Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra đột xuất công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình giết mổ tại các cơ sở giết mổ, hoạt động kinh doanh tại các chợ trên địa bàn huyện Thạch Hà.
Trong đợt cao điểm kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, buôn bán gia súc dịp cuối năm, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, chính quyền các xã, thị trấn tại Lộc Hà đã phát hiện và lập biên bản xử phạt 7 trường hợp với số tiền 7 triệu đồng vì các trang thiết bị, dụng cụ, nước sử dụng không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y trong quá trình giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật.
Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Phan Văn Thanh cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất công tác giết mổ, kinh doanh sản phẩm thịt động vật; phát hiện, xử phạt nghiêm các trường hợp tự ý giết mổ phục vụ tiêu dùng tại gia mà không đưa vào lò mổ, không có dấu kiểm soát của cơ quan thú y”.
Huyện Lộc Hà kiểm tra thịt thành phẩm được bày bán tại các chợ dân sinh.
Từ nay đến ngày 29 tháng Chạp, các cơ sở giết mổ gia súc tại huyện Thạch Hà cũng vào đợt cao điểm phục vụ tết Nguyên đán. Vì thế, địa phương đang thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn.
Ông Trần Hậu Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà cho biết: “Thạch Hà có địa bàn rộng, nhiều lò mổ mang tính liên vùng nên địa phương đã sớm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện, đoàn liên ngành huyện, UBND các xã, thị trấn, lực lượng công an xã tổ chức kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh tại các chợ thường xuyên. Với sự tham mưu, chỉ đạo kịp thời, thời điểm này, tỉ lệ giết mổ tập trung của huyện những ngày cuối năm luôn đạt trên 95%”.
Đoàn liên ngành huyện Thạch Hà cũng ra quân kiểm tra tại các lò giết mổ tập trung trên địa bàn huyện.
Được biết, huyện còn tham mưu chỉ đạo ban quản lý các chợ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y kiểm tra tất cả các sản phẩm từ gia súc trước khi đưa vào chợ, kiên quyết không cho các sản phẩm gia súc không có dấu kiểm soát giết mổ vào chợ kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Hùng - chủ cơ sở giết mổ tập trung Thạch Tân (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) cho hay: “Lượng gia súc về lò đã đạt từ 55 - 65 con và dự kiến còn tăng lên trong những ngày tiếp theo. Huyện làm tốt công tác xóa bỏ các điểm giết mổ tại hộ gia đình không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định nên hoạt động của lò ổn định hơn”.
Cán bộ kiểm soát giết mổ kiểm tra chất lượng thịt, đóng dấu kiểm dịch trước khi xuất cho thương lái.
“Chúng tôi đảm bảo dây chuyền hoạt động liên tục vào cao điểm tết; nguồn nước, hóa chất khử trùng cũng được bố trí thường xuyên để xử lý vệ sinh, mùi hôi sau khi giết mổ gia súc. Dưới sự hướng dẫn của ngành chuyên môn, sau mỗi ca làm việc, tôi yêu cầu công nhân dọn dẹp khu vực giết mổ, thu gom rác thải; sau đó, xử lý vệ sinh nền và phần tường sạch sẽ mới kết thúc ca làm việc” - anh Hùng thông tin thêm.
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và đoàn công tác đã đi kiểm tra đột xuất công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình giết mổ tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn huyện Thạch Hà và TP Hà Tĩnh.
Nhìn chung, các địa phương đã quan tâm công tác giết mổ gia súc nên tỷ lệ gia súc giết mổ trong lò tập trung đạt cao. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác xóa bỏ các điểm giết mổ tại hộ gia đình không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Tuy nhiên, một số lò mổ vẫn còn tình trạng cơ sở xuống cấp, chưa đảm bảo công tác vệ sinh thú y, môi trường.
Lượng gia súc về các lò giết mổ tập trung ở các địa phương sẽ còn tăng cao trong những ngày tới.
Trưởng phòng Quản lý thú y (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) Hoàng Thị Ngọc Diệp cho biết : “Từ nay đến 29 tháng Chạp, lượng gia súc giết mổ sẽ còn tăng cao trong khi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan diện rộng. Do vậy, ngành chuyên môn đề nghị các địa phương cần tiếp tục theo dõi sát sao, quyết liệt ngăn chặn các hoạt động giết mổ gia súc tại hộ gia đình không đảm bảo theo quy định pháp luật; có trách nhiệm kiểm soát quy trình vận hành các lò giết mổ tập trung; quản lý chặt chẽ công tác đầu vào của gia súc, công tác vệ sinh môi trường tại các lò mổ.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra tất cả các sản phẩm từ gia súc trước khi đưa vào chợ, kiên quyết không cho các sản phẩm không có dấu kiểm dịch giết mổ vào chợ kinh doanh hay kinh doanh trôi nổi tại địa phương; tuyên truyền để người dân sử dụng sản phẩm động vật có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan thú y kiểm soát (có đóng dấu hoặc dán tem vệ sinh thú y trên thân thịt…)".