Được sự hỗ trợ, đồng hành của Thành đoàn, HTX Thanh niên Thành Sen có nhiều cơ hội để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.
Toàn TP Hà Tĩnh hiện có 85 mô hình kinh tế thanh niên, không chỉ thể hiện sự lớn mạnh của thế hệ trẻ trong lập thân, lập nghiệp mà đây chính là lực lượng hùng hậu góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển theo hướng bền vững, đột phá.
HTX Thanh niên Thành Sen bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2021, quy tụ 7 thanh niên có cùng chí hướng, bản lĩnh và khát khao làm giàu bằng nông nghiệp hữu cơ. Đây cũng là mô hình điểm thực hiện chương trình thanh niên khởi nghiệp của Thành đoàn Hà Tĩnh.
Hiện nay, sản phẩm của HTX đã được Thành đoàn hỗ trợ kết nối tại các điểm bán hàng trên địa bàn thành phố.
Anh Nguyễn Tiến Giáp - thành viên HĐQT HTX Thanh niên Thành Sen cho biết: “Sau 2 năm thực hiện thành công quy trình chuyển đổi sản xuất hữu cơ, chúng tôi đã bắt đầu đi vào sản xuất một số sản phẩm theo đăng ký như: cà chua, dưa chuột, su hào, các loại cải; vụ hè thì sản phẩm chủ lực là dưa hấu và dưa lê.
Sản xuất hữu cơ rất khó nhưng chúng tôi muốn tận dụng sức trẻ, sự cống hiến cũng như những tư tưởng tiến bộ, kiến thức được học để xây dựng thương hiệu có giá trị cao, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố. Cùng với hỗ trợ sát cánh của Thành đoàn, chúng tôi đã tiếp cận được các cơ chế chính sách để thực hiện tích tụ ruộng đất 5 ha; hoàn thiện hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ về nguồn vốn. Hiện nay, Thành đoàn cũng giúp HTX kết nối, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm”.
Anh Võ Văn Ngọc (SN 1993) - chủ mô hình điện tử, ánh sáng, màn hình led Ngọc Trang đã được Thành đoàn hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn 50 triệu đồng từ chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”.
Cũng nhận được sự hỗ trợ ra mắt mô hình kinh tế thanh niên của Thành đoàn, cơ sở điện tử, ánh sáng, màn hình led Ngọc Trang (xã Thạch Trung) đang từng ngày phát triển lớn mạnh. Anh Võ Văn Ngọc (SN 1993) - chủ mô hình chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của Thành đoàn, cơ sở đã được vay vốn 50 triệu đồng từ chương trình thanh niên khởi nghiệp. Cùng với đó, Thành đoàn cũng kết nối, giới thiệu để các đoàn viên thanh niên trên địa bàn sử dụng sản phẩm của nhau, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu lớn mạnh. Năm 2022, tôi đã bỏ thêm 1 tỷ đồng để đầu tư màn hình led phục vụ sự kiện. Đến nay, cơ sở đã được tham gia rất nhiều chương trình, sự kiện lớn của tỉnh”.
Mô hình Sol Home (xã Thạch Hạ) có doanh thu từ 200 - 400 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, các mô hình kinh tế thanh niên trên địa bàn thành phố hoạt động khá hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển ngành nghề và tăng trưởng chung của địa phương. Chỉ tính trong năm 2023, Thành đoàn đã ra mắt 19 mô hình với tổng số vốn 6,5 tỷ đồng. Cùng với đó, không chỉ là “bà đỡ” cho các mô hình tiếp cận chính sách, Thành đoàn còn vận dụng nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ đoàn viên thanh niên khởi nghiệp phát triển như: tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp, HTX; tư vấn, kết nối tiêu thụ sản phẩm; xây dựng hệ sinh thái mô hình kinh tế thanh niên theo hướng đa ngành, đa nghề, đa giá trị và kết nối, hỗ trợ nhau; xây dựng bản đồ số thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp...
Mới đây, Thành đoàn cũng tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn từ năm 2023 - 2030 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” của Chính phủ; xác định rõ lộ trình, định hướng phát triển các mô hình kinh tế thanh niên gắn với định hướng phát triển của thành phố trong giai đoạn mới.
Công ty TNHH Quý Lê (phường Văn Yên) đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều đơn vị, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thiết kế, trang trí nội thất.
Bí thư Thành đoàn Nguyễn Phi Khanh cho biết: “Việc thực hiện kế hoạch sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, khát vọng khởi nghiệp, phát triển năng lực khởi nghiệp của thanh niên. Đồng thời, kiến tạo môi trường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đóng góp vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Với vai trò là “bà đỡ” của thanh niên khởi nghiệp, chúng tôi sẽ kết nối với các cơ quan chuyên môn, chính quyền, doanh nghiệp, nhà đầu tư để hỗ trợ thanh niên trong việc hoàn thiện các ý tưởng khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển các ý tưởng có tiềm năng; đào tạo nghề, năng lực quản trị để nâng cao năng lực SXKD theo chuỗi; phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp để đầu tư phát triển các thiết chế, khai thác nguồn lực; nghiên cứu, đề xuất chính sách cũng như giám sát việc thực hiện để các mô hình khởi nghiệp phát triển bền vững”.
Thành đoàn Hà Tĩnh đã xây dựng hệ thống bản đồ số thanh niên, tạo điều kiện để các mô hình kinh tế tích hợp nhằm xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp thanh niên một cách bền vững.
Kế hoạch được thực hiện 2 giai đoạn, từ năm 2023 - 2025, thành phố tập trung công tác bồi dưỡng kiến thức nền tảng về khởi nghiệp, về công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho các cán bộ đoàn. Mục tiêu, hỗ trợ ít nhất 10 thanh niên khởi nghiệp, 200 thanh niên được trang bị kiến thức, 5 doanh nghiệp, mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển... Hằng năm, xây dựng mới ít nhất 10 mô hình kinh tế và hỗ trợ ít nhất 1 mô hình kinh tế thanh niên tham gia chương trình OCOP.
Từ năm 2026 - 2030, xây dựng trên 25 doanh nghiệp, mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển; thành lập Hội đồng tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; xây dựng các thiết chế hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; thành lập 5 hợp tác xã, tổ hợp tác do thanh niên làm chủ. Hằng năm, xây dựng mới ít nhất 15 mô hình kinh tế và hỗ trợ ít nhất 1 mô hình kinh tế thanh niên tham gia chương trình OCOP.