Ngành ngân hàng Hà Tĩnh “trợ lực” cho nền kinh tế

(Baohatinh.vn) - Khép lại một năm đầy gian khó, hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trợ lực” cho nền kinh tế…

Tốc độ tăng trưởng tín dụng ấn tượng

Khó khăn chung của KT-XH năm 2021 ảnh hưởng lớn đến hoạt động ngân hàng. Tuy vậy, các tổ chức tín dụng (TCTD) ở Hà Tĩnh vẫn “ghi điểm” với tốc độ tăng trưởng huy động vốn lẫn dư nợ.

Nguồn vốn huy động năm 2021 của ngành ngân hàng Hà Tĩnh tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Đến 31/12/2021, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 87.669 tỷ đồng, tăng 25,3% so với đầu năm.

Ngành ngân hàng Hà Tĩnh “trợ lực” cho nền kinh tế

Nguồn vốn huy động năm 2021 của ngành ngân hàng Hà Tĩnh tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Năm nay, tốc độ tăng trưởng dư nợ của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của toàn ngành. Ước tính đến 31/12/2021, dư nợ tín dụng đạt 70.900 tỷ đồng, tăng 17,67% so với đầu năm; nợ xấu đối với khối ngân hàng thương mại chiếm 0,83%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp và giảm so với các năm trước cho thấy các TCTD đang dần kiểm soát tốt chất lượng tín dụng.

Theo các chuyên gia, dịch bệnh dần được kiểm soát, nền kinh tế đang phục hồi trở lại. Tại Hà Tĩnh, các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân đã linh hoạt đầu tư phương án SXKD trên cơ sở tuân thủ phòng dịch. Đón “làn sóng” đầu tư, các TCTD đã triển khai nhiều gói cho vay với lãi suất ưu đãi, nhanh chóng đẩy dư nợ gia tăng.

Ngành ngân hàng Hà Tĩnh “trợ lực” cho nền kinh tế

Thiết kế các gói tiết kiệm dự thưởng là một trong những giải pháp để Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II tăng trưởng nguồn vốn.

Ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh tự hào: “Khép lại một năm đầy gian khó do dịch bệnh COVID-19, song hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh đã hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, xứng đáng là huyết mạch của nền kinh tế. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để ngành tin tưởng về tương lai tươi sáng, “cán đích” nhiều mục tiêu trong năm mới. Theo đó, năm 2022, ngành phấn đấu nguồn vốn huy động tăng từ 16% trở lên, dư nợ tín dụng tăng từ 13-15%, tỷ lệ nợ xấu không quá 2%”.

Đồng hành “gỡ khó” cho khách hàng

Vận tải là lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh là một ví dụ. Trong bối cảnh doanh thu nhỏ giọt, DN chật vật “giữ chân” người lao động, công ty đã được Vietcombank Hà Tĩnh cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với dư nợ cũ; đồng thời, cho vay mới hàng chục tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, số tiền lãi mà DN được hưởng lên tới hàng chục triệu đồng/tháng.

Ngành ngân hàng Hà Tĩnh “trợ lực” cho nền kinh tế

Hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng dịch COVID-19, Vietcombank Hà Tĩnh chủ động cho vay vốn trên cơ sở điều chỉnh giảm lãi.

Ông Dương Quốc Khánh - Trưởng phòng Khách hàng DN, Vietcombank Hà Tĩnh cho hay: “Dư nợ đã được đơn vị cơ cấu trên 80 tỷ đồng với các khách hàng hoạt động lĩnh vực khách sạn, vận tải, giáo dục... Ngoài ra, chi nhánh cho hàng nghìn khách hàng vay mới trên cơ sở điều chỉnh giảm lãi suất lên đến 2%/năm”.

Nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực tín dụng ưu tiên của Hà Tĩnh.

Bà Lê Thị Bích Thủy (xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Chăn nuôi lợn nhỏ lẻ nên năm nào tôi cũng thua lỗ. Tháng 9/2021, tôi may mắn được tiếp cận gói vay ưu đãi 1 tỷ đồng từ Agribank Cẩm Xuyên (thuộc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II) với lãi suất chỉ 4,5%/năm. Có vốn giá rẻ, gia đình mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại nuôi 400 con lợn thịt/lứa với quy trình khép kín”.

Ngành ngân hàng Hà Tĩnh “trợ lực” cho nền kinh tế

Cán bộ Agribank Cẩm Xuyên kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của gia đình bà Trần Thị Phi, xã Cẩm Hưng.

Ông Võ Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cho hay: “Tháng 6/2021, đơn vị triển khai gói vay hỗ trợ COVID-19 với lãi suất ưu đãi chỉ 4,5%/năm theo chỉ đạo của Agribank Việt Nam. Đến nay, chi nhánh đã giảm lãi suất cho 36.821 khách hàng, dư nợ được giảm lãi suất là 7.839 tỷ đồng, số tiền lãi dự kiến giảm đến 31/12/2021 ít nhất là 34 tỷ đồng”.

Ngoài những “ông lớn”, hàng loạt ngân hàng thương mại trên địa bàn như: Techcombank, HDBank, VPBank, Bắc Á Bank… cũng cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch. Những quyết sách của ngành ngân hàng sẽ là “liều thuốc trợ lực” giúp cộng đồng DN và người dân nhanh chóng khôi phục SXKD, thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà phát triển.

Ngành ngân hàng Hà Tĩnh “trợ lực” cho nền kinh tế

Ngành ngân hàng Hà Tĩnh có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó, duy trì ổn định chuỗi sản xuất, kinh doanh.

Tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng ước đến 31/12/2021 đạt 70.900 tỷ đồng, tăng 17,67% so đầu năm.

Từ 13/3/2020 - 30/11/2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.453 khách hàng với tổng giá trị nợ 955,96 tỷ đồng; miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 352 khách hàng, số tiền lãi được miễn, giảm là 1.176 triệu đồng; giảm, hạ lãi suất cho 98.243 khách hàng với số tiền lãi được hạ 145,91 tỷ đồng. Đồng thời, cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước khi có dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 - 30/11/2021 đạt hơn 63.410 tỷ đồng.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.