Bài học kinh nghiệm GPMB dự án FORMOSA

Đến thời điểm này đã có hơn 1.820 hộ /1.891 hộ trong diện di dời phục vụ dự án FORMOSA được kiểm kê, trong đó có hơn 85% số hộ đã nhận tiền đền bù, hơn 400 hộ đã nhận đất và làm nhà ở tại các khu TĐC. Hiện tại chỉ còn hơn 60 hộ chưa đồng ý cho kiểm kê, trong đó có hơn 50 hộ ở Kỳ Lợi (Kỳ Anh-Hà Tĩnh).

Trong lĩnh vực đền bù, GPMB, việc kiểm kê, áp giá là khâu quan trọng quyết định. Bởi vậy, tỷ lệ hơn 96% hộ dân đã được kiểm kê khẳng định sự thành công tốt đẹp của công tác đền bù, di dời dân của dự án FORMOSA.

Cán bộ nào phong trào đó!

Trong 5 xã ảnh hưởng dự án FORMOSA, ngoài Kỳ Thịnh còn lại 4 xã Kỳ Long, Kỳ Phương, Kỳ Liên và Kỳ Lợi phải di dời dân, mồ mả và các công trình phúc lợi công cộng với số lượng rất lớn. Đến thời điểm này, xã Kỳ Liên cơ bản đã xong phần kiểm kê, áp giá, nhận tiền đền bù, đã có hơn 150 hộ dân Kỳ Liên di dời vào làm nhà tại khu TĐC.

Người dân Kỳ Lợi xây dựng nhà ở trong khu TĐC.

Người dân Kỳ Lợi xây dựng nhà ở trong khu TĐC.

Ông Trần Bình Thạnh - Chủ tịch UBND xã Kỳ Liên, tâm sự: Khi mới bắt đầu triển khai công tác GPMB chúng tôi rất hoang mang, ngay trong đội ngũ cốt cán cũng chưa thật tin tưởng khả thi của dự án. Nhưng nhờ sự chỉ đạo cụ thể, sát sao, quyết liệt của tỉnh, huyện nên đã xua đi những nghi ngờ, tạo lập niềm tin cho chúng tôi. Từ đó, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương đồng tâm, hợp lực, cùng nhau tìm mọi biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt là vai trò tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với hành động của những cán bộ, đảng viên trong diện phải di dời. Nhờ đó, quần chúng nhân dân tin và noi theo. Một trong những gương điển hình được người dân ở đây nhắc đến là trường hợp lão đảng viên Nguyễn Trọng Phu. Là đảng viên tiền khởi nghĩa, tuổi cao, sức yếu đang điều trị bệnh ở Hà Nội những khi biết tin ở quê chuẩn bị chi trả tiền đền bù, ông đã điện thoại về khuyên bảo con cháu, gia đình phải đi nhận tiền ngay. Nhờ đó, việc chi trả đền bù ở Kỳ Liên được nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Kỳ Phương có số hộ dân phải di dời nhiều đứng sau Kỳ Long với trên 750 hộ. Công tác GPMB ở Kỳ Phương bước đầu cũng rất khó khăn. Một số người dân gần như bất hợp tác với đoàn kiểm kê, vận động... Nhưng đến nay Kỳ Phương đã có trên 95% số hộ trong diện di dời được kiểm kê, trong đó có trên 50% hộ đã nhận tiền, hàng trăm hộ đã nhận đất, làm nhà tại khu TĐC. Theo ông Nguyễn Văn Bổng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh kiêm trưởng ban đền bù, GPMB dự án FORMOSA, thành công của Kỳ Phương chính là sự vào cuộc nhiệt tình, quyết liệt của các tổ chức Đảng cơ sở, hệ thống tổ chức đoàn thể, quần chúng bám dân, kiêm trì vận động, thuyết phục, tuyên truyền các chủ trương, chính sách một cách cụ thể, rõ ràng để người dân hiểu được đầy đủ mục đích, ý nghĩa to lớn của dự án.

Các đoàn công tác đi sâu lắng nghe, chia sẻ những tâm tư, tình cảm, những nguyện vọng chính đáng của người dân, lý giải cụ thể những băn khoăn về cơ chế, chính sách đền bù, TĐC..., tạo sự đồng thuận, hợp tác cùng chính quyền đẩy nhanh công tác GPMB. Đến thời điểm này, Kỳ Phương cũng là một trong những xã có số hộ dân đăng ký tháo dỡ nhà cửa di dời đến khu TĐC cao nhất.

Nhân dân Khu TĐC Kỳ Trinh sớm ổn định cuộc sống ở nơi ở mới.

Nhân dân Khu TĐC Kỳ Trinh sớm ổn định cuộc sống ở nơi ở mới.

Tuy là xã có số hộ dân di dời ít nhất nhưng Kỳ Lợi lại là địa phương khó khăn nhất trong công tác di dời. Đến thời điểm này, Kỳ Lợi vẫn còn hơn 50 hộ dân không đồng ý cho Hội đồng đền bù kiểm kê. Các tổ công tác đã mất rất nhiều thời gian, công sức để tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.

Cốt lõi vấn đề ở đây lại chính là sự không đồng thuận của một số cán bộ, đảng viên. Từ đó dẫn đến không nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương làm chậm tiến độ di dời, GPMB. Từ sau khi thay thế bí thư, chủ tịch xã, xử lý kỷ luật một số cán bộ, đảng viên trì trệ, công tác GPMB ở đây đã có những khởi sắc đáng kể.

Đến thời điểm này, Kỳ Lợi đã có hơn 150 hộ nhận tiền đền bù, trong đó hơn 100 hộ đã nhận đất và xây nhà tại khu TĐC. "Cán bộ nào, phong trào đó" chính là một trong những bài học, kinh nghiệm quan trọng trong công tác di dời dân, GPMB không chỉ cho Kỳ Anh.

Phải thực sự "lấy dân làm gốc"!

Trong 4 xã phải di dời dân nhường đất cho dự án FORMOSA chỉ có Kỳ Lợi phải TĐC ở một địa phương khác, các xã còn lại đều được TĐC ngay trong xã mình. Đây chính là một trong những yếu tố thuận lợi cho việc di dời dân. Thế nhưng bước đầu khi triển khai chủ trương đã không nhận được sự đồng thuận của nhân dân, thậm chí còn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Sau khi được tuyên truyền, vận động, được cung cấp thông tin đầy đủ, quần chúng nhân dân đặc biệt là những nông dân nghèo lại là những hộ đi đầu về kiểm kê, nhận tiền, nhận đất và làm nhà tại các khu TĐC. Qua thực tế theo dõi các xã trong vùng dự án chúng tôi nhận thấy vì thiếu thông tin nên bà con còn thận trọng nghe ngóng. Khi được tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, nhân dân sẽ tự nguyện và đồng thuận cao với chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.

Trong công tác GPMB việc công bố công khai, rộng rãi các cơ chế, chính sách, minh bạch, công tâm trong công tác kiểm kê, áp giá là hết sức quan trọng, bởi đây là yếu tố quyết định tạo niềm tin để người dân đồng tình ủng hộ việc di dời, GPMB. Trong quá trình quy hoạch xây dựng các khu TĐC, nghĩa trang đều cần có sự tham gia đóng góp ý kiến, giám sát chất lượng công trình của người dân. Vì như thế càng tạo nên sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, càng đẩy nhanh được tiến độ di dời.

Qua thực tiễn GPMB càng thấy rõ phải đặt công tác tuyên truyền, vận động làm nhiệm vụ hàng đầu. Phải thực sự gần dân, nói rõ những vấn đề cần tuyên truyền cho dân biết càng rộng rãi, càng kỹ càng tốt. Đồng thời cần lắng nghe ý kiến của nhân dân.

ĐVTN giúp nhân dân xã Kỳ Phương dựng lại nhà ở trong khu TĐC.

ĐVTN giúp nhân dân xã Kỳ Phương dựng lại nhà ở trong khu TĐC.

Ông Trần Bá Song - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, cho biết: Trong quá trình thực hiện công tác đền bù, di dời, TĐC phải hết sức công khai, minh bạch, công tâm và dân chủ, nhưng đồng thời cũng phải linh hoạt không nên xơ cứng máy móc, rập khuôn. Công tác tuyên truyền, vận động phải chú ý trọng tâm, trọng điểm. Những đoàn công tác đi cơ sở tuyên truyền, vận động cần nắm chắc các chủ trương, chính sách đền bù, TĐC để phổ biến sâu rộng nhưng đồng thời phải giải đáp được những thắc mắc, những băn khoăn của người nghe. Nghĩa là phải làm cho người dân hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa, nội dung, lộ trình thực hiện dự án và các chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước và những lợi ích của người dân khi phải di dời.

Trong quá trình thực hiện công tác GPMB, cần có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất "chung tiếng nói" của lãnh đạo các cấp đến cơ sở và các ngành, đoàn thể nhằm góp phần tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân. Sự hỗ trợ, giúp đỡ về nhân lực, phương tiện trong quá trình di dời, GPMB là hết sức quan trọng, làm ấm lòng kẻ ở người đi, góp thêm nguồn động viên tinh thần giúp những hộ dân sớm ổn định cuộc sống tại các khu TĐC.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast