nước, nhất là ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hóa… Ước tính, mỗi tháng cơ sở đạt doanh thu hơn 150 triệu đồng.

Khởi nghiệp thành công từ “sản xuất xanh”

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Việt Hà trao giải nhất cho chị Nguyễn Thị Thùy Dung với ý tưởng: Sản xuất các sản phẩm từ thảo dược trong cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” năm 2022. (Ảnh: Thiên Vỹ)

Từ những thành công bước đầu, đến nay, các sản phẩm sản xuất từ thảo dược của chị Dung đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Mới đây nhất, vào ngày 22/9/2022, ý tưởng khởi nghiệp của chị Dung đã giành giải nhất trong cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” năm 2022 do Hội LHPN Hà Tĩnh chứng nhận.

Nói về những dự định sắp tới của mình, chị Dung bộc bạch: "Để có thêm các kiến thức về thảo dược, phục vụ tốt hơn cho công việc, tôi đang học thêm ngành Y sỹ y học cổ truyền tại trường Trung cấp Y khoa miền Trung (Nghệ An).

Thời gian tới, tôi sẽ tăng thêm sản lượng sản xuất, phát triển thêm vùng nguyên liệu, đặc biệt là hoàn tất các công đoạn để đưa 2 sản phẩm: Trà mầm ngũ cốc Dung Nguyễn và Tinh dầu lá xông tham gia Chương trình OCOP sắp tới. Đồng thời, để sản phẩm được đến gần hơn với khách hàng, tôi sẽ tối ưu hóa hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử”.

Chị Trần Thị Sáng – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh nhận xét: “Các sản phẩm ở cơ sở sản xuất của chị Dung hiện đang được Hội cũng như các đoàn thể hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu, tham gia các cuộc thi và sắp tới sẽ tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh. Hội cũng đang định hướng, cơ sở tiến tới thành lập hợp tác xã, tạo vùng nguyên liệu để thu mua dược liệu cho bà con, tạo thêm công ăn việc làm cho chị em phụ nữ trên địa bàn”.

Chủ đề Khởi nghiệp

Đọc thêm

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.