Là cơ sở được chọn để xây dựng sản phẩm OCOP năm 2021, chị Nguyễn Thị Sáng (tổ dân phố Song Yên, thị trấn Thiên Cầm) vừa đầu tư thay mới hệ thống thùng phuy nhựa muối nước mắm lâu năm bằng hệ thống chum vại sành.
Chị Nguyễn Thị Sáng vừa đầu tư 120 chum sành thay thế thùng phuy nhựa để sản xuất nước mắm theo chương trình OCOP.
Chị Nguyễn Thị Sáng cho biết: “Ngoài thay thế 50 thùy phuy nhựa bằng 120 chum vại sành mới, gia đình tôi cũng đầu tư nâng cấp hệ thống mặt bằng và làm lại kho xưởng để mở rộng quy mô sản xuất nước mắm. Cơ sở cũng đang ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm nước mắm Phú Sáng. Tổng mức đầu tư đợt này ước khoảng gần 1 tỷ đồng”.
Cơ sở nước mắm Phú Sáng đầu tư xây dựng mới hệ thống nhà xưởng.
Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu OCOP 3 sao cho sản phẩm nước mắm Phú Sáng, gia đình chị Sáng cũng đầu tư nhà xưởng, kho bãi, máy móc để sản xuất sản phẩm ruốc keo Phú Sáng. “Cơ sở của gia đình tôi cũng chuyên sản xuất ruốc và nhập nguyên liệu cho các cơ sở ở Lộc Hà (Hà Tĩnh), Thừa Thiên Huế, Vũng Tàu sản xuất ruốc keo.
Mặt hàng ruốc keo hiện đang rất được thị trường xuất khẩu ưa chuộng nên tôi mạnh dạn đầu tư sân bãi, hệ thống máy móc để sản xuất. Đây cũng là sản phẩm được huyện lựa chọn xây dựng OCOP trong năm 2021” - chị Nguyễn Thị Sáng cho biết thêm.
Cơ sở sản xuất cà muối mắm Tuệ Loan vừa đầu tư thêm chum sành và hệ thống giàn giá để chum.
Cũng đang tất bật mở rộng cơ sở, tăng quy mô sản xuất để xây dựng sản phẩm OCOP, gia đình bà Trần Thị Loan (thôn Xuân Nam, xã Cẩm Nhượng) vừa nhập về 50 chum sành và thuê thợ hàn giá để chum. Trước đó, từ cuối năm ngoái, vợ chồng bà Loan đã thực hiện liên kết với các hộ trồng cà pháo xanh ở các xã: Cẩm Lĩnh, Cẩm Trung để đảm bảo vùng nguyên liệu sản xuất cà muối mắm.
Sản phẩm cà muối mắm Tuệ Loan đang hoàn thiện hồ sơ để được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Bà Trần Thị Loan cho biết: “Từ cuối năm ngoái, được địa phương hỗ trợ, chúng tôi đã xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu cà muối mắm Tuệ Loan. Có nhãn mác, sản phẩm ra thị trường được ưa chuộng hơn. Như năm ngoái, gia đình thu mua nguyên liệu cà pháo xanh khoảng 4 tấn và sản xuất bán hết sạch. Năm nay, có vùng nguyên liệu liên kết, chúng tôi dự kiến muối từ 6-7 tấn. Cùng với việc mở rộng quy mô, chúng tôi cũng đầu tư thay thế một số chum vại để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Ngoài các sản phẩm: nước mắm Phú Sáng (thị trấn Thiên Cầm), cà muối mắm Tuệ Loan (Cẩm Nhượng), thời điểm này, các cơ sở có sản phẩm truyền thống chủ lực được lựa chọn xây dựng OCOP cũng đang tiến hành đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu để đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Sản phẩm cá mối một nắng Kim Anh (thị trấn Thiên Cầm) tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP
Ông Lê Văn Danh – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Năm nay, huyện đặt mục tiêu xây dựng 10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Trong đó, 5 tháng đầu năm, ít nhất có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Đây cũng là một trong những mục tiêu để huyện về đích nông thôn mới vào cuối tháng 5/2021”.
Theo đó, 5 sản phẩm OCOP 3 sao được huyện lựa chọn xây dựng đợt này bao gồm các sản phẩm truyền thống như: mực một nắng Cửa Nhượng, cà muối mắm Tuệ Loan, nước mắm Lương Cẩn (Cẩm Nhượng); nước mắm Phú Sáng, cá mối một nắng Kim Anh (thị trấn Thiên Cầm).
Cán bộ Văn phòng Nông thôn mới huyện Cẩm Xuyên hướng dẫn người dân triển khai phương án sản xuất kinh doanh theo chương trình OCOP.
Để hỗ trợ các cơ sở xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao, Văn phòng Nông thôn mới huyện Cẩm Xuyên cũng đang tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở triển khai xây dựng sản phẩm OCOP theo cơ chế chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 123/2018/HĐ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị tỉnh Hà Tĩnh.