Lộc Hà “tiếp sức” phát triển đàn vật nuôi

(Baohatinh.vn) - Người chăn nuôi ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang được hưởng lợi nhiều chính sách hỗ trợ để duy trì, phát triển đàn vật nuôi, qua đó giúp huyện từng bước tiến tới đạt mục tiêu đề ra vào năm 2025.

Lộc Hà “tiếp sức” phát triển đàn vật nuôi

Chính sách hỗ trợ của huyện Lộc Hà góp phần giúp 14 hộ nuôi bò lai ở xã Hồng Lộc duy trì, phát triển chăn nuôi.

Ông Hồ Sỹ Song ở thôn Thượng Phú (xã Hồng Lộc) là một trong 27 gia đình chăn nuôi bò lai được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Đề án thí điểm cải tạo và phát triển đàn bò trên địa bàn xã Hồng Lộc và Tân Lộc giai đoạn 2020 – 2023 của huyện Lộc Hà.

Theo đó, 3 năm qua, hộ chăn nuôi này đã được hỗ trợ gần 11 triệu đồng mua bò giống, trồng 2 sào cỏ, mua vi sinh, học tập khoa học kỹ thuật... Nhờ được “tiếp sức” nên từ việc nuôi 3 con bò nái, 5 con bò thịt, hiện nay, ông Song đã gây đàn lên 5 con nái, 10 con bò thịt, bình quân mỗi tháng cho thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng.

Lộc Hà “tiếp sức” phát triển đàn vật nuôi

Ông Hồ Sỹ Song và nhiều người chăn nuôi ở Hồng Lộc đang nuôi bò nái lai, nuôi nhốt, có sử dụng đệm lót sinh học.

Hồng Lộc và Tân Lộc là 2 địa phương có nhiều lợi thế để phát triển đàn bò nên huyện Lộc Hà đã lựa chọn làm thí điểm mô hình phát triển bò lai.

Thực hiện chương trình thí điểm đó, 27 hộ tham gia đã được thụ hưởng gần 377 triệu đồng để xây dựng 9 mô hình nuôi bò nái lai với 37 con, 18 mô hình nuôi bò thịt lai chất lượng cao với 59 con, phối giống 500 con bê lai, mua 3 máy băm cỏ, tập huấn cho 300 người, trồng thêm 12 ha cỏ và khoai làm thức ăn cho bò, tỷ lệ tiêm phòng hàng năm đạt từ 85 – 90%...

Lộc Hà “tiếp sức” phát triển đàn vật nuôi

Nhiều hộ dân ở xã Tân Lộc được hỗ trợ 300 nghìn đồng/sào để trồng cỏ voi làm thức ăn nuôi bò lai.

Chị Phạm Thị Loan – chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết: “Việc hưởng lợi chính sách hỗ trợ giúp người chăn nuôi ở Hồng Lộc và Tân Lộc duy trì sản xuất, chống chọi với những khó khăn do giá cả, dịch bệnh, thiếu nguồn lực và nhiều yếu tố khác. Đặc biệt, sau 3 năm, chất lượng đàn bò 2 xã ngày càng được cải thiện với tỷ lệ lai đạt 72% (cao hơn trước 10%), số lứa xuất chuồng tăng, tổng đàn tăng, tư duy chăn nuôi của người dân thay đổi, giá bán và lợi nhuận cao hơn, đàn bò lai đang được sinh trưởng và phát triển tốt...”.

Lộc Hà “tiếp sức” phát triển đàn vật nuôi

Tiêm phòng cho đàn bò ở thị trấn Lộc Hà.

“Qua thực hiện đề án thí điểm trên đàn bò lai ở Hồng Lộc và Tân Lộc cũng đã kịp thời định hướng, đưa ra giải pháp để ngành chăn nuôi bò của huyện Lộc Hà phát triển nhanh, bền vững, an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, nó cũng góp phần tạo tiền đề, nền tảng để hướng tới mục tiêu đến năm 2025 tổng đàn bò toàn huyện đạt khoảng 11.000 con, trong đó bò lai (3B, Brahman...) chiếm 70% tổng đàn, mỗi năm toàn huyện có 1.000 con bê lai ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo”, chị Loan chia sẻ thêm.

Lộc Hà “tiếp sức” phát triển đàn vật nuôi

Lộc Hà đang có nhiều chính sách khuyến khích chăn nuôi lợn quy mô nông hộ, theo hướng hữu cơ, sử dụng đệm lót sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Cùng với Đề án thí điểm cải tạo và phát triển đàn bò trên địa bàn xã Hồng Lộc và Tân Lộc giai đoạn 2020 – 2023, người chăn nuôi ở Lộc Hà cũng đã bố trí nhiều tỷ đồng và nhiều cơ chế hỗ trợ chăn nuôi theo Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng NTM trên địa bàn huyện Lộc Hà giai đoạn 2022 - 2025”.

Theo đó, ngoài đàn bò lai, huyện Lộc Hà đã “tiếp sức”, tạo động lực, khuyến khích phát triển đàn lợn nuôi theo hướng hữu cơ với mức hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ (mô hình từ 10 – 20 con), 35 triệu đồng/hộ (từ 30 con trở lên) để làm chuồng trại, mua giống, mua thức ăn...

Lộc Hà “tiếp sức” phát triển đàn vật nuôi

Người dân xã Mai Phụ được hỗ trợ 100% chi phí mua chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi.

Ngoài ra, huyện Lộc Hà cũng đã bố trí kinh phí để hỗ trợ cán bộ hợp đồng làm công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y 500 nghìn đồng/người/tháng (ngoài mức hỗ trợ của tỉnh); chi trả 100% kinh phí mua chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi nông hộ (mức 100 hộ/xã/năm); chi trả 100% kinh phí mua vật tư lấy mẫu xét nghiệm và xét nghiệm mẫu bệnh phẩm đối với một số dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm; chi trả 40% kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn (mỗi năm 2 liều/con)...

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Lê Hồng Cơ đánh giá: Các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trên địa bàn là rất cần thiết, góp phần quan trọng duy trì đàn vật nuôi và chủ động tái đàn khi thuận lợi (hiện đàn bò 10.260 con, lợn 9.840 con, gia cầm 280 nghìn con), đảm bảo kiểm soát an toàn dịch bệnh, ổn định sinh kế, tạo thu nhập cho người dân.

Chính sách cũng giúp Lộc Hà từng bước khắc phục những vấn đề tồn tại, tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích phát triển các trang trại, gia trai quy mô lớn ở những vùng đã có quy hoạch... hướng tới mục tiêu đến năm 2025 đàn bò đạt khoảng 11.000 con, đàn lợn đạt 15.500 con, đàn gia cầm đạt 415.000 con...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast