Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển

(Baohatinh.vn) - 5 năm qua (2010-2015), Hà Tĩnh được nhắc đến như một điểm sáng trong việc thu hút đầu tư với nhiều công trình, dự án lớn được triển khai xây dựng rầm rộ tại các khu kinh tế, cụm công nghiệp. Các công trình, dự án trên địa bàn thu hút hàng vạn lao động phổ thông và lao động chất lượng cao. Đây là cơ hội và cũng đặt ra không ít thách thức đối với công tác đào tạo nhân lực, giải quyết việc làm.

Dấu ấn nhiệm kỳ 2010 - 2015 (Bài 12):

Quy hoạch, nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường nghề

Từ thực tiễn yêu cầu chất lượng lao động ngày càng cao của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, đòi hỏi chương trình, phương pháp đào tạo, dạy nghề cũng như cơ sở vật chất các trường nghề phải đạt chuẩn, UBND tỉnh đã kịp thời quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh. “Sau khi được sắp xếp, kiện toàn, toàn tỉnh chỉ còn lại 28 cơ sở đào tạo nghề. Các đơn vị đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên (GV), góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống dạy nghề trên địa bàn. Hà Tĩnh cũng là địa phương đầu tiên thực hiện quy hoạch, sắp xếp lại cơ sở đào tạo nghề và được trung ương tổng kết, nhân rộng trên cả nước” - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển ảnh 1

Giờ thực hành sửa chữa ô tô của học viên Trường CĐ nghề Việt Đức

Yếu tố quyết định chất lượng lao động sau đào tạo đó là chất lượng đội ngũ GV. Xác định được vấn đề đó, những năm qua, tỉnh, ngành chủ quản (Sở LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT) và các trường nghề đã chú trọng, có nhiều chính sách thu hút nhân tài là các GV kỹ thuật và đào tạo lại GV trường nghề.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Minh Ất - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt - Đức cho biết: “Để nâng cao chất lượng đào tạo, tất cả GV của trường đều được đào tạo chuẩn hóa trong và ngoài nước thông qua các chương trình nâng cao. Đến nay, số lượng thạc sỹ các chuyên ngành của trường là 62 người, đạt tỷ lệ 68,8% trên tổng số GV. Là trường nghề có tỷ lệ thạc sỹ cao nhất cả nước”. Hà Tĩnh cũng là địa phương có 2 trường cao đẳng nghề trong nhóm 40 trường đào tạo nghề trên toàn quốc được Bộ LĐ-TB&XH chọn đầu tư xây dựng trường chất lượng cao theo “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến 2020” của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, hàng năm, Sở LĐ-TB&XH và GD&ĐT tổ chức các hội thi, hội giảng dạy nghề cho GV các trường trung cấp, cao đẳng nghề và trung tâm dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là dịp để đội ngũ GV các trường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tích cực phát huy sáng kiến kỹ thuật, đổi mới phương pháp giảng dạy, rèn luyện kỹ năng sư phạm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Nét mới trong công tác đào tạo nghề đó là dạy nghề theo đơn đặt hàng của DN. Nhà trường đào tạo có hiệu quả, chất lượng cao được đánh giá bằng thước đo là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm đáp ứng yêu cầu DN. DN cần đến nhà trường để có được đội ngũ kỹ thuật phù hợp đáp ứng yêu cầu đổi mới sản xuất, phát triển và hội nhập. Được biết, những năm gần đây, các trường dạy nghề trên địa bàn đã ký kết hợp đồng với các DN trong và ngoài tỉnh dạy nghề cho trên 1.000 lao động. Đa số lao động đào tạo theo nhu cầu DN được tuyển dụng, bố trí việc làm và có thu nhập ổn định.

Cơ hội học nghề và việc làm

5 năm qua, các công trình, dự án trên địa bàn thu hút hàng vạn lao động phổ thông và lao động chất lượng cao. Đặc biệt, KKT Vũng Áng đang dần hình thành một trung tâm công nghiệp, thương mại và đô thị của khu vực, là khu kinh tế trọng điểm của cả nước, có hơn 400 DN đang hoạt động và 93 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 17 tỷ USD.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển ảnh 2

Sàn Giao dịch việc làm Hà Tĩnh, nơi người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm

Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực, tỉnh đã triển khai và thực hiện có hiệu quả Đề án 96 của HĐND tỉnh, Thông báo Kết luận 248 của Phó Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nguồn nhân lực cho KKT Vũng Áng và chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Việc thu hút, đào tạo nhân lực cho KKT Vũng Áng đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thích đáng của Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh và DN, cơ sở đào tạo. Ngoài huy động hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, tỉnh có chính sách hỗ trợ học phí, tiền ở ký túc xá đối với sinh viên có hộ khẩu thường trú tại Hà Tĩnh; các trường được giao đào tạo nhân lực cho KKT Vũng Áng được hỗ trợ kinh phí đào tạo (ngoài học phí). Trường Đại học Hà Tĩnh đã liên kết với gần 10 trường đại học trong nước đào tạo 13 chuyên ngành như: công nghệ chế tạo máy, kỹ thuật tuyển khoáng, kỹ thuật điện, điện tử…

Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, vai trò của địa phương, cơ sở trong chỉ đạo thực hiện ngày càng rõ nét. Đặc biệt, từ năm 2010 lại nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 31.822 lao động nông thôn, góp phần tạo nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 94 phiên giao dịch việc làm, 48 ngày hội việc làm cấp tỉnh và cấp huyện, 376 hội nghị tư vấn học nghề - việc làm tại các huyện, xã và cơ sở đào tạo, thu hút 246.000 lượt người tham gia. Đã có hàng chục ngàn lao động được tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, DN thông qua hoạt động này.

Nhờ công tác chỉ đạo quyết liệt, các giải pháp triển khai đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở, nhiệm kỳ 2010-2015, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 160.000 lượt người, góp phần giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp từ 62,6% năm 2010 xuống còn 53,2%; tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 3,31% xuống còn 1,35%.

Nhanh chóng nắm bắt thời cơ, vận hội mới và bằng những chương trình hành động cụ thể, quyết liệt, nhiệm kỳ 2010-2015, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị đã thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010-2015 xác định khâu đột phá trên lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững là: tập trung phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị kinh doanh, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề…; đẩy mạnh thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Các chỉ tiêu phấn đấu: tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, trong đó, đào tạo nghề đạt 50%; mỗi năm, giải quyết việc làm cho trên 3,2 vạn lao động; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) hàng năm, giảm 3-4%. Đến cuối nhiệm kỳ, các chỉ tiêu trên đã hoàn thành và vượt kế hoạch.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast