Ông Lê Đình Hân (thôn Kim Ngọc, xã Thạch Châu, Lộc Hà): Không phút giây nào nguôi nhớ thương đồng đội.
Ông Lê Đình Hân đã từng cùng các đồng đội, đồng hương chiến đấu anh dũng trên chiến trường miền Nam, Campuchia.
Tháng 12/1974, khi tròn 20 tuổi, cũng như nhiều thanh niên khác, tôi hăng hái khoác ba lô lên đường theo tiếng gọi của tiền tuyến miền Nam. Nhập ngũ cùng tôi thời điểm đó còn có 14 thanh niên cùng xã, họ đều là anh em, bạn bè cùng trang lứa.
Tôi và một số anh em được biên chế vào Tiểu đoàn 8 - Trung đoàn 266 - Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4), trực tiếp tham gia chiến đấu tại cửa ngõ Sài Gòn, mở đường cho các đơn vị khác tiến vào giải phóng thành phố. Sau 30/4/1975, đơn vị của tôi tiếp tục được điều động quân quản Sài Gòn, rồi tham gia nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Ở chiến trường nào, chúng tôi cũng chiến đấu anh dũng, không quản ngại hy sinh, gian khổ với lý tưởng vì Tổ quốc, vì Nhân dân và tinh thần quốc tế cao cả.
Năm 1980, tôi may mắn sống sót trở về quê hương với nhiều vết thương do đạn bom để lại trên thân thể, nhưng nhiều đồng đội không còn trở về được nữa. Các anh: Nguyễn Văn Khương, Nguyễn Đức Tịnh, Phạm Ngọc Hoàng, Lê Quang Tuấn, Nguyễn Công Tư, Lê Ngọc Ngọ... là những đồng chí, đồng đội, bạn bè, đồng hương thân thiết của tôi đã ngã xuống trên chiến trường miền Nam, Campuchia. Có người đã tìm thấy mộ, có người nằm lại giữa mênh mông đất trời.
Sự hy sinh anh dũng của đồng đội là nỗi ám ảnh khôn nguôi nhưng cũng là động lực để những người may mắn trở về như tôi tiếp tục đóng góp cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.
Bà Võ Thị Mai (thôn Phúc Điền, xã Nam Điền, Thạch Hà): Biến đau thương thành hành động.
Chồng hy sinh khi 3 con còn nhỏ, bà Võ Thị Mai đã gồng gánh nuôi con, vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Chồng tôi là liệt sỹ Trần Xuân Thành, hy sinh năm 1967. Lúc chồng ra đi, tôi đang mang thai con trai út. 56 năm qua, một mình tôi thờ chồng, nuôi 3 con khôn lớn nên người. Là phụ nữ chân yếu tay mềm, chồng hy sinh khi 3 con còn nhỏ, lại sống trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, tôi phải gánh bao vất vả, lo toan.
Dù đau thương, mất mát nhưng tôi luôn tự hào vì sự hy sinh thiêng liêng, cao cả của chồng và các đồng đội. Niềm tự hào ấy tiếp thêm sức mạnh, giúp tôi “biến đau thương thành hành động”; vừa chăm lo cho các con, vừa phát triển kinh tế, vượt qua những thời điểm khó khăn nhất trong cuộc sống.
Năm nay, khi đã 83 tuổi, nhìn lại cuộc đời mình, tôi cảm thấy vui mừng vì những nỗ lực đó đã có thành quả xứng đáng. Các con, các cháu đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định, cống hiến cho xã hội; tuổi già tôi được vui vầy bên con cháu. Dẫu vậy, mong mỏi lớn nhất của tôi và các con lúc này là tìm được mộ chồng, đưa ông ấy về yên nghỉ tại quê hương…
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc): Xây dựng quê hương phát triển, xứng đáng với công lao của các anh hùng, liệt sỹ.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên: “Cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương luôn đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương”.
