Tình trạng hoại tử da thường gặp sau khi tiêm thuốc nâng mũi.
Vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã xác nhận chị T.T.P.A (Bình Dương) tử vong do tai biến thẩm mỹ. Trước đó, chị T.T.P.A được phẫu thuật thẩm mỹ mũi tại cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; sau khi được tiền mê, bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở. Sau 20 phút thực hiện hồi sức, bệnh nhân ổn định nhịp tim và được theo dõi tại cơ sở sau 6 giờ. Tuy nhiên, chị A. không tỉnh lại nên được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu, lúc này bệnh nhân đã hôn mê sâu, ngưng hô hấp tuần hoàn và sau đó tử vong.
Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội) cũng vừa tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mất thị lực hoàn toàn mắt trái sau khi tiêm filler nâng mũi. Trước đó, ngày 2/4, bệnh nhân đã tiêm filler nâng mũi tại spa của người quen. Tiêm xong khoảng 10 phút, khi đang nắn chỉnh mũi, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nóng toàn bộ đầu, hoa mắt, chóng mặt, co giật, mắt trái không nhìn thấy gì nữa. Sau đó, bệnh nhân được chuyển cấp cứu tới bệnh viện huyện rồi về Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, sau đó chuyển đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức điều trị. Gần 1 tuần sau, sức khỏe bệnh nhân mới được cải thiện.
Ở Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, cũng đã có 10 người phải vào các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị do biến chứng của việc làm đẹp. Nhiều bệnh nhân có biến chứng nặng như: da nổi các cục hạch do tiêm thuốc không tan, nhiễm trùng da sau phẫu thuật, viêm da tiếp xúc, dị ứng thuốc và sản phẩm tại các cơ sở làm đẹp, da sưng tấy, mẩn đỏ…
Nhiều cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện hoạt động song lại quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội.
Chị P.T.N. (54 tuổi, huyện Hương Khê) cho biết: “Do thời gian gần đây xuất hiện nhiều nám trên da, môi khô, nên muốn được “tân trang” cải thiện sắc đẹp. Tôi tìm đến một spa gần nhà để làm đẹp, tại đây được tư vấn dùng các loại thuốc của chủ spa để làm căng môi, mịn da. Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc và thực hiện xăm môi được 1 ngày thì môi sưng tấy, xuất hiện các cục nhỏ li ti, đau nhiều, suốt cả tuần không ăn được gì nên phải tới Khoa Da liễu (BVĐK tỉnh) để khám, tư vấn và dùng thuốc”.
Tương tự, chị N.P.T. (TP Hà Tĩnh) cũng tiến hành điều trị nám da tại một spa trên địa bàn. Tại đây, chị được chủ spa điều trị bằng việc cho bôi kem và tiến hành đốt bằng laze, nhưng quá trình điều trị, mặt chị xuất hiện mẩn đỏ, sau khi đi khám tại bệnh viện thì được bác sỹ giải thích do dị ứng với mỹ phẩm.
Người dân cần lựa chọn các cơ sở làm đẹp có uy tín, đủ điều kiện hoạt động theo đúng quy định.
Bác sỹ Lê Viết Long - Phó Trưởng Khoa Da liễu (BVĐK tỉnh) cho biết: “Khi vào khoa khám, có nhiều trường hợp rất khó điều trị, khó lựa chọn thuốc, vì chúng tôi không biết loại thuốc mà spa sử dụng làm đẹp cho khách hàng trước đó. Những biến chứng này xảy ra chủ yếu do người thực hiện không có chuyên môn, không được đào tạo bài bản theo đúng quy định hoặc cơ sở thực hiện không có đủ điều kiện an toàn, vệ sinh vô khuẩn. Mặt khác, một bộ phận khách hàng ham rẻ, thích sự tiện lợi, nhanh chóng mà không tìm hiểu hoặc chịu khó tới các cơ sở đạt chuẩn để được khám kỹ lưỡng trước khi sử dụng dịch vụ thẩm mỹ”.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, khi đi làm đẹp, chị em cần tìm hiểu thông tin thật kỹ về cơ sở làm đẹp cho mình, chọn các cơ sở lớn có uy tín, có chuyên môn và được cấp phép hoặc đã có thông báo đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Hiện nay, việc quảng cáo về thẩm mỹ, làm đẹp diễn ra rất rầm rộ, tuy nhiên, đây chỉ là kênh thông tin chỉ có tính chất tham khảo, điều quan trọng nhất là người dân cần phải tìm hiểu thực tế.
Thanh tra Sở Y tế kiểm tra một số cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp trên địa bàn TP Hà Tĩnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế chưa cấp phép cho phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ ngoài công lập nào và cũng không có phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đang hoạt động. Có 37 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đã đăng ký thông báo đủ điều kiện hoạt động theo quy định.
Trên thực tế có một số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ ở một số địa phương hoạt động khi chưa đăng ký thông báo đủ điều kiện hoạt động theo quy định hoặc hoạt động vượt quá phạm vi hoạt động theo quy định. Các cơ sở này không chỉ dừng lại ở lĩnh vực chăm sóc da mà còn thực hiện các phẫu thuật thẩm mỹ có xâm lấn, dùng thuốc tê dạng tiêm như: nâng mũi, cắt mí mắt, tiêm filler, nâng ngực, tân trang vùng kín... Chính vì vậy, người dân khi có ý định đi làm đẹp, nhất là thực hiện các kỹ thuật có xâm lấn cần lựa chọn cơ sở có uy tín, đủ điều kiện hoạt động theo quy định, nhân viên có chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo theo quy định để được làm đẹp an toàn và chất lượng, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.