Làm tóc giả, mi giả... giúp phụ nữ Hương Sơn cải thiện thu nhập

(Baohatinh.vn) - Nhằm giúp chị em phụ nữ nông thôn có thêm việc làm, tăng thu nhập lúc nông nhàn, các cấp hội phụ nữ huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã thành lập một số tổ hợp tác nghề phi nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.

Sau 5 năm làm tóc giả, chị Trần Thị Nhiên đã có thêm thu nhập tốt bên cạnh nghề làm nông.

Từ chỗ chỉ quanh quẩn với nghề nông và nội trợ, chị Trần Thị Nhiên (thôn Vọng Sơn, xã Sơn Phú) đã trở thành thợ làm tóc giả chuyên nghiệp tại Tổ hợp tác làm tóc giả xã Kim Hoa do chị Đoàn Thị Hằng (thôn Trung Hoa, xã Kim Hoa) làm tổ trưởng, với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Công việc làm tóc giả đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, nhưng nhẹ nhàng nên phù hợp với chị em phụ nữ.

“Công việc này tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ. Sau 5 năm theo nghề, mỗi tháng, tôi có thể làm được 8 - 10 sản phẩm. Với mỗi sản phẩm hoàn thiện được trả 700 nghìn đồng, mức thu nhập trung bình của tôi là 6 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, trong những năm qua, thu nhập của tôi đã được cải thiện, có thêm tiền để trang trải cuộc sống gia đình”, chị Nhiên cho biết.

Tổ hợp tác làm tóc giả của chị Đoàn Thị Hằng có gần 200 thành viên, góp phần giải quyết việc làm thêm cho nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn.

Thành lập từ năm 2012, Tổ hợp tác làm tóc giả xã Kim Hoa đang tạo việc làm thêm cho gần 200 hội viên trong và ngoài xã. Trong suốt quá trình sản xuất, từ nguyên liệu cho đến việc bao tiêu sản phẩm đều do chị Đoàn Thị Hằng liên kết với Công ty Phúc Thiên (TP Hồ Chí Minh). Đầu vào, đầu ra ổn định nên chị em phụ nữ đều yên tâm làm việc, tổ hợp tác ngày càng mở rộng thành viên.

Từ nguyên liệu cho đến đầu ra sản phẩm đều được đảm bảo nên chị em phụ nữ làm tóc giả tại tổ hợp tác của chị Đoàn Thị Hằng đều yên tâm làm việc.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hầu hết các thành viên trong tổ hợp tác đều nhận sản phẩm về nhà để tranh thủ làm lúc rảnh rỗi, chỉ có số ít chị em ở thôn Trung Hoa thì tập trung tại nhà chị Hằng vừa làm việc, vừa dạy nghề cho những thành viên mới.

Bà Đoàn Thị Hồng Thuần - Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Hoa cho hay: “Bên cạnh tổ hợp tác của chị Hằng, tháng 12/2021, xã cũng đã thành lập thêm tổ hợp tác làm tóc giả do chị Đậu Thị Thanh Mai (thôn Trung Hoa) làm tổ trưởng, thu hút hơn 40 thành viên tham gia, góp phần đem đến công việc ổn định cho nhiều phụ nữ khác trên địa bàn trong và ngoài xã”.

Nghề làm mi giả giúp chị em phụ nữ xã Sơn Châu có thể tranh thủ làm tại nhà những lúc rảnh rỗi.

Ngoài làm tóc giả thì nghề làm mi giả tại xã Sơn Châu cũng đã thu hút nhiều hội viên phụ nữ tham gia. Dù mới thành lập (đầu tháng 3/2022), nhưng tổ hợp tác đã thu hút được 20 thành viên. Chỉ sau 3 ngày được đào tạo nghề, các hội viên đã bước đầu có những sản phẩm đạt chất lượng. Tính theo sản phẩm, mỗi tháng, chị em có thể có thu nhập từ 2,5 - 3,5 triệu đồng.

