Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất đang được người dân Lộc Hà phấn khởi tiếp nhận và hứa hẹn có thêm nhiều mô hình cho hiệu quả. Ảnh tư liệu
Nhận thấy nhu cầu rau quả sạch, hoa tươi trên địa bàn khá lớn nên chị Trần Thu Hồng ở tổ dân phố Phú Mậu, thị trấn Lộc Hà đã có ý tưởng xây dựng hệ thống nhà màng để sản xuất. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất là nguồn kinh phí khá lớn (khoảng 500 triệu đồng/khu nhà màng 1.000 m2) nên chị chưa đủ vốn để triển khai.
Vì vậy, khi biết huyện có chính sách hỗ trợ xây dựng nhà màng (150.000 đồng/m2) chị Hồng đang khẩn trương chuẩn bị quỹ đất, hồ sơ thủ tục, học hỏi kỹ thuật… để sớm triển khai kế hoạch của mình. Theo tính toán, với 2 khu nhà màng 1.000 m2, chị có thể cung cấp đủ rau sạch cho hệ thống nhà hàng trong huyện, trong đó ở bãi biển Xuân Hải là chính. Chị cũng dự tính, sẽ sản xuất 1 vụ hoa tết để sau 18 tháng có thể hoàn vốn, sau đó sẽ bắt đầu thu lãi.
Được hỗ trợ 3 - 5 triệu đồng, người dân Hộ Độ phá bỏ công trình phụ xuống cấp, di dời đến vị trí phù hợp để đảm bảo vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan.
Tương tự, người dân ở các xã: Mai Phụ, Hồng Lộc, Hộ Độ... cũng đang phấn khởi tiếp nhận chính sách hỗ trợ mới của huyện để chỉnh trang khuôn viên vườn hộ gắn với dọn dẹp vệ sinh môi trường và làm đẹp cảnh quan.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, toàn huyện đã có gần 1.000 hộ di dời chuồng trâu, chuồng bò, công trình phụ và phá bỏ hố xí 1 ngăn, 2 ngăn để xây mới hố xí tự hoại. Thực hiện các hạng mục này, người dân đã được huyện hỗ trợ từ 3 - 5 triệu đồng/hộ/hạng mục.
Ngay sau khi các chính sách hỗ trợ của huyện có hiệu lực, nhiều hộ dân thôn Đại Lự, xã Hồng Lộc đã phá bỏ nhà vệ sinh 1 ngăn, 2 ngăn để làm hố xí tự hoại. (Ảnh tư liệu).
Để hỗ trợ trực tiếp cho người dân phát triển sản xuất, xây dựng NTM, làm sản phẩm OCOP… huyện Lộc Hà vừa ban hành nhiều chính sách khuyến khích và đang được người dân phấn khởi đón nhận như: hỗ trợ xây dựng vườn mẫu (5 triệu đồng/vườn); xây hàng rào thoáng (120.000 đồng/m dài); xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt (500.000 đồng/hộ).
Cùng đó là các chính sách hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm phục vụ sản xuất rau, củ, quả tập trung (không quá 30 triệu đồng/hộ); hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao (50 triệu đồng/sản phẩm), 4 sao (40 triệu đồng/sản phẩm), 3 sao (30 triệu đồng/sản phẩm); thuê đất, thuê cửa hàng, xây dựng, mua sắm dụng cụ trưng bày sản phẩm OCOP (30 triệu đồng/cửa hàng/năm)…
Với mong muốn có thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao, huyện Lộc Hà ban hành chính sách lớn cho các sản phẩm OCOP. Ảnh tư liệu.
Ngoài các chính sách hỗ trợ, để khuyến khích bà con phát triển sản xuất, chỉnh trang vườn hộ, bảo vệ môi trường, huyện Lộc Hà cũng tiếp tục có nhiều chính sách khuyến khích địa phương, đơn vị đẩy mạnh xây dựng NTM, xây dựng đô thị văn minh.
Theo đó, ngoài ngân sách cấp trên, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa thì huyện bố trí kinh phí hỗ trợ làm đường bê tông, đường nội đồng (từ 20 - 30% tổng kinh phí); cứng hóa kênh mương nội đồng, rãnh thoát nước trong các khu dân cư (20 - 25% tổng kinh phí); thảm nhựa mặt đường bê tông (55.000 đồng/m2)…
Được “tiếp sức”, xã Mai Phụ đã hoàn thành 5,3 km thảm nhựa mặt đường bê tông trục xã (phủ kín 100%), sắp tới sẽ tiếp tục làm thêm 1,7 km đường trục thôn.
Dù mới ban hành nhưng những chính sách này được các địa phương đón nhận tích cực, tạo ra “luồng gió mới” trong xây dựng NTM. Đây cũng là nguồn động lực để Lộc Hà hoàn thành mục tiêu cuối năm nay đạt chuẩn huyện NTM, có 1 xã đạt NTM kiểu mẫu, 2 xã NTM nâng cao...
Quy định tạm thời một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM, đô thị văn minh và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Lộc Hà giai đoạn 2021-2025 được HĐND huyện Lộc Hà thông qua tại Nghị quyết số 124/NQ-HĐND ngày 29/12/2020. Theo đó, tổng kinh phí để thực hiện các chính sách này khoảng gần 73 tỷ đồng, do ngân sách huyện đảm bảo. Cụ thể, ngoài nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa, huyện sẽ trích 9 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng vườn mẫu, khu dân cư mẫu; 6 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng hàng rào thoáng, chỉnh lý thông tin địa chính cho các hộ dân sau khi hiến đất; 11 tỷ đồng cho lĩnh vực vệ sinh môi trường; 10 tỷ đồng cho xây dựng nhà màng, làm hệ thống tưới tiết kiệm; 35 tỷ đồng làm giao thông nông thôn, gần 2 tỷ đồng để phát triển sản phẩm OCOP. |