Anh Trần Văn Nam thực hiện kíp trực từ 21h đêm đến 9h sáng hôm sau có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các công đoạn kiểm dịch.
TP Hà Tĩnh hiện có 2 cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại xã Đồng Môn và phường Tân Giang với công suất trung bình đạt 50 - 60 con/ngày/lò.
Anh Trần Văn Nam - cán bộ kiểm dịch tại HTX Dịch vụ giết mổ gia súc tập trung Thạch Đồng thông tin: “TP Hà Tĩnh là nơi tiêu thụ lượng thịt gia súc (bò, lợn) đứng đầu toàn tỉnh. Kíp trực của tôi bắt đầu từ 21h đêm trước đến 9h sáng hôm sau, có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các bước kiểm dịch theo quy định. Sau giết mổ, cán bộ thú y kiểm tra thành phẩm thịt và lăn dấu, xuất biên lai thu phí kiểm soát giết mổ cho tiểu thương trước khi thịt được đưa ra tiêu thụ tại chợ. Đồng thời, hướng dẫn cơ sở vệ sinh sạch sẽ, tiến hành phun tiêu độc khử trùng loại mạnh 2 - 3 lần/tuần để thực hiện phòng, chống dịch bệnh”.
Nhu cầu tăng cao, nhiều lò mổ phải tăng công suất hoạt động.
Tại cơ sở giết mổ gia súc tập trung TP Hà Tĩnh, hiện nay, số lượng bò, lợn đến giết mổ đang tăng lên, trung bình đạt từ 23 - 25 con/đêm.
Ông Trương Hữu Hà - chủ cơ sở giết mổ gia súc tập trung TP Hà Tĩnh cho biết: “Gia súc được đưa vào lò mổ trước 6 tiếng và lưu lại không quá 48 tiếng để theo dõi sức khỏe, kiểm tra lâm sàng, nguồn gốc. Những con không có biểu hiện lạ, ốm, bệnh mới được đem đi giết mổ. Đặc biệt, đối với bò nhập từ ngoại tỉnh về, chúng tôi sẽ kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ, liên tục quan sát, theo dõi tình hình sức khỏe của con vật”.
Sau giết mổ, thịt được lăn dấu kiểm dịch để xuất đến các chợ dân sinh trên địa bàn.
Tại Cẩm Xuyên, tình hình dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp, vì thế, công tác kiểm soát dịch bệnh tại lò mổ được chủ cơ sở quan tâm hàng đầu.
Anh Hoàng Cu - chủ cơ sở giết mổ Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) cho biết: “Cơ sở mới đưa vào thực hiện quy trình giết mổ treo cho năng suất và hiệu quả cao hơn hình thức giết mổ truyền thống. Những ngày gần đây, lượng gia súc vào lò giết mổ tăng gấp đôi ngày thường, đạt 55 - 60 con/đêm. Gia súc nhập về được lưu lại, kiểm tra sức khỏe, giết mổ theo đúng quy trình”.
Được biết, trên địa bàn huyện có 5 lò mổ hoạt động với tỷ lệ gia súc đưa vào giết mổ tập trung đạt trên 95%. Cán bộ chuyên môn kiểm tra từ khâu nhập gia súc vào chuồng đến xuất thịt thành phẩm ra thị trường.
Để đảm bảo quy trình kiểm dịch, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương sẽ tăng cường giám sát, quản lý tại điểm giết mổ gia súc tập trung nhất là từ nay đến tết Nguyên đán
Ông Phan Thanh Nghị - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện, đoàn liên ngành huyện, UBND các xã, thị trấn, lực lượng công an xã tổ chức kiểm tra hằng ngày, đảm bảo 100% gia súc được đưa vào giết mổ tập trung; hỗ trợ các cơ sở giết mổ đảm bảo các điều kiện để phục vụ nhu cầu giết mổ tăng cao trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. Cùng đó là tham mưu chỉ đạo ban quản lý các chợ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y kiểm tra tất cả các sản phẩm từ gia súc trước khi đưa vào chợ, kiên quyết không cho các sản phẩm gia súc không có dấu kiểm soát giết mổ vào chợ kinh doanh”.
Nhu cầu tiêu dùng thịt gia súc tăng cao trong thời điểm trước tết Nguyên đán Nhâm dần.
Trong khi đó, tại Thạch Hà, với địa bàn rộng, các lò mổ tập trung mang yếu tố liên vùng, đòi hỏi công tác quản lý, kiểm soát giết mổ phải được thực hiện nghiêm từ cơ sở. "Xã Thạch Thắng có một lò mổ tập trung, phục vụ 4 xã vùng biển. Công suất mỗi ngày đêm đạt 20 con. Để đảm bảo VSATTP tại lò mổ, chúng tôi yêu cầu chủ lò phải ký cam kết về nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch, vệ sinh thú y… Đồng thời, xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt việc giết mổ; tuyên truyền vận động người dân đưa vào giết mổ tập trung”, ông Trần Bá Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Thắng cho biết.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 39 cơ sở giết mổ tập trung và 1 chợ buôn bán, giết mổ tập trung; 1 nhà máy chế biến sản phẩm gia súc. Gia súc và giết mổ tại lò mổ được kiểm soát theo quy định, bình quân tỷ lệ vào giết mổ đạt khoảng 70%.
Lò mổ tập trung ở Thạch Thắng (Thạch Hà) luôn yêu cầu đánh số thứ tự trên lợn để kiểm soát đầu vào
Để đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm dịp tết Nguyên đán, ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thực hiện các cuộc kiểm tra chấn chỉnh công tác giết mổ trên địa bàn, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh, giết mổ. Đồng thời, kiểm tra tất cả các sản phẩm từ gia súc, gia cầm trước khi đưa vào chợ, kiên quyết không cho các sản phẩm không có dấu kiểm dịch giết mổ vào chợ kinh doanh hay kinh doanh trôi nổi tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay, việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ trâu, bò, lợn đang tăng cao, trong khi, dịch bệnh trên gia súc còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, các địa phương cần phát huy trách nhiệm, tăng cường giám sát, quản lý tại điểm giết mổ gia súc tập trung. Theo đó, nghiêm cấm hành vi giết mổ nhỏ, lẻ tại gia đình và các cơ sở chưa được cấp phép; thành lập các đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm để tạo tính răn đe dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán.
Đồng thời, chủ cơ sở giết mổ có trách nhiệm phải tuân thủ các quy định về công tác kiểm dịch thú y, quy trình giết mổ để đảm bảo VSATTP để cung ứng sản phẩm thịt có chất lượng, an toàn ra thị trường. Đối với người tiêu dùng cần cẩn trọng trong mua bán, chỉ nên lựa chọn, sử dụng thịt gia súc có nguồn gốc tại chợ dân sinh, siêu thị, có dấu kiểm dịch, phiếu kiểm dịch,…