Những con đường làng ở Thạch Liên khang trang nhưng có phần hiu hắt khi vắng bóng người trẻ
Lần nào cũng thế, khi đi sâu vào những con ngõ của làng quê Thạch Liên (Thạch Hà), tôi đều có cảm giác hiu quạnh. 57% lao động trẻ ly hương chính là câu trả lời cho cảm giác đó. Thạch Liên là một trong những vùng quê có nhiều người trẻ ly hương nhất ở Hà Tĩnh. Trong tổng 2.365 người trong độ tuổi từ 18-60 có khả năng lao động thì có tới 1.340 lao động ly hương (239 lao động xuất khẩu và 1.101 lao động ngoại tỉnh). Đặc biệt, số lao động trẻ ly hương ở độ tuổi 18-35 chiếm tỷ lệ khoảng 85%.
Việc hơn một nửa lao động là người trẻ tuổi rời quê hương đi làm ăn xa khiến xã thuần nông này rơi vào tình trạng già hóa dân số khi tại địa bàn có khoảng 1.000 người từ 60 tuổi trở lên (1.000/3.681 người, chiếm tỷ lệ hơn 27%). Già hóa dân số đã dẫn đến nhiều áp lực lên đời sống xã hội.
5 người con đi làm ăn xa, bà Nguyễn Thị Châu (thôn Quý, Thạch Liên) vất vả khi phải chăm sóc 5 đứa cháu và “cõng” thêm công việc đồng áng.
Bà Nguyễn Thị Châu (61 tuổi, thôn Quý) chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 5 đứa con nhưng cả 5 đều đi làm ăn xa. 2 đứa đi xuất khẩu lao động nước ngoài, 3 đứa khác đều đi làm ăn tại các tỉnh phía Nam. Hiện, ông nhà tôi ngoài 65 tuổi, đau yếu thường xuyên nên tôi là lao động chính. Một mình cáng đáng 8 sào ruộng và chăm sóc 5 đứa cháu nhỏ (đứa lớn học lớp 7, đứa bé gần 3 tuổi) do các con gửi lại khiến tôi rất vất vả”.
Bà Châu là giáo viên mầm non đã nghỉ hưu cách đây 6 năm. Sau nhiều năm cống hiến cho xã hội, đáng lẽ ở tuổi bà đã được nghỉ ngơi nhưng tình thế bắt buộc khiến bà phải gánh vác công việc.
Người trẻ ly hương, công việc đồng ruộng giờ để lại cho người già gánh vác
Không chỉ bà Châu, tình trạng các lao động trẻ ly hương để lại gánh nặng công việc và chăm sóc trẻ nhỏ cho người già là chuyện phổ biến ở xã Thạch Liên. Gia đình ông Nguyễn Viết Thiên (70 tuổi, ở thôn Nguyên), gia đình bà Trương Thị Vân (62 tuổi, ở thôn Thọ) ngoài làm 7-10 sào ruộng, mỗi hộ này còn nuôi 2-3 cháu nhỏ…
Là địa phương vùng biển, cuộc sống của người dân xã Cương Gián (Nghi Xuân) chủ yếu nhờ vào ngư nghiệp, tuy nhiên, gần đây, lực lượng lao động trẻ lại hướng đến thị trường xuất khẩu lao động.
Ông Nguyễn Công Mạo (64 tuổi, ở thôn Đại Đồng, xã Cương Gián) cho biết: “Thôn chúng tôi có 74 hộ làm nghề biển nhưng chỉ có khoảng 20 lao động là thanh niên, còn lại chủ yếu là những người từ 45 tuổi trở lên. Gia đình tôi có 5 đứa con đã trưởng thành nhưng đều đi làm ăn xa”.
Các phong trào văn nghệ - thể thao ở các làng quê chỉ có người già và trẻ em tham gia. Ảnh chụp tại Nhà văn hóa Thôn Đại Đồng (Cương Gián, Nghi Xuân)
Thôn Đại Đồng hiện có 360 hộ gia đình với 1.600 nhân khẩu. Ngoài 270 lao động đi xuất khẩu thì thôn còn có hàng trăm lao động trẻ khác đi làm ngoại tỉnh.
Ông Trần Văn Hương - Chủ tịch UBND xã Thạch Liên thông tin: “Bên cạnh mặt tích cực như giải quyết việc làm, đưa lại nguồn thu nhập khá về cho gia đình… thì việc lao động trẻ ly hương cũng tạo những áp lực nhất định trong nhiều công tác ở địa phương. Cụ thể như: thiếu lực lượng lao động nòng cốt trong các phong trào tập thể (xây dựng nông thôn mới, thể thao - văn nghệ); cơ cấu cán bộ các đoàn thể như đoàn thanh niên, phụ nữ… thiếu người trẻ đảm nhận. Riêng về công tác đoàn thanh niên cơ sở, hầu như chúng tôi phải vận dụng lực lượng học sinh trường THPT tại địa bàn. Tuy nhiên, lực lượng này thường xuyên thay đổi, bởi học xong lớp 12, các em lại đi học đại học, học nghề hoặc đi làm xa…”.
Tình trạng già hóa dân số do nhiều lao động trẻ ly hương làm thiếu hụt lực lượng lao động sản xuất, ảnh hưởng đến phong trào tại địa phương và các vấn đề an sinh xã hội, tăng gánh nặng lên người già…
Người già ở các làng quê Hà Tĩnh chịu thêm áp lực khi phải chăm cháu cho con đi làm ăn xa. Ảnh chụp tại Trường Mầm non xã Hồng Lộc (Lộc Hà).
Khảo sát tại Trường Mầm non xã Hồng Lộc (Lộc Hà) năm học 2020-2021, trong 389 trẻ có độ tuổi từ 3-5 tuổi thì có khoảng 250 cháu có bố hoặc mẹ đi làm ăn xa, trong đó, khoảng 116/389 cháu (chiếm tỷ lệ 30%) sống cùng ông bà do cả bố và mẹ đều ly hương. Việc trẻ nhỏ không được bố mẹ trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ trong giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời là một thiệt thòi lớn, gây nên những hệ quả phát triển tâm lý sau này.
Dân số già hóa cục bộ là tình trạng phổ biến ở hầu khắp các làng quê Hà Tĩnh. Nguyên nhân cơ bản là do lao động trẻ chọn con đường ly hương kiếm sống. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh và các địa phương cần có giải pháp kích cầu để phát triển kinh tế, nhất là tạo việc làm nhằm thu hút nguồn lao động trẻ lập nghiệp trên chính quê hương mình.