Kể từ thời điểm sáp nhập (tháng 12/2019) đến nay, người dân và chính quyền xã Khánh Vĩnh Yên đã đoàn kết một lòng để cùng phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Bản thân tôi cùng các đồng chí trong cấp ủy thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, đồng thời chủ động tham gia xây dựng kế hoạch, triển khai cụ thể từng nội dung công việc. Nhờ đó, phong trào xây dựng NTM; hoạt động văn, thể, mỹ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, được đông đảo bà con ủng hộ.
Hiện, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 43 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn dưới 3%, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường và an ninh trật tự… đều được đảm bảo.
Đường bê tông đã phủ gần như kín xã, ngõ xóm khang trang, sạch sẽ, cánh đồng lúa xanh tít tắp... Một bức tranh no ấm, hạnh phúc đang hiện hữu. Đó cũng là cách mà người dân quê tôi tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sỹ, thương bệnh binh đã hy sinh vì hòa bình, độc lập hôm nay.
Chị Nguyễn Thị Cảnh - Phó Bí thư Huyện đoàn Cẩm Xuyên: Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ.
Phát huy vai trò thủ lĩnh đoàn, chị Nguyễn Thị Cảnh luôn khởi xướng các hoạt động phát huy tinh thần xung kích của các đoàn viên, thanh niên.
Tuổi trẻ Cẩm Xuyên luôn xác định trách nhiệm của mình trong bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chính vì vậy, công tác giáo dục ĐVTN luôn được tổ chức một cách toàn diện với những nội dung cốt lõi: giáo dục chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống, truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn còn tổ chức nhiều chương trình về nguồn, tham quan địa chỉ đỏ, dâng hương tưởng niệm, thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sỹ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng.
Các phong trào xây dựng NTM, an sinh xã hội, hiến máu tình nguyện, hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch COVID-19 cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo môi trường để ĐVTN rèn luyện, cống hiến.
Tuổi trẻ Cẩm Xuyên cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, chia sẻ những thông tin chính thống, kịp thời nhận diện, đấu tranh với những thông tin sai trái, xuyên tạc, phản động; phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chị Nguyễn Thị Đường (thôn Trung Bằng, xã Sơn Bằng, Hương Sơn): Biết ơn khi được sống trong hòa bình, no ấm, hạnh phúc.
Trân quý cuộc sống hòa bình, chị Nguyễn Thị Đường luôn nỗ lực lao động sản xuất để nâng cao đời sống gia đình, góp phần xây dựng quê hương.
Tôi sinh ra vào năm 1974, đó là quãng thời gian cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã bước vào giai đoạn cuối. Lớn lên trong hòa bình, được nghe ông bà, cha mẹ kể lại thời kỳ chiến tranh tàn khốc, tôi luôn biết ơn sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh… Họ đã không tiếc máu xương để chúng tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Vượt qua những khó khăn nơi vùng đất “chảo lửa, túi mưa”, người dân quê tôi luôn chịu thương chịu khó, tìm tòi từng giống cây, con phù hợp với thổ nhưỡng, biến đất hoang thành trang trại để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Những nỗ lực đó đã mang đến cho chúng tôi nhiều mùa vàng bội thu.
Bản thân tôi và gia đình luôn chăm chỉ làm ăn, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào, hoạt động xây dựng NTM tại địa phương. Đó là cách mà chúng tôi tri ân những hy sinh, cống hiến to lớn của các thế hệ đi trước cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Anh Phạm Trung Kiên - Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Áng - Sơn Dương: Bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Anh Phạm Trung Kiên quyết tâm bảo vệ vùng trời, vùng biển quê hương để xứng đáng với thế hệ cha anh.
Trân trọng và tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Nhân dân ta, chúng tôi càng ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình là phải ra sức gìn giữ thành quả cách mạng, sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh.
Đây chính là điều thôi thúc tôi lên đường thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Sau 1 năm rèn luyện trong môi trường quân ngũ đã giúp tôi trưởng thành hơn. Bản thân không ngừng tu dưỡng, phấn đấu học tập, rèn luyện, luôn xung kích, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao, chắc tay súng, nâng cao cảnh giác, quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đất, biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, giữ gìn cuộc sống bình yên của Nhân dân.