Mỏ đá gây ô nhiễm môi trường, uy hiếp nghĩa trang liệt sỹ!

Nhiều năm nay, 46 hộ dân xã Vượng Lộc khốn khổ vì sống chung với các mỏ đá cận kề. Những tiếng nổ vang dội núi rừng của mìn và âm thanh gầm rú từ máy nghiền đá không chỉ gây nguy hiểm cho đập Khe Trúc mà còn khiến thân nhân của 767 liệt sỹ an táng ở nghĩa trang liệt sỹ huyện Can Lộc (ngay cạnh mỏ đá) luôn âu lo, trăn trở...

“Đang sống yên lành tại xóm 14, tự nhiên “trời xui đất khiến” thế nào vợ chồng tôi lại chuyển đến đây. Bụi mù mịt và tiếng gầm rú từ những máy nghiền đã khổ nhưng “ngán” và sợ nhất là tiếng mìn nổ, đá bay vèo vèo...” - chị Nguyễn Thị Minh Hóa (xóm 15, xã Vượng Lộc) than thở.

Hoạt động của mỏ đá Ngọc Hải đang gây lo lắng cho người dân xã Vượng Lộc
Hoạt động của mỏ đá Ngọc Hải đang gây lo lắng cho người dân xã Vượng Lộc

Dù không “sát vách” mỏ đá như ngôi nhà của chị Hóa, nhưng nỗi khổ của vợ chồng anh Nguyễn Viết Hóa cũng chẳng kém. Chỉ tay về phía mỏ đá Ngọc Hải, anh Hóa ngán ngẩm: “Thật hết khổ khi sống ngay cạnh các mỏ đá. Thằng con lớn của tôi 5 tuổi suốt ngày thường trực chiếc khẩu trang như thể khu vực này đang bùng phát dịch bệnh về đường hô hấp. Lo nhất là đứa con mới 7 tháng tuổi. Mỗi lần nghe thông báo nổ mìn, mẹ nó lại ôm con đi lánh”…

Khu vực 46 hộ dân sinh sống thuộc xóm 15, xã Vượng Lộc có 3 mỏ đá cận kề: Hoàng Long Phát, Khe Cạn, Ngọc Hải. Mỏ Hoàng Long Phát và mỏ Khe Cạn đang trong thời kỳ san lấp mặt bằng và bóc đất phong hóa; mỏ Ngọc Hải đã đi vào hoạt động từ năm 2011. Điều đáng nói là mỏ Hoàng Long Phát đã hết thời hạn được cấp phép nhưng vẫn tiếp tục bóc đất phong hóa và rất gần với đập Khe Trúc; mỏ Ngọc Hải chỉ cách nghĩa trang liệt sỹ huyện Can Lộc khoảng 300m.

“Mỏ đá nằm ở xã Vượng Lộc nhưng nghĩa trang liệt sỹ lại thuộc địa bàn xã Thiên Lộc. Đá bay vào nhà dân là chuyện thường tình và doanh nghiệp đã phải đền “no”. Nhưng đáng nói nhất là anh linh các liệt sỹ không thể yên nghỉ - Phó Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc Võ Huy Thảo bức xúc.

Theo quan sát của chúng tôi, đế và thân tượng đài nghĩa trang liệt sỹ đã lộ ra rất nhiều vết nứt. “Không biết những vết nứt này là do tiếng động lớn của mìn hay vì thời gian” - bà Bùi Thị Mai, người quản trang băn khoăn.Không chỉ vậy, nhiều người dân chúng tôi tiếp xúc đều bày tỏ lo ngại về độ an toàn của đập Khe Trúc khi mỏ Hoàng Long Phát đi vào hoạt động.

Đập Khe Trúc có trữ lượng 2 triệu m3 nước, cung cấp nước sạch cho hàng trăm hộ dân. Đập có chiều dài 400m được khởi công vào năm 2009, hoàn thành vào năm 2011 với tổng số vốn đầu tư 43 tỷ đồng. Theo ông Bùi Huy Cường - Trưởng ban A huyện Can Lộc, thì: “Đập được xây dựng trước thời điểm các mỏ đá hoạt động. Với việc bóc đất phong hóa, khu vực rừng đầu nguồn bị “cạo trọc” sẽ ảnh hưởng đến hồ nước sinh hoạt”.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Đặng Trần Phong phân trần: “Phải khẳng định là công tác đánh giá tác động môi trường chưa kỹ. Việc giám sát quy trình nổ mìn là thẩm quyền của các ngành chức năng nhưng thực tế lượng thuốc nổ nhiều hay ít thì chẳng ai biết. Huyện cũng có lỗi trong việc này. Các mỏ đá được cấp phép và hoạt động ngay cạnh nghĩa trang liệt sỹ là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, để thay đổi mọi việc, chúng tôi không thể đơn phương làm được”.

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.