16 con lợn nhiễm bệnh của gia đình bà Nguyễn Thị Thuấn (xã Xuân Hồng - Nghi Xuân) được đưa đi tiêu hủy.
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian khá dài, gây hậu quả nặng nề cho người chăn nuôi. Đến nay, toàn tỉnh có 5 xã thuộc 2 huyện có dịch chưa qua 21 ngày gồm: Nam Phúc Thăng, Cẩm Quan, Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên); Quang Lộc, Tùng Lộc (Can Lộc) và 1 xã vừa tái xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm này là Xuân Hồng (Nghi Xuân).
Vừa qua, lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy 24 con lợn nhiễm bệnh với tổng trọng lượng 1.464 kg của gia đình ông Trần Văn Lĩnh và gia đình bà Nguyễn Thị Thuấn đều ở thôn 6 - xã Xuân Hồng (Nghi Xuân).
Ngay sau khi công bố dịch bệnh (ngày 5/9), UBND huyện Nghi Xuân đã yêu cầu UBND xã Xuân Hồng huy động nhân lực, vật lực và các điều kiện cần thiết để triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp bao vây, khống chế dịch bệnh, không cho mầm bệnh lây lan trên diện rộng.
Lực lượng chức năng phun thuốc khử trùng các phương tiện ra, vào tại thôn 6 - xã Xuân Hồng.
Ông Lê Văn Mạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Nghi Xuân cho biết: “Sau khi tái xuất hiện dịch, chính quyền địa phương xã Xuân Hồng đã tổ chức rà soát, thống kê cụ thể hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn; thành lập tổ phản ứng nhanh, tổ tiêu hủy lợn, tổ giám sát dịch bệnh và phun tiêu độc khử trùng, tổ trực chốt kiểm soát. Địa phương phun, rắc hóa chất tiêu độc, khử trùng tại các hộ và khu vực xung quanh 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên, 3 lần/tuần trong vòng 2 - 3 tuần tiếp theo.
Đồng thời lập cam kết với người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn, người hoạt động hành nghề thú y trên địa bàn thực hiện “5 không” theo khuyến cáo của Cục Thú y (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt)”.
Lãnh đạo xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) kiểm tra công tác phòng, chống DTLCP tại các hộ dân có lợn bị chết do nhiễm bệnh.
Tại Cẩm Xuyên – địa phương đang có DTLCP chưa qua 21 ngày, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cũng đang tổng lực các giải pháp khống chế dịch bệnh.
Ông Phạm Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Nam Phúc Thăng cho biết: “9 con lợn của 4 hộ dân tại 3 thôn (4A, Tây Đồng và Đông Khê) vừa bị chết do nhiễm bệnh. Ngay lập tức, chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy số lợn chết, triển khai phun tiêu độc khử trùng trên diện rộng. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, địa phương đã đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, đến nay, đã “phủ sóng” vắc-xin dịch tả lợn và tụ huyết trùng cho 100% tổng đàn lợn (khoảng 3.000 con)”.
Thời điểm này, gia đình ông Đặng Quốc Hoài (thôn Đông Khê – xã Nam Phúc Thăng) đang siết chặt các biện pháp phòng dịch, ngăn cho mầm bệnh không lây lan trên toàn đàn.
Gia đình anh Đặng Quốc Hoài (thôn Đông Khê – xã Nam Phúc Thăng) bổ sung thức ăn, tăng sức đề kháng cho đàn lợn.
Ông Hoài cho hay: “Cuối tháng 8 vừa qua, 1 con lợn nái của gia đình bị chết do DTLCP. Thời điểm lợn nái bị nhiễm bệnh, trong chuồng còn 3 lợn nái và 17 lợn con nên gia đình khẩn trương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng trừ dịch. Ngoài vệ sinh, khử trùng chuồng trại, chúng tôi tiêm phòng và tập trung chăm sóc, tăng sức đề kháng cho vật nuôi qua thức ăn. Đến nay, rất mừng là số lợn còn lại đang ổn định”.
Được biết, không riêng 400 hộ chăn nuôi quy mô nông hộ như ông Hoài mà 10 trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn xã Nam Phúc Thăng đang nâng cấp mức độ phòng dịch lên mức cao. Ngoài kiểm soát chặt con giống, thức ăn, các trang trại đều đầu tư công tác phòng dịch, thực hiện nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để ngăn chặn không cho dịch bệnh xâm nhập vào trang trại.
Hiện nay, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn và người chăn nuôi lợn tại 2 xã Quang Lộc và Tùng Lộc (Can Lộc) cũng đang ráo riết triển khai các biện pháp phòng trừ DTLCP khi ghi nhận 16 con lợn nhiễm bệnh và đến nay dịch vẫn chưa qua 21 ngày.
Theo đó, các địa phương thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát chặt chẽ đối với lợn và sản phẩm lợn từ vùng dịch ra ngoài; lập biển cảnh báo khu vực có dịch; tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm, chốt kiểm dịch động vật...
Các trang trại chăn nuôi lợn ở Hà Tĩnh đang thực hiện theo nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để ngăn chặn vi rút xâm nhập.
Ông Nguyễn Khắc Khánh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh thông tin: “DTLCP là dịch bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Thời gian qua, tỉnh, ngành nông nghiệp và các sở, ngành liên quan đã chỉ đạo các địa phương có dịch nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi”.
Cũng theo ông Khánh, với những vùng không ghi nhận dịch hoặc DTLCP đã qua 21 ngày, đủ điều kiện thì người chăn nuôi có thể tái đàn trên cơ sở đảm bảo an toàn sinh học. Tuy nhiên, giá lợn hơi đang có xu hướng giảm trong khi giá thức ăn đang ở mức cao nên người dân cần tính toán kỹ lưỡng khi quyết định tái đàn. Bên cạnh đó, hiện nay là thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường nên công tác phòng dịch phải được người chăn nuôi đặt lên hàng đầu.