Dù đã gần 60 tuổi nhưng bà Trần Thị Hải Lan (áo đen) vẫn tận dụng thời gian để làm mi giả, kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Bà Trần Thị Hải Lan - Tổ trưởng Tổ hợp tác làm mi giả xã Sơn Châu chia sẻ: “Tham gia làm mi giả, chị em chúng tôi được đào tạo nghề miễn phí và được lo đầu ra sản phẩm. Công việc tuy cần sự tỉ mỉ, khéo léo nhưng bù lại không có áp lực lại tranh thủ được lúc nông nhàn mà vẫn có thời gian chăm sóc gia đình nên chị em đã nhanh chóng hưởng ứng".

Các thành viên của Tổ hợp tác làm mi giả ở xã Sơn Châu sau khi được đào tạo nghề đã được Tổ hợp tác làm mi giả xã An Hòa Thịnh nhận làm thợ và thu mua sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hương Giang - Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Châu cho biết: “Nhận thấy nghề làm mi giả phù hợp với phụ nữ nông thôn, giúp họ có thêm việc làm, tăng thu nhập trong những ngày nhàn rỗi, Hội LHPN xã Sơn Châu đã phối hợp với Hội LHPN huyện Hương Sơn mở lớp đào tạo nghề làm mi giả cho 20 hội viên. Chị em sau khi được đào tạo đã bắt tay vào sản xuất mi giả, sản phẩm các tổ viên làm ra được Tổ hợp tác làm mi giả xã An Hòa Thịnh thu mua, cho thu nhập khá”.

Mỗi ngày, chị em phụ nữ có thể đan được khoảng 4 - 5 chiếc giỏ nhựa, cho thu nhập khoảng 100 nghìn đồng/ngày.

Ngoài các tổ hợp tác trên, Tổ hợp tác đan thủ công của Hội LHPN xã Sơn Hàm ra đời cũng đã góp phần giải quyết việc làm thêm cho phụ nữ nông thôn. Tổ hợp tác này thành lập từ tháng 1/2022, gồm 12 thành viên, do chị Nguyễn Thị Tâm - Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Hàm Giang (xã Sơn Hàm) làm tổ trưởng.

Chị Tâm chia sẻ: Được cầm tay chỉ việc nên chúng tôi nhanh chóng thạo nghề, có thể tranh thủ thời gian nhàn rỗi để làm việc tại nhà. Nguyên liệu thì đã có nhà sản xuất cung cấp, chị em chỉ việc đan theo mẫu. Hiện tại, mỗi ngày, tôi đan được khoảng 4 - 5 chiếc giỏ nhựa, cho thu nhập khoảng 100 nghìn đồng.

Bên cạnh việc làm Chi hội trưởng hội phụ nữ thôn Hàm Giang, chị Tâm còn sản xuất nông nghiệp và nhận thêm việc đan giỏ thủ công để tăng thêm thu nhập.

Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Hàm Trần Thị Nhị cho hay: “Sản phẩm do phụ nữ làm ra được Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Huy Phong (Cẩm Xuyên) bao tiêu, tạo sự yên tâm cho các hội viên. Nhờ công việc này, nhiều chị em từ chỗ trước đây chỉ sống bằng nghề nông, năng suất lao động thấp, nay đã có cuộc sống ổn định, thu nhập tốt hơn. Các chị em đang tiếp tục dạy nghề cho những thành viên khác để dần mở rộng quy mô sản xuất".

Các hội viên của tổ hợp tác đan thủ công xã Sơn Hàm dần có thu nhập ổn định và tiếp tục dạy nghề cho những thành viên khác để mở rộng quy mô sản xuất.

Bà Võ Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hương Sơn thông tin: Đến nay, Hội LHPN huyện đã thành lập được 7 tổ hợp tác nghề phi nông nghiệp với sự tham gia của 270 thành viên nữ. Các nghề làm mi giả, tóc giả hay đan thủ công đều phù hợp với phụ nữ nông thôn, chị em tiếp cận tốt, học nhanh, làm giỏi. Đây là hướng đi phù hợp cho mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, là đòn bẩy cho phụ nữ nông thôn phát triển kinh tế.

“Thời gian tới, hội tiếp tục khảo sát, phối hợp, khâu nối với các đơn vị đào tạo nghề để tổ chức thêm các lớp dạy nghề, tạo thêm công ăn việc làm cho các chị em. Đồng thời, sẽ nghiên cứu để mở lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho những chị em khuyết tật, giúp họ vươn lên trong cuộc sống” - bà Hương cho biết thêm.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói