Không chủ quan với dịch bệnh gia súc, gia cầm

(Baohatinh.vn) - Mặc dù dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) xẩy ra trên địa bàn huyện Đức Thọ và Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cơ bản đã được khống chế nhưng với nhiều yếu tố bất lợi hiện nay, các địa phương và người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là phòng chống dịch.

Quyết liệt dập dịch

Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, ngành chuyên môn cùng với chính quyền các địa phương đã vào cuộc quyết liệt nhằm khống chế không để dịch lan rộng. Tại Đức Lập (Đức Thọ), xã lập 2 chốt kiểm soát tuyệt đối không cho vận chuyển gia súc, gia cầm vào ra trong thời gian có dịch; đồng thời tiến hành phun 40 lít hóa chất khử trùng, rắc 300 kg vôi bột tại các khu vực chăn nuôi có nguy cơ cao. Sau khi rà soát tổng số trâu bò hiện có trên địa bàn, cán bộ thú y xã, huyện đã tiêm phòng bao vây cho 856 con gia súc.

Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại để phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

TX Hồng Lĩnh cũng đã chỉ đạo các địa phương: phường Đậu Liêu, Bắc Hồng và xã Đức Thuận tăng cường giám sát, không để dịch lan ra diện rộng. Thị xã đã tiến hành họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đồng thời cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống các địa phương có dịch khẩn trương tiêm phòng bao vây cho gần 689 con gia súc tại 3 xã; lập 6 chốt canh nghiêm cấm người dân mua bán, vận chuyển gia súc vào ra trên địa bàn, đồng thời tiến hành ký cam kết với người dân và tiêu độc, khử trùng môi trường vùng chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y - Chăn nuôi, nhờ phát hiện kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương, đến thời điểm này không phát hiện thêm gia súc mắc bệnh. Qua theo dõi, số gia súc mắc bệnh sau khi được điều trị sức khỏe đã bình phục.

Tiềm ẩn nguy cơ lây lan

Thời tiết bất lợi tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh từ ổ dịch cũ. Yếu tố trên cũng đã ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi trong khi gia súc đến thời điểm hết miễn dịch sau tiêm phòng đợt II/2016. Đặc biệt, do giá bán giảm mạnh (nhất là đối với lợn) nên còn lượng lớn gia súc, gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi chưa xuất bán được. Gần đây, trên địa bàn tỉnh, tình trạng người dân vứt xác động vật chết làm phơi nhiễm mầm bệnh và gây ô nhiễm môi trường cho các huyện Thạch Hà, Vũ Quang và TP Hà Tĩnh...

Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu đảm bảo an toàn sức khỏe cho đàn gia súc.

Một thực trạng nữa là kết quả tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm hàng năm tại nhiều địa phương chỉ đạt 15-20% và công tác quản lý mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm (nhất là việc nhập con giống vào địa bàn) còn nhiều hạn chế nên nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh rất cao.

Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y - Chăn nuôi cho rằng: “Thời điểm này, gia súc, gia cầm rất “nhạy cảm” với các loại dịch bệnh nguy hiểm thường gặp như bệnh tai xanh ở đàn lợn, lở mồm long móng ở đàn trâu, bò và cúm gia cầm... Vì vậy, các địa phương cùng ngành chuyên môn khẩn trương tổ chức tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại các hộ, cơ sở chăn nuôi và các vùng nguy cơ cao. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại và môi trường chăn nuôi, định kỳ dùng vôi bột hoặc hóa chất khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện công tác tiêm phòng vắc-xin đợt I/2017 theo Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 15/1/2017 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm”.

Mặt khác, lập các đoàn kiểm tra liên ngành định kỳ, đột xuất kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm trong quản lý, thực thi nhiệm vụ chuyên môn và các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trốn tránh kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y, đặc biệt là các trường hợp vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi và buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm mắc bệnh phải bị xử lý nghiêm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói