Văn hóa Hà Tĩnh nhìn từ các mẫu người

(Baohatinh.vn) - Sinh thời, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vũ Ngọc Khánh đã tổng kết người Xứ Nghệ có 4 phẩm chất: lý tưởng trong tâm hồn, trung kiên trong bản chất, khắc khổ trong sinh hoạt, cứng cỏi trong giao tiếp và 3 mẫu người: một kẻ bình dân khố chạc, một người chữ nghĩa văn chương, một chiến sĩ tiên phong cách mạng...

Từ những chủ nhân lịch sử buổi đầu lập làng, dựng nước

Những truyền thuyết về Kinh Dương Vương đóng đô ở Ngàn Hống và đất nước Việt Thường Thị cổ đại, Hùng Vương tuần du phương Nam dừng chân ở Thiên Cầm, Chử Đồng Tử được sư Phật Quang truyền đạo tại Quỳnh Viên, Cửa Sót cùng với những địa danh như núi Nam Giới, lũy Lâm Ấp và các di chỉ khảo cổ như Cồn Sò Thạch Lạc với bộ xương người có niên đại hơn 4.700 năm, Bãi Cọi - Phôi Phối với các hiện vật minh chứng sự giao thoa của văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn... đã khẳng định sự tồn tại của bách tính từ rất sớm ở vùng ven núi Hồng Lĩnh và cửa sông Hà Hoàng - Nam Giới, muộn nhất cũng là sau kỷ biển lùi.

Văn hóa Hà Tĩnh nhìn từ các mẫu người

Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi (Xuân Viên). Ảnh Đậu Hà

Điều đáng tiếc là từ “Cụ Tổ” Thạch Lạc hơn bốn ngàn năm trước đến các thế hệ sau này, chúng ta không có bất cứ sử liệu nào để chắp nối phả hệ - liệu chúng ta có phải là “hậu duệ” hay biết đâu, cụ là cư dân của Việt Thường Thị huyền thoại một thời, hoặc sau nữa, người Lâm Ấp - Chăm Pa lùi dần từ Nam Giới vào phía Nam Đèo Ngang? Vì cửa sông Hộ Độ thời trước ở về phía Nam núi Nam Giới, còn gọi là cửa Dương Luật, sau này chuyển dòng về phía Bắc núi như ngày nay. Một số nhà địa chí cho rằng, có thể do một kiến tạo nào đó làm dòng chính của sông Cả chuyển về phía Bắc, nên gọi là Cửa Hội; dòng phía Nam nước vơi dần, nghẽn dòng, sau gọi từ nghẽn thành Nghèn, sông Nghèn (Ngạn Giang) và cửa sông thành Cửa Sót...

Núi Hồng ai đắp mà cao

Cái sông Hộ Độ ai đào mà sâu?

Còn bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu giả thuyết trên mảnh đất này đang cần lời đáp. Nhiều làng xã đã hình thành nên mới có sự kiện người đàn bà làng Mai Phụ có con ngoài giá thú “ngược lường” lên vùng Nam Đàn sinh ra Mai Thúc Loan đầu thế kỷ thứ VIII; vùng cửa sông đã sầm uất nên hình thành những danh xưng như Đường Lâm gắn với giả thiết một trong những nơi phát tích của họ Ngô; hoặc châu Thạch Hà, danh xưng sớm nhất trong các quận huyện vùng phía Nam sông Lam...

Rồi những làng xã được lập nên trong thời Lý với công lao của Hoàng tử Lý Nhật Quang, nay được thờ làm thành hoàng ở nhiều nơi, chỗ nào cũng linh thiêng, nhất là tại đền Quả, nằm trong “Tứ linh” xứ Nghệ: nhất Cờn, nhì Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng; bách tính khá đông đúc trong thời Trần nên Trần Nhân Tông mới có thể tự tin Hoan Diễn do tồn thập vạn binh...

Văn hóa Hà Tĩnh nhìn từ các mẫu người

Núi Hồng sông Lam - biểu tượng văn hóa xứ Nghệ. Ảnh Đậu Hà

Những kẻ bình dân khố chạc mộc mạc thô ráp, cần cù, lam lũ từ khắp nơi với nhiều lý do khác nhau tụ cư vùng đất này tiếp nối nhau sinh con đẻ cái, từ cá nhân thành gia đình, họ tộc, làng xã, tạo dựng, bồi đắp nên các thế hệ người Hà Tĩnh - Nghệ Tĩnh với những đặc trưng tiêu biểu như kiến giải của học giả Đặng Thai Mai: Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến... cá gỗ.

Cũng là mang những đặc trưng tiêu biểu của con dân Việt, nhưng ở xứ này, do núi cao, sông sâu, đất xấu, hết hạn hán lại đến bão lụt, rồi chiến tranh, dịch dã liên miên... nên con người phải khắc khổ hơn, sắc nhọn hơn, nói cách khác là phải thái quá, gan lì, quá đà một tí so với những vùng miền khác thì mới có thể sinh tồn, phát triển được. Phải chăng vì thế nên thói quen ăn uống thì “chặt to kho mặn”, sinh hoạt thì “ăn to nói lớn”, “ăn sóng nói gió”; thái độ thì thẳng tưng, dứt khoát “đã thương thì thương cho chắc, đã trục trặc thì trục trặc cho luôn”... Cho nên, bên cạnh những mặt tích cực, người Hà Tĩnh vẫn dễ mang theo những tật cố hữu như nóng tính, ương bướng (gàn), bảo thủ, chịu khổ nhưng không chịu khó...

Đến những danh nhân làm rạng danh quê hương, đất nước

Trong mỗi kẻ “bình dân khố chạc” ta vẫn có thể thấy ít hay nhiều bóng dáng của người “chữ nghĩa văn chương” hoặc của “chiến sĩ tiên phong cách mạng”. Đất nghèo, muốn thoát nghèo thì hoặc phải cần cù, siêng năng, hoặc phải chăm học, học giỏi để đỗ đạt, làm quan, có trước tác thành danh với đời. Chất lãng mạn, trữ tình như một mạch ngầm xuyên suốt các thế hệ người Hà Tĩnh, tạo nên một thói quen, một môi trường trọng chữ, trọng tài, trọng tình.

Đó là những sáng tác folklore (văn hóa dân gian) của người bình dân mà đỉnh cao là dân ca ví, giặm, các lễ hội dân gian... Nhưng điều đặc biệt nhất là hầu như trong các giai đoạn lịch sử, người Hà Tĩnh luôn lĩnh xướng, tiên phong trong các trào lưu sáng tác, các trường phái văn chương của dân tộc, nhất là từ thế kỷ XVIII trở đi. Đó là những đỉnh cao của truyện thơ Nôm như Nguyễn Du (Truyện Kiều), Nguyễn Huy Tự (Truyện Hoa Tiên), Nguyễn Huy Hổ (Mai đình mộng ký)...; của thể loại hát nói như Nguyễn Công Trứ; tiểu thuyết lãng mạn đầu thế kỷ XX với người mở đường Hoàng Ngọc Phách (Tố Tâm);

Văn hóa Hà Tĩnh nhìn từ các mẫu người

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du.

Thơ mới như Huy Cận, Xuân Diệu; hội họa như Nguyễn Phan Chánh (tranh lụa); nghiên cứu, khảo cứu văn học như Nguyễn Đổng Chi, Hồ Tôn Trinh, Hoàng Ngọc Hiến... Truyền thống hiếu học, thực học đã tạo nên những nhà khoa học, những chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, tiêu biểu như Thánh sư địa lý Tả Ao, Đại danh y Lê Hữu Trác, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, nhà chế tạo quân khí Cao Thắng, học giả Hoàng Xuân Hãn, các nhà khoa học Lê Văn Thiêm, Phan Đình Diệu, Nguyễn Đình Tứ, nhà dân tộc học Từ Chi, “Tam trụ” Sử học Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn...

Còn truyền thống yêu nước lại được phát lộ, thăng hoa qua rất nhiều tấm gương hào kiệt, từ Mai Thúc Loan xưng đế chống thiên triều đến cha con Đặng Tất, Đặng Dung, Nghĩa đại vương Nguyễn Biểu, Cương quốc công Nguyễn Xí, Hoàng hậu Bạch Ngọc, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Chí sĩ Phan Đình Phùng, cụ Nghè Ngô Đức Kế, các Tổng Bí thư: Trần Phú, Hà Huy Tập, Anh hùng Lý Tự Trọng, Phan Đình Giót, 10 liệt nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc...

Một đặc điểm dễ nhận thấy là lớp người “tinh hoa” chủ yếu lại thành danh khi xa quê, ly hương. Chỉ có hai người lập nghiệp và thành danh tại đất quê là Lê Hữu Trác và Nguyễn Thiếp, nhưng cả hai ông đều đã từ quan làm ẩn sĩ, một người làm thuốc trở thành đại danh y, nay đã được UNESCO vinh danh, một người trở thành mưu sĩ giúp nhà Quang Trung chỉ trong hơn 10 ngày đã đánh tan gần 30 vạn (có tài liệu viết 20 vạn) quân xâm lược...

Văn hóa Hà Tĩnh nhìn từ các mẫu người

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - đại danh y vừa được UNESCO vinh danh.

Đó là hai trường hợp hy hữu. Phải chăng vì người Hà Tĩnh ít cầu thị, không chịu thừa nhận nhau, lại “ham thanh chuộng lạ”, bụt chùa nhà không thiêng? Thậm chí đồng hương, đồng môn, có trường hợp là nhất gia, đồng tộc nhưng lại đối lập nhau, mâu thuẫn về quan điểm... Cũng vì “tiên phong cách mạng” nên người Hà Tĩnh dễ thái quá, cực đoan như tư tưởng thành phần chủ nghĩa trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (trí, phú, địa, hào...)... Rồi thói chuộng hình thức, hư danh, làm theo kiểu “phong trào”, nhiều thầy ít thợ, ý thức tiểu nông cục bộ, cát cứ. Trong 1 người, có thể nhận thấy bóng dáng văn hóa của cả 3 mẫu người, và ngược lại; có cả yếu tố tích cực, quá lên tí sẽ dễ thành cực đoan mà nếu không kịp phát hiện, phòng ngừa sẽ trở thành những hệ lụy, cản trở lớn...

Với vị trí địa lý, các yếu tố địa - văn hóa và truyền thống lịch sử đậm nét, đất và người Hà Tĩnh hầu như thời kỳ nào cũng được lịch sử “gọi tên”. Biết nhận diện đúng sở trường, sở đoản, biết đánh giá, nắm bắt đúng thời cơ và cả thách thức, biết gạn lọc, kế thừa và phát huy với tinh thần thực sự khiêm tốn, cầu thị, lớp người Hà Tĩnh hiện nay sẽ tiếp tục nhận được những trao truyền tốt đẹp từ các thế hệ đi trước, tạo dựng, bồi đắp thêm những giá trị văn hóa mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh...

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Chủ đề MỪNG XUÂN GIÁP THÌN

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.