Những người gác tàu thầm lặng

(Baohatinh.vn) - Nếu ở sân ga, từng đoàn tàu nối nhau dừng chân, người tiễn, người đi nhộn nhịp... thì ở các trạm gác chắn đường ngang, nhân viên duy chỉ nhìn thấy cảnh tàu vụt qua trong thoáng chốc. Đối với họ, hạnh phúc chỉ giản đơn là sự an toàn của những chuyến tàu...

Bạn cùng những chuyến tàu

“Ban ngày, người qua đường là bè bạn, khi màn đêm buông xuống, giữa rừng núi ngút ngàn, những con tàu đã mang tới cho tôi niềm vui. Ánh đèn trên tàu lóe sáng, những khuôn mặt của hành khách đi qua là hơi ấm giúp tôi vượt qua khó khăn cũng như sự cô đơn, hiu quạnh tại chốn này. Tất cả đã trở thành nhịp sống quen thuộc đối với tôi”, anh Nguyễn Tiến Luật - nhân viên gác đường ngang trạm chắn km 369+050 đóng trên địa bàn xóm 4, xã Phương Điền (Hương Khê) chia sẻ.

Những người gác tàu thầm lặng ảnh 1

Hạnh phúc với người gác tàu chỉ giản đơn là sự an toàn của những chuyến hỏa xa

Khi được “chất vấn” sao lại chọn công việc này, anh cười: “Chỉ đơn giản là niềm đam mê. Nhà cạnh đường tàu, từ nhỏ, tôi luôn nhìn thấy những đoàn tàu chạy qua, rồi ước ao lớn lên mình được vào ngành đường sắt. Giờ đây, tôi đang thực hiện điều ước đó”.

Gần chục năm trong nghề, quãng thời gian đủ để anh Luật nếm trải nỗi vất vả của công việc mà anh gắn bó. Anh kể: “Hồi mới vào, tôi không chịu nổi sự trống trải. Cô đơn nhất vẫn là những ngày tết, khi mọi nhà quây quần thì mình lại lặng thầm đợi những chuyến tàu. Nhưng riết rồi thành quen. Mỗi ngày, đón tiếp hàng chục tàu hàng lẫn tàu khách. Ban ngày, 17, 18 đoàn; ban đêm 19, 20 đoàn, tết có thể nhiều hơn nên tôi chỉ chăm chú làm tốt phần việc của mình, cũng chẳng có thời gian để… buồn”.

Là trạm chắn cấp 3 (khu vực nông thôn), 3 anh em luân phiên nhau vào ca. Đất trời miền núi Hương Khê khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng, khô hạn; mùa đông lạnh tê tái. Thêm vào đó, trạm chắn nằm gần chợ, trường học, trạm y tế nên lượng người qua lại lớn, trong khi tầm nhìn bị che khuất và người dân chăn dắt trâu bò qua đường tàu hàng trăm con mỗi ngày… càng đòi hỏi các anh luôn sẵn sàng, chủ động trong mọi tình huống. Bởi chỉ một chút sơ sẩy, chủ quan, hậu quả sẽ khó lường. Và, họ tự hào bởi từ khi có rào chắn, chưa xảy ra bất cứ vụ tai nạn nào về người.

“Bóng hồng” trong đêm

Mong muốn một lần được cùng các chị gác tàu đêm, tôi đã vượt xe máy hàng chục cây số để đến với trạm đường ngang chắn phai đê km 338 + 387 (thị trấn Đức Thọ). Đã nghe nhiều về nỗi nhọc nhằn của các chị, song, khi được ngồi gác cùng, tôi mới thấu hiểu hết nỗi vất vả ấy. Công việc gác tàu đối với chị em áp lực hơn nhiều. Đơn giản, thức đêm đón tàu đã là sự nỗ lực mà không phải ai cũng hiểu.

Chị Phạm Thị Hoa - nhân viên Trạm đường ngang chắn phai đê km 338 + 387 đoạn thị trấn Đức Thọ thức trắng để đón 20 chuyến tàu chạy qua mỗi đêm.

Chị Phạm Thị Hoa - nhân viên Trạm đường ngang chắn phai đê km 338 + 387 đoạn thị trấn Đức Thọ thức trắng để đón 20 chuyến tàu chạy qua mỗi đêm.

18h45’, sau khi nhận tín hiệu trực ban báo, chị Phạm Thị Hoa chuẩn bị trang phục, đồ nghề, sẵn sàng đón chuyến tàu mới. Chiếc đèn trong tay, tiến thẳng ra sân trạm, chị quan sát hai bên và kéo tời chắn đường ngang, quay biển báo. Rồi nhanh chóng vào vị trí, chị xách cao đèn, phát tín hiệu an toàn cho tàu qua.

Đứng đón tàu cùng chị, mới nghe âm thanh vang lại từ xa, tôi đã thấy sợ. Như thấu hiểu, chị nhẹ nhàng trấn an: “Bình tĩnh. Tàu đến, em cứ đứng đúng vị trí như chị, không sao đâu”. Một phút sau, đoàn tàu dài xình xịch, ầm ầm nhanh chóng lướt qua 2 chị em. Chị giơ cao đèn hướng về phía tàu tới lúc nó đi qua và tiếp tục những thao tác quen thuộc cho xe cộ qua đường.

Tranh thủ nói chuyện trong lúc chờ tàu, chị kể: “Đặc thù công việc nên không có nhiều thời gian chăm sóc con cái. Nhưng may mắn 2 con đều chăm ngoan, học giỏi, chồng cùng nghề nên luôn động viên, chia sẻ. Đây chính là niềm hạnh phúc lớn nhất với tôi”.

Chị Hoa tâm niệm: “23 năm trong nghề, chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm mà nguyên nhân phần lớn do ý thức người dân, tôi luôn dặn lòng phải làm việc với tinh thần cao nhất. Người dân qua lại an toàn, những chuyến tàu qua trạm bình yên thì mình mới thanh thản”.

Đảm bảo an toàn cho mọi người, nhưng có khi chính người trong cuộc lại gặp nguy hiểm. “12h đêm rằm tháng 5/2010, sau khi đón tàu, tôi chạy sang hai bên mở chắn đường ngang. Bất chợt, chiếc ô tô chở gỗ lậu tông thẳng vào người lúc chạy trốn lực lượng kiểm lâm. Cú tông mạnh khiến 3 chiếc đèn trên tay cùng chiếc mũ bẹp dúm, tôi không nghĩ mình còn sống…”.

Gác cửa cho những chuyến tàu, các chị không chỉ đối mặt hiểm nguy mà còn nhận về mình nhiều thua thiệt. “Giờ con lớn rồi còn đỡ, lúc chưa đầy tuổi, chồng đi làm xa, tôi phải gửi con cho ông bà đi trực. Khổ nỗi, cháu không chịu ăn sữa ngoài, suốt đêm khóc vì đói, ông bà phải trùm chăn mang cháu ra trạm với mẹ trong đêm đông. Lúc ấy, tôi thương con mà chỉ biết khóc” - chị Hoa xúc động.

Cuộc nói chuyện thường xuyên bị gián đoạn bởi những cú điện thoại trực ban… Lúc tôi ra về cũng là thời điểm chị nhận tín hiệu và chuẩn bị đón chuyến tàu mới. Tiết trời nóng nực, những cơn gió lào không ngừng thổi và chị lại tiếp tục cuộc hành trình trong đêm. Thức trắng đêm cùng hàng chục đoàn tàu, dù mệt nhọc, vất vả nhưng chị luôn thấy ấm lòng…

Đọc thêm

Hà Tĩnh quan tâm giải quyết việc làm và sinh kế cho người khuyết tật

Hà Tĩnh quan tâm giải quyết việc làm và sinh kế cho người khuyết tật

Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội ở Hà Tĩnh đã quan tâm hỗ trợ sinh kế, đào tạo, giải quyết việc làm, tạo điều kiện để người khuyết tật có môi trường làm việc an toàn, thu nhập ổn định; giúp họ tự tin vươn lên, hoà nhập cộng đồng.
Những người mạnh dạn "rời công, sang tư"

Những người mạnh dạn "rời công, sang tư"

Thay đổi tư duy, nắm bắt xu hướng mới, nhiều lao động ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn chuyển đổi từ khu vực công sang khu vực tư để tìm kiếm việc làm phù hợp hơn với năng lực, sở trường.
Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

Các hoạt động đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đã được các cấp bộ Đoàn Hà Tĩnh triển khai sôi nổi, thúc đẩy ĐVTN làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Hai kỳ nghỉ lễ dài ngày trong tháng 4

Hai kỳ nghỉ lễ dài ngày trong tháng 4

Giỗ Tổ Hùng Vương và dịp 30/4-1/5 có ngày lễ rơi vào ngày làm việc bình thường nên công chức, người lao động được nghỉ liền kề, hoán đổi để có kỳ nghỉ dài 3-5 ngày.
Chở thuê cây cảnh, kiếm tiền triệu mỗi ngày

Chở thuê cây cảnh, kiếm tiền triệu mỗi ngày

Dịp cận tết, trên các tuyến phố ở TP Hà Tĩnh, những người làm nghề chở cây cảnh thuê vẫn đang miệt mài làm việc với hi vọng kiếm thêm thu nhập để gia đình có cái tết ấm cúng hơn.
Để tất cả người lao động Hà Tĩnh đều có Tết

Để tất cả người lao động Hà Tĩnh đều có Tết

Thực hiện kế hoạch chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp tết Nguyên đán, các cấp công đoàn ở Hà Tĩnh đồng loạt triển khai chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” 2025 với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.