“Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”

(Baohatinh.vn) - “Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ Giữa trời vách đá cheo leo/ Ai mà chịu rét thì trèo với thông”. Đấy là tuyên ngôn, là triết lý sống dấn thân của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ...

“Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”

Tượng thờ Dinh điền sư Nguyễn Công Trứ tại Khu di tích Nguyễn Công Trứ tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân. (Ảnh: Khôi Nguyễn).

Đã, đang và sẽ còn có nhiều điều nói về Nguyễn Công Trứ: Một nhà nho đầy mộng công danh, một anh hùng thời loạn bất chấp chìm nổi phong trần, một doanh điền lỗi lạc toàn tâm, toàn chí vì dân, một tài tử hùng tâm tráng khí, một tiên phong của thơ ca quốc âm hiện đại... đâu cũng hiển hiện cái bản sắc văn hóa cá nhân Nguyễn Công Trứ của một thời và mọi thời.

1. Nguyễn Công Trứ con ông Nguyễn Công Tấn làm Tri phủ đời Lê, thất thế về quê làm nghề dạy học kiếm sống rồi mất trong nghèo đói, để lại 3 gian nhà dột và 6 người con. Bấy giờ Nguyễn Công Trứ 20 tuổi. Một gia cảnh buồn tênh: “Đầu giường tre, mối dũi quanh co/ Góc tường đất giun bò lố nhố/ Bóng nắng dọi trứng gà bên vách, thằng bé tri trô/ Hạt mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó/ Trong cũi lợn nằm gặm máng, đói chẳng muốn kêu/ Đầu giàn chuột cậy khua niêu, buồn thôi lại bỏ...”. Và ông chủ hàn nho Nguyễn Công Trứ thì một manh áo vải, lạnh làm mền, nực làm gối với cái nghèo đói, nợ nần đeo đẳng.

Trong tình cảnh như thế, người ta dễ dàng buông xuôi, an phận. Nguyễn Công Trứ không chỉ “an bần, lạc đạo” mà ông nung nấu một niềm tin mãnh liệt rằng, mình có tài “tú khí giang sơn hun đúc lại”. Muốn ra khỏi bế tắc nghèo khổ, túng bấn chỉ có mỗi cách là dấn thân thực hiện mộng công danh: Trước là sỹ sau là khanh tướng. Ông đã “Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong/ Chí những toan sẻ núi lấp sông/ Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ”. Thế nhưng, chỉ gặp lận đận. Mãi đến năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18 (1819), khi đã 42 tuổi, ông mới đỗ Giải nguyên và được bổ nhiệm chức Hành tẩu ở Quốc Tử Giám.

Dù thời cuộc ra sao, hoàn cảnh gia đình thế nào, ông vẫn lạc quan yêu cuộc sống: “Trời đâu riêng khó cho ta mãi?/ Vinh nhục dù ai cũng một lần/ Tin xuân đã có cành mai đó...”, vẫn khảng khái dấn thân không bao giờ lựa chọn sự dung thân, an phận, ẩn dật: Ông tuyên bố: “Nợ tang bồng quyết trả cho xong/ Đã xông pha bút trận thì phải gắng gỏi kiếm cung/ Làm cho tỏ tu mi nam tử/ Trong vũ trụ đã đành phận sự/ Phải có danh gì với núi sông/ Đi không chẳng lẽ về không”.

“Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”

Đền thờ Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân. (Ảnh: Khôi Nguyễn).

2. Nguyễn Công Trứ làm quan suốt gần 30 năm, trải qua các đời vua: Minh Mệnh (trị vì từ năm 1820-1841), Thiệu Trị (trị vì từ 1841-1847), Tự Đức (trị vì từ 1847-1883), “Hết hai chữ trung trinh báo quốc/ Một lòng vì nước vì dân” mà đường hoạn lộ lại thác ghềnh, sóng gió. Một nhà nho tài năng lừng lẫy, một viên quan trấn nhậm ở những vùng miền gai góc, khó khăn, một võ tướng đánh Nam, dẹp Bắc bao giờ cũng đem thắng lợi về cho triều đình, một Dinh điền sứ tổ chức khai hoang lấn biển với diện tích 38.095 mẫu, số đinh lên tới 4.000 người, một nhà thơ xuất sắc của thế kỷ... Vậy mà 7 lần bị truất giáng, năm 1841 còn bị kết án trảm giam hậu, năm 1843 bị cách tuột làm lính thú...

