Lao động vùng nông thôn Thạch Hà nỗ lực tìm kiếm việc làm tại địa phương

(Baohatinh.vn) - Nhiều lao động vùng nông thôn ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã đăng ký, tham gia các lớp đào tạo nghề để từ đó có thêm cơ hội phát triển, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống ngay trên quê hương mình.

Việc theo dõi nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn giúp xã Việt Tiến định hướng đúng nghề nghiệp cho người lao động.

Đầu năm 2022, qua kênh khảo sát của thôn, chị Phan Thị Hương - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tân Long (xã Việt Tiến) đăng ký học khóa đào tạo nghề nấu ăn.

“Ngoài công việc đồng áng, tranh thủ thời gian nông nhàn, tôi cùng 6 chị em trong chi hội thành lập tổ nấu ăn chuyên phục vụ cỗ bàn cho đám cưới. Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, tôi và các chị em quyết định tham gia học thêm lớp nấu ăn. Hy vọng, với những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị, chúng tôi sẽ chuyên nghiệp, tự tin hơn”, chị Hương chia sẻ.

Chị Đậu Thị Kim Cúc (người bên phải) đang khảo sát cơ hội việc làm của người dân qua Hội LHPN xã.

Chị Đậu Thị Kim Cúc - công chức phụ trách lĩnh vực LĐ-TB&XH của UBND xã Việt Tiến cho biết: "Sau khi có thông tin Khu công nghiệp VSIP và mới đây nhất là Nhà máy May mặc xuất khẩu Sunny Apparel Vina sẽ được xây dựng tại Cụm công nghiệp Phù Việt, nhu cầu học nghề của người dân trong xã tăng lên rõ rệt.

Ngoài tham gia các khóa đào tạo về may mặc công nghiệp, nhiều chị em đăng ký học nấu ăn với mong muốn tìm kiếm việc làm ổn định tại các khu công nghiệp, đảm nhận việc ăn uống hàng ngày cho công nhân. Bên cạnh đó, số khác có nguyện vọng học nghề xây dựng, phục vụ các công trình. Quá trình học nghề sẽ mở thêm cơ hội cho lao động trong xã nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống".

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào xã Việt Tiến đã mở ra cơ hội giải quyết việc làm cho nguồn nhân lực trên địa bàn.

Trong khi đó, vào quý 1/2022, nhiều chị em tại xã Thạch Đài đã quyết định ghi tên vào khóa đào tạo nghề thẩm mỹ như: kỹ thuật nối mi, spa, sơn sửa móng...

Theo chị Nguyễn Thị Thu Huyền - Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Đài, nhu cầu làm đẹp của phụ nữ ngày càng lớn. Nắm bắt được xu thế phát triển này, nhiều chị em, đặc biệt là lao động trẻ tuổi ở các địa phương ven thành phố Hà Tĩnh đã tham gia học các khóa chăm sóc sắc đẹp ngắn hạn. Hy vọng rằng, các khóa học sẽ giúp chị em rộng mở cơ hội việc làm tại các cơ sở thẩm mỹ.

Theo khảo sát của Phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà, các khóa đào tạo nghề mây tre đan hiện cũng đang được nhiều lao động quan tâm.

Qua khảo sát của Phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà, từ đầu năm 2022 đến nay, có gần 1.000 lao động trên địa bàn đăng ký học các khóa đào tạo ngắn hạn nghề mây tre đan, xây dựng, nấu ăn, kỹ thuật trồng hoa/cây cảnh, thẩm mỹ... Quý 1/2022, huyện giải quyết việc làm cho 1.349 lao động, trong đó, có 211 người vào làm việc tại doanh nghiệp, cụm công nghiệp; 36 người vào các HTX, tổ hợp tác; 255 người phát triển kinh tế hộ gia đình; 186 người tự tạo việc làm tại địa phương...

Ông Từ Hữu Yên - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà cho biết: “Tính từ đầu năm 2021 đến nay, huyện đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được 5 khóa đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân. Qua khảo sát cho thấy, năm nay, người lao động trên địa bàn có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến nghề thẩm mỹ, nghề nấu ăn... Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để bà con có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu về việc làm tại địa phương; đồng thời, tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh nhằm hỗ trợ, định hướng người dân tìm kiếm công việc phù hợp với năng lực của mình. Qua đó, không chỉ giúp lao động vùng nông thôn tìm được hướng đi mới để ổn định cuộc sống mà còn góp phần phát triển KT-XH của địa phương”.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói