Giao diện trực tuyến tại điểm cầu chính.
Chính quyền quyết liệt các giải pháp đồng hành
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh thông tin: Trong 4 tháng đầu năm 2020, nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh giảm mạnh so với cùng kỳ: Số DN và đơn vị trực thuộc thành lập mới giảm 26,2%; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp giảm 3,08%; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành giảm khoảng 38,3%, giảm đều ở cả 3 ngành dịch vụ.
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh Trần Tú Anh trình bày báo cáo tại hội nghị.
Báo cáo cũng tập trung thông tin tình hình thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN ứng phó với dịch Covid-19 của Trung ương và của tỉnh. Nhìn chung, quá trình thực thi các giải pháp hỗ trợ còn một số hạn chế. Số lượng DN được tiếp cận, nhận hỗ trợ từ các chính sách còn khiêm tốn.
Hiện tại, mới chỉ có 2,9% số DN chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách; 21,2% DN đã biết tới các chính sách và đã được hướng dẫn nhưng chưa tiến hành thực hiện; 64,6% DN đã biết tới các chính sách hỗ trợ nhưng chưa biết đầu mối để tiếp cận; 11,4% DN chưa biết tới các chính sách này.
Điểm cầu thị xã Kỳ Anh
Nhằm chia sẻ khó khăn với DN, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cả hệ thống chính trị tập trung quyết liệt thực hiện một số nội dung như: Phục hồi, phát triển chuỗi cung ứng, giá trị bị gián đoạn; tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ; rà soát xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển kinh tế;
Các giải pháp kích cầu, phát triển thị trường nội địa; đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư công.
“Cho cần câu hơn cho con cá!”
Trao đổi tại hội nghị, cộng đồng DN đã nêu nhiều kiến nghị về hỗ trợ thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, triển khai cụ thể và kéo dài các gói, chính sách hỗ trợ DN trong giai đoạn khó khăn này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành nội dung thảo luận.
Theo đó, các ý kiến tập trung về việc sớm giải ngân các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng như có hướng dẫn cụ thể để DN nắm bắt, thực hiện.
Ông Nguyễn Tiến Trình – Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đề nghị: Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ cho người lao động nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Đây là chính sách người lao động rất quan tâm, đề nghị cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn để DN sớm có câu trả lời chính xác cho người lao động.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh Lê Đức Thắng đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư.
Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại các khoản nợ, giảm lãi, tăng hạn mức vay, nâng cao giá trị định giá tài sản thế chấp, giãn nợ, giãn nộp BHXH, thực hiện các gói kích cầu được nhiều DN đề xuất để góp phần quan trọng trong phục hồi, phát triển.
“Cần có chính sách giảm thuế trước bạ cho các phương tiện đăng ký mới, miễn phí bảo trì đường bộ cho các phương tiện, giảm thuế kinh doanh vận tải tránh tình trạng “chảy máu” nguồn thu”, ông Trần Văn Sỹ - Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh đề nghị.
Ông Nguyễn Tiến Trình – Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể về thực hiện chính sách cho người lao động...
Cùng chung đề xuất, bà Nguyễn Thị Bích Hảo – Chủ tịch HĐQT Trường Mầm non Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) cho rằng, việc tạm dừng thời gian trả nợ gốc, giảm lãi vay là điều có ý nghĩa sống còn với DN lúc này. Đó cũng là đề xuất của đại diện Công ty TNHH Đầu tư xây dựng hạ tầng Phú Vinh (thị xã Kỳ Anh).
Ngoài việc cần sự hỗ trợ kịp thời để giảm khó khăn trước mắt, điều DN đang cần là cơ chế chính sách phù hợp để phát triển, DN cần chính quyền “trao cần câu hơn cho con cá”.
Điểm cầu huyện Vũ Quang.
Đề xuất về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh Lê Đức Thắng cho rằng: “Hiện nay, có 115 danh mục công trình, dự án đang chờ bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Điều này cần triển khai sớm để tạo động lực cho DN phát triển”.
Liên quan đến vấn đề cần sớm tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thành Đạt Trần Quang Luận bày tỏ: “Công ty chúng tôi rất mong được sớm tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng đầu tư cụm công nghiệp. Hiện đã 1 năm triển khai đầu tư, san lấp mặt bằng đạt 80% nhưng hiện nay vẫn chưa thể triển khai tiếp... Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư”.
Ông Nguyễn Bá Đồng - Tổ trưởng tổ đối ngoại phòng quan hệ công chúng Công ty Formosa Hà Tĩnh nêu một số khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động của công ty không thể qua Việt Nam làm việc, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả, năng suất làm việc.
Tại hội nghị, các DN cũng tập trung đề xuất các nội dung như tăng cường hỗ trợ kết nối, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa; hỗ trợ một phần chi phí thiệt hại, khó khăn do dịch Covid-19 như giảm tiền điện, nước; giãn, hoãn các khoản bảo hiểm xã hội; đầu tư hoàn thành hệ thống hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, kết nối hạ tầng trong và ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp; dừng các cuộc thanh kiểm tra nếu không có dấu hiệu vi phạm...
Bà Nguyễn Thị Lý - đại diện VCCI chi nhánh Nghệ An: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ từ Chính phủ, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và DN.
Chính quyền – doanh nghiệp cùng đồng hành, gỡ khó!
Ngay sau các ý kiến đề xuất của đại diện các DN, lãnh đạo các đơn vị gồm Ngân hàng Nhà nước, Cục Thuế, BHXH Hà Tĩnh… đã trả lời, tiếp thu các nội dung liên quan.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu chính.
Nhận được nhiều quan tâm của DN về vấn đề tháo gỡ vướng mắc về giãn lãi, cơ cấu lại nợ, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Hà Tĩnh Nguyễn Huy Tiến đã trả lời cụ thể các ý kiến liên quan.
Theo đó, về vấn đề miễn giảm lãi và phí cho khách hàng, Giám đốc NHNN tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Thực hiện theo thông tư của NHNN Việt Nam, thực tế các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã giảm lãi suất đồng loạt. Tuy vậy, mức độ miễn giảm phụ thuộc vào tiềm lực của các tổ chức tín dụng.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Huy Tiến trả lời các nội dung liên quan.
Với quan điểm, coi tháo gỡ khó khăn của khách hàng cũng là tháo gỡ cho ngân hàng, các tổ chức tín dụng không thiếu vốn nhưng phải đảm bảo quy định. Điều kiện thủ tục sẽ tiết giảm hơn nhưng một điều không thể nới lỏng là điều kiện tín dụng, phải đảm bảo khả năng trả nợ, hạn chế gánh nặng nợ xấu…
“Đặc biệt, việc kéo dài thời gian trả nợ nếu thuộc đối tượng, đủ điều kiện mà ngân hàng nào gây khó khăn thì xử lý nghiêm túc. Các DN chủ động đối chiếu với các chính sách, liên hệ với các tổ chức tín dụng để thực hiện. Có vướng mắc, khó khăn báo cáo để kiểm tra, xử lý” - Giám đốc NHNN tỉnh cho biết.
Ngoài ra, với các đề nghị cho vay không lãi đối với ngành vận tải, lãnh đạo đơn vị cho biết, điều này khó thực hiện; các vấn đề về giãn lãi, cơ cấu lại nợ sẽ tiếp tục tìm hiểu để trả lời trực tiếp cho DN.
Về vấn đề thuế, phí, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Trương Quang Long thông tin: Hiện ngành Thuế đang triển khai gói hỗ trợ theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn tiền nộp thuế. Tất cả các DN đều đã được thụ hưởng gói này. Đồng thời, ngành đã thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ, xóa nợ sẽ thực hiện vào 1/7/2020 gồm 7 nhóm hỗ trợ.
Trả lời ý kiến của DN đề nghị giảm thuế kinh doanh vận tải cao hơn một số địa phương khác, lãnh đạo ngành Thuế nhấn mạnh: Thuế tự khai tự nộp, thuế là bằng nhau chứ không phải cao thấp. Những DN ngừng hoạt động theo Chỉ thỉ 16 về nguyên tắc không phát sinh doanh thu nên không phải nộp thuế.
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Trương Quang Long trả lời các nội dung liên quan.
Về vấn đề giảm tiền thuê đất, lãnh đạo ngành thông tin, hiện Bộ Tài Chính đang trình giảm tiền thuê đất cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch; việc giãn nợ thuế sẽ thực hiện theo Nghị quyết 94/2019/QH14 từ 1/7/2020; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Trả lời về các vấn đề liên quan đến chính sách tạm dừng đóng BHXH, bà Đặng Thị Anh Hoa – Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Thực hiện chính sách tạm dừng đóng BHXH, hiện nay, toàn tỉnh có 172 DN có văn bản đề xuất, chỉ có 72 đơn vị đầy đủ thủ tục và tạm dừng đóng cho 1.702 lao động.
“Hiện chúng ta mới chỉ ngừng thu, còn việc miễn đóng, hỗ trợ đóng hiện chưa có quy định. Riêng về thời gian được tạm dừng đóng thực hiện theo 2 khung gồm tháng 6/2020 và 12/2020” – lãnh đạo ngành thông tin.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y cho rằng: Những ý kiến trả lời của các sở, ngành tại hội nghị đã cơ bản đáp ứng được các nội dung DN cần. Tình hình hoạt động của DN rất khó khăn, chính quyền cần đi vào những việc làm cụ thể...
Ngoài ra, lãnh đạo các ngành như VH-TT&DL, TN&MT, Tài chính, LĐ-TB&XH cũng tập trung trả lời các nội dung liên quan…
Trên cơ sở nội dung trả lời tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng đề nghị: Đối với những kiến nghị, đề xuất chưa được trả lời, hoặc đã được trả lời nhưng chưa được giải quyết triệt để, đề nghị các DN tiếp tục có ý kiến ngược trở lại và yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phải nghiêm túc tiếp thu, giải quyết dứt điểm, làm rõ bằng văn bản; đồng thời, gửi Trung tâm Hỗ trợ phát triển DN và xúc tiến đầu tư tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.