Nguyễn Công Trứ, danh cao thì Thượng thư, Tổng đốc, Tuần phủ, thấp thì Lang trung, lính thú... Phải có một bản lĩnh ngang tàng khinh thị, một tình yêu cuộc sống nồng nàn, một lý tưởng dấn thân cháy bỏng mới chịu nổi những cú va đập khắc nghiệt và bất công ấy. Không chỉ kiên cường và nhẫn nại chịu đựng, trong Nguyễn Công Trứ, cái khát vọng “kinh bang tế thế”, cái lý tưởng “làm nên đấng anh hùng”, luôn cháy bỏng, mãnh liệt. Xem ra, trong cõi nhân gian nhốn nháo những phi lý, bất công, lọc lừa, ở những chặng “xuống chó” trên đường hoạn lộ, thậm chí ở những tình huống “trảm giam hậu” vì kháng chỉ, Nguyễn Công Trứ vẫn giữ lòng rất chính, khảng khái dấn thân, không thất vọng, nản chí, không oán đời, không cay cú, hằn học đi chọn sự dung thân hèn yếu.

“Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ Giữa trời vách đá cheo leo/ Ai mà chịu rét thì trèo với thông”. Đấy là tuyên ngôn, là triết lý sống dấn thân của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ.

“Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”

Ca trù sẽ mãi mãi được lưu giữ, bảo tồn, được phát huy trong đời sống...

3. Với Nguyễn Công Trứ, thi ca là nơi hiển thị rõ nhất, sâu xa nhất sự lạc quan, tự tin, tự do, khảng khái, kiêu hãnh, phong tình: “Nhân sinh ba vạn sáu nghìn thôi/ Vạn sáu tiêu nhăng hết cả rồi/ Nhắn con tạo hóa xoay thời lại/ Để khách tang bồng rộng đất chơi”. Ông tự nhận: “Xưa nay mấy kẻ đa tình/ Lão Trần là một với mình là hai/ Càng già càng dẻo càng dai”. Mà để thực hiện được khao khát của mình, không có con đường nào khác ngoài dấn thân xuất thế, nhập thế. “Vào vòng cương tỏa chân không vướng/ Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen”.

Nói cách khác, cuộc dấn thân của Nguyễn Công Trứ trong thi ca giữa cuối thế kỷ XVIII, lần đầu tiên trong lịch sử thi ca Việt Nam khẳng định nhu cầu hưởng thụ của con người, nâng nó lên thành một triết lý sống thì nhiều nhà thơ Hà Tĩnh thế kỷ XVIII như: Nguyễn Huy Oánh, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Du chưa làm được. Mà theo tôi, trong không gian đạo đức bấy giờ, giữa những giới hạn cay nghiệt của vận động lịch sử, để làm được cái điều độc đáo ấy, Nguyễn Công Trứ đã trung thành với triết lý dấn thân có từ thuở hàn vi.

4. 80 năm sống trên đời, 40 năm là kẻ hàn nho, hơn 30 năm là quan to, quan nhỏ, đóng góp to lớn cho dân, cho nước ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, thi ca, đến lúc về già không cửa, không nhà “Bảy chục về hưu còn ở trọ”.

Cuộc đời Nguyễn Công Trứ là một bài học sâu xa về triết lý dấn thân. Dấn thân vì lý tưởng, vì sự nghiệp, vì sự sống, vì quần chúng nhân dân và cả vì tính ham chơi của mình: “Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy/ Nếu không chơi thiệt ấy ai bù”.

(*) Các câu thơ Nguyễn Công Trứ trích trong bài này rút từ sách “Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử” - NXB Nghệ An và Trung tâm Văn hóa, ngôn ngữ Đông Tây - 2008.

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Đọc thêm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.
Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những làn điệu ví, giặm ngọt ngào đang ngày ngày được lan tỏa nhờ các tài năng nhí ở Hà Tĩnh. Giọng hát của các em góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.
Tuổi cao nêu gương sáng

Tuổi cao nêu gương sáng

Không chỉ có lối sống mẫu mực, giáo dục con cháu sống hiếu thuận, nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh còn đi đầu, bước trước, thể hiện vai trò nêu gương sáng trong cộng đồng.
Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Hà Tĩnh là vùng đất cổ, có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, chính trị... nhưng đến nay vẫn chưa có công trình địa chí tổng quan về văn hóa, con người núi Hồng, sông La.