Hà Tĩnh hiện đại hóa công tác phòng chống thiên tai

(Baohatinh.vn) - Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư ứng dụng các phần mềm hiện đại đã giúp ngành chuyên môn Hà Tĩnh nâng cao năng lực dự báo thiên tai, qua đó giúp chính quyền và người dân chủ động phòng, chống và giảm thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Huy động nguồn lực lắp đặt thiết bị cảnh báo sớm thiên tai

Xã Quang Vĩnh (Đức Thọ) là địa phương ngoài đê La Giang, thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nặng nề khi thiên tai, mưa lũ. Địa phương đã ghi nhận những trận lũ lịch sử, nước dâng cao đến 2 mét, gây ngập lụt trên diện rộng và thiệt hại tài sản của người dân.

Trước bối cảnh đó, ngoài trang bị cho chính quyền và người dân kỹ năng ứng phó thiên tai, Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh còn ưu tiên lắp đặt tháp báo lũ thông minh tại công trình Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh.

Hà Tĩnh hiện đại hóa công tác phòng chống thiên tai

Các đơn vị lắp đặt tháp báo lũ thông minh tại xã Quang Vĩnh (Đức Thọ).

Ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch UBND xã Quang Vĩnh cho hay: “Địa phương vừa được tài trợ 1 tháp báo lũ thông minh giúp quan trắc mực nước ngập lụt theo thời gian thực và truyền dữ liệu mực nước về nền tảng quản lý thông qua mạng 3G/4G/SMS. Ngoài ra, hệ thống còn giúp cảnh báo ngập lụt vượt ngưỡng. Khi ghi nhận bất thường, hệ thống sẽ gửi tin nhắn SMS cảnh báo đến cộng đồng và kích hoạt đèn báo xoay. Nhờ hệ thống này, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) từ tỉnh đến huyện, xã, thôn đều nắm được tình hình mực nước khi bão, lũ xảy ra. Nhờ vậy, công tác điều hành PCTT diễn ra thông suốt hơn, việc xử lý các tình huống trong bão lụt thuận lợi hơn, nhất là công tác sơ tán dân”.

Ông Trần Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết: “Đơn vị vừa hoàn thành lắp đặt 3 tháp báo lũ thông minh tại các xã Quang Vĩnh (Đức Thọ), Điền Mỹ (Hương Khê) và Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên). Đồng thời, lắp đặt 3 trạm đo mực nước tự động tại cống Đức Xá - đê La Giang (thuộc xã Bùi La Nhân, Đức Thọ), cống Đò Điệm (xã Thạch Sơn, Thạch Hà) và cống số 4, đê Hữu Phủ (xã Đỉnh Bàn, Thạch Hà).

Bên cạnh đó, nhiều khu vực, công trình trọng điểm hiện đã được lắp đặt camera theo dõi giám sát thiên tai như: cống Đức xá, cống Trung Lương thuộc đê La Giang; các hồ Kẻ Gỗ, Sông Rác, Ngàn Trươi; các âu trú bão... Đây là cơ sở để ngành chuyên môn và chính quyền địa phương theo dõi diễn biến thiên tai tại khu vực nhằm sớm có các giải pháp tham mưu, chỉ đạo cũng như triển khai các phương án phòng tránh, ứng phó kịp thời”.

Được biết, giai đoạn 2017 - 2022, Hà Tĩnh đã lắp đặt 66 trạm đo mưa tự động từ nhiều nguồn. Các trạm đo mưa tự động được lắp đặt ở vùng núi, đầu mối hồ chứa và khu vực chưa có trạm đo chuyên ngành. Các trạm đo cập nhật lượng mưa một cách tự động thông qua website, tin nhắn di động, app; từ đó, chính quyền và người dân nhận biết được lượng mưa nhằm chủ động phòng tránh ứng phó mưa lũ có hiệu quả.

Hà Tĩnh hiện đại hóa công tác phòng chống thiên tai

Trạm đo mực nước tự động được lắp đặt tại cống số 4, đê Hữu Phủ (xã Đỉnh Bàn, Thạch Hà)

Hà Tĩnh là địa phương có thế mạnh về kinh tế biển với số lượng tàu, thuyền tương đối lớn. Thời gian qua, ngành chuyên môn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.

Theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 104 tàu cá đánh bắt vùng khơi và 641 tàu cá đánh bắt ở vùng lộng hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đây là 1 trong những quy định bắt buộc của Liên minh châu Âu nhằm gỡ “thẻ vàng” về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo. Cùng đó, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có ý nghĩa quan trọng nhằm quản lý tàu khai thác trên biển. Đồng thời, giúp ngư dân và các cơ quan chức năng thông suốt về thông tin liên lạc để chủ động trong cứu nạn, cứu hộ, thông tin về ngư trường, thời tiết...

Từng bước hiện đại hóa công tác dự báo thiên tai

Thực tiễn cho thấy, các loại hình thiên tai trên địa bàn đang diễn biến theo hướng cực đoan, không theo quy luật, đặt ra yêu cầu bức thiết với ngành khí tượng thủy văn (KTTV) trong công tác dự báo, cảnh báo. Dự báo sớm, chính xác các hiện tượng thiên tai là điều kiện tiên quyết để đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hà Tĩnh hiện đại hóa công tác phòng chống thiên tai

Hình ảnh một tàu cá của Hà Tĩnh hoạt động gần đường ranh giới cho phép khai thác thủy sản được ghi lại trên thiết bị giám sát hành trình.

Những năm qua, ngành KTTV Hà Tĩnh đã chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ liên quan đến hệ thống quan trắc, thông tin dữ liệu, năng lực tính toán, công nghệ dự báo, nguồn nhân lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài KTTT Hà Tĩnh cho biết: “Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ giúp năng lực theo dõi, giám sát, cảnh báo thiên tai được nâng cao. Dữ liệu KTTV hiện đã được số hóa 100% cho phép lưu trữ và khai thác được hầu hết các dữ liệu KTTV theo yêu cầu nghiệp vụ dự báo. Ngoài việc nâng cấp trang thiết bị, công nghệ theo dõi, phân tích, dự báo, cảnh báo thiên tai, ứng dụng công nghệ dự báo tiên tiến; Đài KTTV tỉnh còn đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả trong phòng, chống thiên tai. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tác động xấu của các loại hình thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn”.

Ngoài ra, Đài KTTV tỉnh đã phối hợp thường xuyên đưa thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai và các thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCTT lên trên website: pctt.hatinh.gov.vn để người dân có thể tiếp cận. Hơn nữa, các thông tin về thiên tai cũng thường xuyên được cập nhật trên các nhóm zalo PCTT như: Thông tin thiên tai Hà Tĩnh, Hồ chứa Hà Tĩnh... một cách nhanh nhất và chính xác nhất.

Hà Tĩnh hiện đại hóa công tác phòng chống thiên tai

Hà Tĩnh thường phải chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ.

Ông Trần Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin: “Từ năm 2016 lại nay, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chủ động phối hợp với các nhà mạng trên địa bàn triển khai dịch vụ nhắn tin truyền tải tình hình, diễn biến thiên tai đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; lãnh đạo huyện, xã để chủ động kịp thời chỉ đạo, ứng phó. Dịch vụ nhắn tin đã kịp thời cung cấp thông tin nhanh chóng, giúp cho công tác chỉ huy, điều hành ứng phó với thiên tai của các cấp, ngành, địa phương chủ động và hiệu quả”.

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast