Từ những gánh hàng rong
Cũng như bao đô thị khác trên cả nước, sự phát triển không ngừng của TP Hà Tĩnh trong những năm qua đã kéo theo một số lượng lớn lao động trong và ngoài tỉnh đến mưu sinh. Phần đa các lao động này có hoàn cảnh khó khăn, không được đào tạo nghề nên tìm đến những tuyến phố đông người với nhiều kế sinh nhai: bán hàng rong, dán xe máy, điện thoại, bán nước chè, rửa xe...
Một điểm buôn bán gia cầm trái phép tại đường 26/3 (phường Đại Nài). |
Chẳng phải tìm đâu xa, chỉ cần dạo một vòng dọc theo tuyến đường Phan Đình Phùng, bất kể ngày hay đêm cũng có thể gặp lỉnh kỉnh xe đẩy, hàng rong. Tập trung nhiều nhất là ở vỉa hè trước khu vực Trung tâm Thương mại BMC, tại đây, có ít nhất 3 quán nước chè, gần 10 người dán xe máy và 3 người bán các loại đồ chơi trẻ em. Nhiều năm nay, đã không ít lần các lực lượng chức năng thành phố ra quân xử lý với đủ mọi biện pháp nhưng rồi chỉ mấy ngày sau là mọi chuyện “đâu lại vào đấy”.
Khi được hỏi lý do vì sao lại “cố tình” vi phạm, Nam - có thâm niên gần 5 năm làm nghề dán xe máy, điện thoại, quê tận Hưng Yên tâm sự: “Quê em nghèo lắm, kinh tế gia đình đã khó khăn lại đông con nên mấy anh em chưa học hết THPT đã phải tha hương kiếm sống. Nghe mấy người gần nhà bảo vào đây dễ làm hơn nên em đi theo. Không có tiền thuê địa điểm, em mới phải đánh liều ra làm ở vỉa hè. Bị nhắc nhở, xử phạt, đẩy đuổi nhiều lần cũng cực thân lắm nhưng vì miếng cơm, manh áo nên vẫn cứ phải làm liều...”.
Chị Nguyễn Thị Thủy (xã Thạch Ngọc, Thạch Hà), thường xuyên chở gà đi bán ở TP Hà Tĩnh giãi bày: “Tôi lặn lội vượt hơn 10 cây số xuống thành phố để kiếm thêm đồng lãi nuôi con ăn học. Thế nhưng, nếu bán tại chợ gia cầm ở tận cuối con ngõ nhỏ ở phường Văn Yên thì chẳng ai vào mua. Bán rong dọc đường cũng chẳng sung sướng gì vì bị đẩy đuổi thường xuyên. Nhưng họ đuổi, mình chạy, họ đi, mình lại ra bán. Có cả hàng chục người chứ riêng mình đâu”.
Đến nỗi khổ những con đường
Cách đây hơn 10 năm, đường Ngô Đức Kế chính là cổng vào của chợ trung tâm TP Hà Tĩnh. Thế nhưng, khi chợ mới được xây, phần cổng này được thành phố thiết kế lại làm một tuyến đường chính (Ngô Đức Kế hiện nay).
Tuy nhiên, một số người dân buôn bán tại đây vẫn không chuyển vào chợ mới mà dùng chính mặt bằng cũ để kinh doanh. Thị trường càng sôi động, các hộ này càng tìm cách lấn chiếm, cơi nới để cửa hàng của mình có thêm nhiều diện tích.
Nhiều quán cà phê trên địa bàn TP Hà Tĩnh biến lòng, lề đường thành “bãi” đổ xe. |
Không chỉ lấn chiếm đường bằng lều bạt, 6 hộ dân ở đây còn “tự ý” đổ bê tông lên cả phần đường để làm mặt bằng kinh doanh các mặt hàng tổng hợp. Thời điểm đông khách, quán hàng đã lấn chiếm gần nửa con đường, người tham gia giao thông đành phải chen chúc trên một nửa phần đường còn lại. Khi người dân bức xúc phản ánh, đội trật tự đô thị thành phố ra quân, các cửa hàng lại lùi vào “lánh nạn”. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, bức tranh lộn xộn trên tuyến phố này lại trở về nguyên trạng.
Đường Nguyễn Công Trứ (đoạn từ ngã tư Phan Đình Phùng đến ngã tư Hải Thượng Lãn Ông) nhiều năm trời trong tình cảnh quy hoạch “treo” vì thiếu vốn, dường như đã được “nhắm mắt cho qua” cả những hành vi lấn chiếm lòng, lề đường. Vỉa hè tạm bợ đã trở thành phố “ăn sáng”, phố “đồ gỗ” với hàng chục hộ kinh doanh. Vào lúc cao điểm, trên tuyến phố chính của thành phố này, nhiều tay xế “toát mồ hôi hột” mới có thể điều khiển 2 xe ô tô tránh nhau.
Mặc dù UBND thành phố đã sớm ban hành quy định về cho thuê vỉa hè phục vụ hoạt động kinh doanh, nhưng trên nhiều tuyến phố, quy định phải dành 2 - 2,5m cho người đi bộ đã bị các chủ cửa hàng cố tình lờ đi. Đường Võ Liêm Sơn với dãy quán ăn sáng, cà-phê; đường Nguyễn Du đoạn giáp đường Trần Phú với dãy quán nhậu nối nhau hơn 1 km, đã không còn vỉa hè dành cho người đi bộ.
Điều đáng nói, “góp sức” làm “xộc xệch” những con đường bình yên của thành phố không chỉ là những cá nhân thiếu ý thức, chạy theo lợi nhuận mà còn có không ít cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Công ty bảo hiểm Bảo Việt, Hội Người mù tỉnh cho thuê mặt bằng kinh doanh các mặt hàng dịch vụ ăn uống, lấn chiếm lòng, lề đường; Chi cục Thú y với dãy hàng quán xập xệ ngay trước cổng ra vào...
Dường như ý thức giữ gìn trật tự, mỹ quan đô thị vẫn chưa thấm sâu vào chính một số tổ chức, cá nhân mang trách nhiệm là những công dân của thành phố trẻ.
Ông Hồ Thạch Sơn - Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết, một trong những hành vi sẽ gây ra không ít khó khăn cho quá trình thực hiện các quy hoạch về sau đó là việc vi phạm trật tự xây dựng. Việc sai phạm các nội dung về cấp phép xây dựng công trình nhà xảy ra khá phổ biến. Do tâm lý nể nang, dửng dưng của không ít hộ dân nên sự đấu tranh, tố giác đối với các hành vi vi phạm này còn hạn chế. Ngoài ra, năng lực thực thi công vụ của một số cán bộ làm công tác quản lý trật tự đô thị chưa cao nên những con số xử phạt chưa phản ánh hết thực trạng vi phạm trật tự quy hoạch - trật tự xây dựng trong thời gian qua. |