Lắng nghe ý kiến cử tri để ban hành cơ chế, chính sách sát thực tiễn

(Baohatinh.vn) - Những nội dung cử tri đặc biệt quan tâm về chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng... đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn trả lời thỏa đáng tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Mô hình trồng dưa trong nhà màng tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, điều khiển bằng smartphone.

Thực hiện Văn bản số 226/HĐND ngày 30/6/2021 của Thường trực HĐND tỉnh về việc trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri gửi tới đại biểu HĐND tỉnh thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo trả lời theo các nhóm vấn đề cử tri quan tâm.

Có cơ chế, chính sách đầu tư vào nông nghiệp

Nông nghiệp - nông thôn là lĩnh vực cử tri đặc biệt quan tâm với 3 câu hỏi được chia thành 6 nhóm vấn đề.

Trả lời nhóm câu hỏi này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn thông tin, về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và hiện nay đang thực hiện theo Nghị quyết số 255/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 của HĐND tỉnh và Quyết định số 20/2021/QĐ-UBND ngày 10/5/2021 của UBND tỉnh.

Các sản phẩm từ nhung hươu của Doanh nghiệp Thuận Hà đã có mặt trên thị trường cả nước, doanh thu tăng gấp 4 lần so với trước khi tham gia chương trình OCOP.

Năm 2021, tổng nguồn lực thực hiện các cơ chế, chính sách dự kiến đạt khoảng 310 tỷ đồng; trong đó, ưu tiên hỗ trợ khâu thực sự cần thiết cho sản xuất hàng hóa, tích hợp cả các chính sách thực hiện đề án tích tụ, tập trung ruộng đất, đề án phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn và đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025.

UBND tỉnh cũng khẳng định sẽ duy trì, phát triển, nâng cấp các cơ sở giống hiện có; triển khai tốt các chính sách hỗ trợ công tác giống cây trồng, vật nuôi; tăng cường áp dụng các tiến bộ KHCN, sử dụng các tiến bộ kỹ thuật...

Ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm ở Thạch Trị (Thạch Hà) cho hiệu quả kinh tế cao, hạn chế tác động tiêu cực từ thời tiết.

Về các biện pháp để khống chế, dập tắt dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; tỉnh đã chỉ đạo các địa phương theo dõi sát tình hình dịch bệnh, phân loại gia súc bị bệnh tại ổ dịch; rà soát, tiêm phòng bổ sung vắc xin viêm da nổi cục. Đồng thời, đề ra các giải pháp lâu dài như rà soát lại tổng đàn gia súc, gia cầm, xác định các vùng nuôi đủ điều kiện; xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030.

Quan tâm lĩnh vực kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng

Công nhân Công ty CP Xây dựng 68 Hà Tĩnh thi công rãnh thoát nước dự án chỉnh trang quốc lộ 1 qua thị trấn Cẩm Xuyên.

Nhóm câu hỏi về phương án xử lý hệ thống hạ tầng cơ sở do quá trình sáp nhập địa giới hành chính, tránh lãng phí, xuống cấp; tỉnh sẽ thực hiện điều chuyển, chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thuộc huyện, thuộc tỉnh quản lý, sử dụng theo quy định; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển đổi công năng sử dụng.

Về câu hỏi liên quan đến chính sách đầu tư công, UBND tỉnh trả lời, việc phân bổ vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 được thực hiện theo luật định. Tỉnh đã thực hiện cơ chế phân cấp quản lý nguồn vốn gắn với quản lý công trình, trao quyền chủ động cho các địa phương trong việc lựa chọn, quyết định đầu tư các dự án quan trọng.

Công ty CP Xây dựng Bình Dương huy động máy móc thi công hạng mục tuyến đường dẫn dự án tu bổ, nâng cấp đê biển, đê cửa sông Lộc Hà, huyện Cẩm Xuyên.

Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm kêu gọi, hỗ trợ đầu tư từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương và huy động các nguồn hợp pháp khác để triển khai các công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, hạ tầng chống ngập lũ, nhà máy nước sạch...

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

ĐVTN Trường THPT Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) tổ chức “Dọn vệ sinh, làm sạch biển”, ra quân thu gom rác thải tại bãi biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh). Ảnh tư liệu

Trả lời rõ mối quan tâm của cử tri về biện pháp giải quyết, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định: “Công tác này đã được tập trung cao trong chỉ đạo; qua đó, bảo vệ môi trường đã trở thành các hoạt động của cộng đồng dân cư, tổ chức và cá nhân; phong trào vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa được đẩy mạnh...; công tác kiểm tra, giám sát môi trường được tăng cường”.

Ngày 13/3/2021, Công an xã Xuân Hồng phối hợp với Công an huyện Nghi Xuân phát hiện, bắt giữ 2 sà lan khai thác cát trái phép trên sông Lam, thuộc địa phận thôn 1, xã Xuân Hồng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thành lập các tổ công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác trái phép trên địa bàn quản lý. Trong đó, đã xử lý vi phạm hành chính 2 vụ khai thác đất và 1 vụ khai thác cát trái phép, xử phạt 3 đối tượng với tổng số tiền 161,3 triệu đồng; phát hiện và khởi tố 2 vụ án hình sự; xử lý 180 vụ việc vi phạm hành chính, 201 đối tượng, với số tiền xử phạt hơn 404 triệu đồng.

UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương tiếp tục mở các đợt cao điểm, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác trái phép mà không phát hiện kịp thời, không xử lý nghiêm phải kiểm điểm và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Giải đáp những ý kiến về các vấn đề văn hóa - xã hội

Chi đoàn BHXH Thạch Hà hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID (BHXH số) trên nền tảng thiết bị di động.

Về ý kiến cử tri mong muốn có chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi và người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; có lộ trình đào tạo nghề cho con em nông thôn phù hợp với nhu cầu thực tiễn, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết 263/NQ-HĐND.

Theo đó, người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế; người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình: ngoài 30% mức đóng bảo hiểm y tế do ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương hỗ trợ thêm 20%; người thuộc hộ cận nghèo được ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế. Chính sách hỗ trợ cho các đối tượng nêu trên có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021.

UBND tỉnh đang xem xét bố trí nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện để tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Trường CĐ Công nghệ Hà Tĩnh tổ chức đào tạo nghề điện công nghiệp theo chương trình chuyển giao từ CHLB Đức.

Ngoài ra, các vấn đề cử tri quan tâm về tăng cường các phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhất là học sinh lứa tuổi vị thành niên, nhằm hạn chế lối sống buông thả, thờ ơ, vô cảm, vi phạm tệ nạn xã hội cũng được giải đáp thấu đáo tại kỳ họp.

Tăng cường phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính

Trước kiến nghị của cử tri về việc tăng cường công tác giám để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho biết: “Thời gian qua, công tác theo dõi, giám sát, đánh giá đầu tư công được UBND tỉnh hết sức quan tâm; các bộ phận thanh tra, giám sát thường xuyên thực hiện công tác giám sát, đánh giá ở cơ sở, kịp thời phát hiện các trường hợp sai phạm”.

Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh tư liệu

Đối với công tác CCHC, lãnh đạo tỉnh quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH. Trong kế hoạch CCHC giai đoạn và hằng năm, chú trọng công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện.

Thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương ban hành các quy định trong giải quyết thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng; đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính.

Anh Trần Đăng Khoa (SN 1987, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh) đảm nhận 5 vai trò: Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Bí thư Chi đoàn, Thôn đội trưởng dân quân tự vệ và Tổ trưởng liên gia (Ảnh tư liệu)

Bên cạnh đó, trả lời ý kiến cử tri về việc sửa đổi Nghị quyết 156/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh về chế độ đối với thôn, tổ dân phố, ngày 8/12/2020, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 258/2020/NQ-HĐND (thay thế Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND).

Theo đó, nghị quyết này đã bổ sung phụ cấp cho các chức danh: Thôn đội trưởng; nhân viên y tế thôn, bản kiêm cộng tác viên dân số, y tế và gia đình; hỗ trợ bồi dưỡng theo chính sách đặc thù của tỉnh đối với chức danh công an viên thôn, bảo vệ dân phố, với mức bồi dưỡng tính bình quân tăng lên gấp gần 2 lần so với Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND.

Đồng thời, UBND tỉnh đã kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2019/NĐ-CP phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.

Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng và lãnh đạo TP Hà Tĩnh tiếp công dân định kỳ tháng 4/2021.

Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cũng làm rõ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Theo đó, trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, các cấp hành chính đã giải quyết 480/550 vụ việc khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ 87,27%. Riêng ở cấp tỉnh đã giải quyết 21 vụ việc khiếu nại, ban hành 1 kết luận nội dung tố cáo. Ngoài ra, cơ quan hành chính các cấp đã tiếp nhận xử lý, trả lời 3.071/3.506 đơn kiến nghị phản ánh, đạt tỷ lệ 87,6%.

Cùng với đó, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai việc rà soát, giải quyết đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, tồn đọng.

Chủ đề HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói