Dân số già nhanh, vị thế đầu tàu tăng trưởng châu Á của Trung Quốc lung lay

Deloitte dự báo Ấn Độ sẽ dẫn đầu làn sóng tăng trưởng thứ ba ở khu vực châu Á...

dan so gia nhanh vi the dau tau tang truong chau a cua trung quoc lung lay

Lợi thế của Ấn Độ nằm ở việc nước này sẽ là một quốc gia nằm ngoài xu hướng lão hóa ở châu Á.

Ấn Độ có thể sẽ sớm nổi lên thành một siêu cường kinh tế mới, một phần nhờ dân số trẻ của nước này, trong khi dân số của Trung Quốc và các nền kinh tế “con hổ” khác ở khu vực châu Á nhanh chóng lão hóa.

Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo do công ty tư vấn và kiểm toán Deloitte LLP công bố ngày 18/9 cho biết, số người từ 65 tuổi trở lên ở châu Á sẽ tăng từ mức 365 triệu người hiện nay lên hơn 500 triệu người vào năm 2027, chiếm 60% toàn cầu. Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ là một quốc gia nằm ngoài xu hướng lão hóa ở châu Á.

Deloitte dự báo Ấn Độ sẽ dẫn đầu làn sóng tăng trưởng thứ ba ở khu vực châu Á, sau khi Nhật Bản và Trung Quốc đã dẫn đầu hai làn sóng đầu tiên. Theo báo cáo, lực lượng lao động tiềm năng của Ấn Độ sẽ tăng từ 885 triệu người lên 1,08 triệu người trong vòng 20 năm tới, và giữ trên mức này trong hơn nửa thế kỷ.

“Ấn Độ sẽ chiếm hơn một nửa sự tăng trưởng lực lượng lao động ở châu Á trong thập kỷ tới, nhưng đây không chỉ là câu chuyện về việc có thêm nhiều người lao động: những người lao động mới sẽ có trình độ cao hơn so với lực lượng lao động hiện nay của Ấn Độ”, chuyên gia kinh tế Anis Chankravarty thuộc Deloitte phát biểu.

“Cùng với đó là sự gia tăng của tiềm năng kinh tế, nhờ tỷ lệ gia tăng của nữ giới trong lực lượng lao động, năng lực cao hơn, và mong muốn làm việc lâu dài hơn. Tác động tích cực đối với các doanh nghiệp sẽ là rất lớn”.

Dù dự báo làn sóng tăng trưởng ở Ấn Độ sẽ kéo dài hàng thập kỷ, Deloitte cho rằng Ấn Độ sẽ không phải là nền kinh tế duy nhất ở châu Á tăng trưởng mạnh. Bản báo cáo nói rằng Indonesia và Philippines cũng có dân số khá trẻ, nhờ đó những nước này cũng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tương tự như Ấn Độ.

Báo cáo cũng cho rằng sự nổi lên của Ấn Độ sẽ không phải là điều hoàn toàn chắc chắn. Nếu nước này không thực thi những chính sách phù hợp để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng, dân số gia tăng có thể phải đối mặt với nạn thất nghiệp và nguy cơ bất ổn xã hội.

Theo Deloitte, những nền kinh tế sẽ đối mặt với thách thức tăng trưởng kinh tế lớn nhất do dân số lão hóa bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Thái Lan và New Zealand. Đối với Australia, báo cáo nói rằng ảnh hưởng của dân số lão hóa có thể sẽ còn lớn hơn cả ở Nhật Bản, quốc gia đã vật lộn với những khó khăn từ dân số già suốt mấy thập kỷ qua.

Tuy nhiên, ông Ian Thatcher, Phó giám đốc Deloitte khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng khác với các nước giàu khác, Australia cởi mở với người nhập cư. “Nhờ đó, Australia sẽ giảm bớt được những rủi ro do dân số lão hóa gây ra trong những thập kỷ tơi”, ông Thatcher nói.

Đối với trường hợp Nhật Bản, dân số lão hóa tiếp tục là thách thức, nhưng cũng mở ra những cơ hội mới. Nhu cầu ở nước này đã gia tăng trong những lĩnh vực như chăm sóc người già, hàng tiêu dùng cho người lớn tuổi, nhà ở và cơ sở ha tầng cho người già, quản lý tài sản và bảo hiểm.

Theo VnEconomy

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast