Công nhân đóng gói sản phẩm cá ngần tại tổ hợp tác Hoa Linh Chi.
Hơn 30 năm kinh doanh hàng thủy hải sản ở địa phương, đại lý của chị Phạm Thị Hoa là điểm nhập hàng sau đánh bắt của ngư dân vùng bãi ngang ven biển Nghi Xuân.
Để phục vụ cho việc làm hải sản khô, chị Hoa chỉ mua những sản phẩm bảo đảm chất lượng nên các sản phẩm như: mực khô, cá khô, tôm khô của cơ sở được thị trường khá ưa chuộng.
Đặc biệt, với ưu thế là “làng Hàn Quốc”, nhiều người dân trong xã đi xuất khẩu lao động nên các sản phẩm của chị Hoa là “hàng xách tay” của người lao động sang làm quà ở các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Khu vực sản xuất hải sản rộng gần 200 m2 của tổ hợp tác khá sạch sẽ.
Dù vậy, những mặt hàng của chị còn thiếu một số tiêu chí để có thể vươn ra cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trong và ngoài nước. Đó cũng là lý do để chị Hoa thành lập tổ hợp tác nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.
Nghĩ là làm, tháng 5/2020, chị Hoa đầu tư gần 300 triệu đồng mua sắm các loại máy móc như: lò hấp, máy hút chân không, máy dập nắp, thuê nhân công và các điều kiện khác để thành lập tổ hợp tác kinh doanh và chế biến hải sản Hoa Linh Chi với 2 dòng sản phẩm chính là tôm nõn và cá ngần (cá cơm loại nhỏ) sấy khô.
Tôm được sấy khô bằng hệ thống máy móc hiện đại.
Quy trình sản xuất tôm nõn dù không quá phức tạp nhưng lại khá nhiều công đoạn và đòi hỏi sự cẩn thận. Để sản phẩm thơm, ngon, chất lượng, theo chị Hoa, yếu tố tiên quyết là tôm phải thật tươi.
Tôm sau khi làm sạch được luộc chín trong khoảng thời gian 5-7 phút. Đây là công đoạn rất quan trọng bởi luộc kỹ quá tôm sẽ bị nát, luộc chưa chín tới lại rất khó bóc vỏ. Tôm sau khi bóc vỏ được sấy trong khoảng thời gian 3 tiếng và đóng gói thành phẩm với trọng lượng khác nhau.
Tôm nõn được đóng gói trong những hộp nhựa có trọng lượng khác nhau để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Tượng tự như tôm nõn, nguyên liệu để cho ra sản phẩm cá ngần khô phải là loại cá thật tươi. Cá sau khi lựa chọn được rửa sạch, rải đều trên khay nhựa rồi phơi nắng 10 - 24 tiếng hoặc phơi trong nhà màng trong khoảng 5-6 tiếng. Sau đó, cá được cho vào lò sấy khoảng 10 phút và đóng gói, hút chân không.
Được biết, trong quá trình chế biến các sản phẩm này, cơ sở sản xuất không bỏ chất phụ gia để đảm bảo hương vị tự nhiên. Do vậy, thời gian sử dụng cũng không quá dài mà chỉ trong vòng 6 tháng.
Dán tem OCOP cho sản phẩm tôm nõn.
Hằng năm, tổ hợp tác kinh doanh và chế biến hải sản Hoa Linh Chi sản xuất 1,5 tấn tôm nõn khô trị giá khoảng 450 – 500 triệu đồng và 700 – 800 kg cá ngần khô trị giá 300 - 350 triệu đồng.
Tôm nõn khô, cá ngần của tổ hợp tác “ghi điểm” bởi màu sắc bắt mắt, hương vị thơm ngon, ngọt, đặc biệt không có chất bảo quản nên sản phẩm sản xuất được bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.
Tích cực sản xuất, hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng sản phẩm OCOP, sau 5 tháng (ngày 14/10/2020), sản phẩm tôm nõn khô của tổ hợp tác được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; tiếp đó 2 tháng sau, sản phẩm cá ngần khô cũng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Bà chủ của cơ sở Hoa Linh Chi tự hào khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Nói về những dự định sắp tới, chị Phạm Thị Hoa cho biết: “Dự kiến năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục cho ra dòng sản phẩm thứ 3 tham dự sản phẩm OCOP là mực khô để khách hàng có thêm lựa chọn”.
Theo Chủ tịch UBND xã Cương Gián Hoàng Văn Hà: “Sản lượng đánh bắt hải sản hằng năm ở Cương Gián đạt từ 350 – 400 tấn, trong đó chủ yếu là tôm biển và cá ngần nên rất thuận lợi cho tổ hợp tác Hoa Linh Chi hoạt động.
Từ khi được công nhận OCOP cho 2 dòng sản phẩm tôm nõn và cá ngần, thị trường của tổ hợp tác đã được mở rộng hơn. Đây cũng là các sản phẩm OCOP đầu tiên của xã Cương Gián. Cơ sở này còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 4 – 5 triệu đồng/người/tháng".