Mỏ đá nhiều "tai tiếng", dân bức xúc đề nghị đóng cửa!

(Baohatinh.vn) - Ngay khi mới được cấp phép, mỏ đá ở khu vực núi Nam Giới thuộc xã Thạch Bàn (Thạch Hà) của Công ty CP Xây dựng I Hà Tĩnh đã có những ý kiến băn khoăn, phản đối. Và từ nhiều năm qua, hoạt động của mỏ đá này luôn gây ra nhiều bàn cãi, đến nay vẫn chưa có hồi kết...

mo da nhieu tai tieng dan buc xuc de nghi dong cua

Những cánh rừng màu xanh mát đã được phá bỏ để khai thác đá, khiến cho một góc của núi Nam Giới trở nên nham nhở.

Ngay khi mới đi vào hoạt động, người dân ở các xã lân cận thuộc huyện Thạch Hà và Lộc Hà đã có nhiều ý kiến phản đối, đề đạt nguyện vọng xem xét đóng cửa mỏ vì ở đây thường xuyên nổ mìn với số lượng lớn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến di tích đền Lê Khôi, vi phạm đất rừng phòng hộ và một số nội dung khác.

Mới đây, trong một buổi làm việc có liên quan đến nội dung này, ông Trần Việt Hà - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: “Người dân xã Thạch Bàn thường xuyên phản ánh, bày tỏ bức xúc trước tình trạng khai thác đá tại núi Nam Giới. Mặc dù chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng vào cuộc nhưng tình trạng này chưa được giải quyết dứt điểm”.

Việc cấp phép và hoạt động của khu mỏ cũng gây ra nhiều tranh cãi giữa các cơ quan chức năng, nhất là việc cấp phép mở rộng mỏ được thực hiện vào tháng 4/2011 có một phần chồng lấn lên diện tích rừng phòng hộ. Trong khi cơ quan cấp phép là Sở TN&MT cho rằng, khu vực mỏ không có rừng phòng hộ thì ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm lại khẳng định: “Theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng, vào thời điểm 2011, trong số hơn 7 ha đất mỏ được cấp thêm thì có 2,4 ha là rừng phòng hộ. Mặt khác, vừa rồi, qua kiểm tra thực tế tại 2,9 ha còn lại (diện tích chưa bị bóc phong hóa) thì có 0,3 ha rừng bạch đàn, số diện tích còn lại chỉ có cây, thực bì. Bằng các biện pháp chuyên môn, chúng tôi đã dựng lại hiện trường và khẳng định, trên phần diện tích 2,9 ha chưa bóc phong hóa này có khoảng 1,26 ha là rừng vào thời điểm năm 2011”.

mo da nhieu tai tieng dan buc xuc de nghi dong cua

Toàn bộ khu vực đặt dây chuyền sản xuất, bãi tập kết đều nằm trên diện tích lấn chiếm bất hợp pháp.

Liên quan đến mỏ đá này, trong quá trình hoạt động, Công ty CP Xây dựng I đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, xử phạt một số lần. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong hợp đồng thuê đất số 39 ngày 17/7/2009, doanh nghiệp (DN) này chỉ được thuê 28.000 m2 để xây dựng khu chế biến đá xây dựng nhưng thực tế tổng diện tích mà công ty này đang bao chiếm, sử dụng lên tới hơn 75.896 m2. Dù cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính và yêu cầu chấm dứt, khắc phục nhưng xem ra DN không hề bận tâm, đất vẫn bị lấn chiếm trái phép, việc chấn chỉnh chưa hề được thực hiện, ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng không được thực thi...

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện đã có thêm lý do để đóng cửa khu mỏ này khi ngày 20/5/2016, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường quốc phòng ven biển đoạn từ khu tái định cư số 2 xã Thạch Bàn đến Trạm Biên phòng Cửa Sót (có đi qua khu vực mỏ) với tổng mức đầu tư gần 90 tỷ đồng, dự kiến sẽ thực hiện từ nay đến năm 2018. Khi tuyến đường này triển khai thi công và đưa vào khai thác thì việc đóng cửa mỏ là bắt buộc, không cần bàn cãi, bởi hoạt động khai thác mỏ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông trên tuyến đường. Mặt khác, khoảng cách từ mép mỏ đến đường không đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định (hiện nơi gần nhất chỉ khoảng 5m), việc dịch chuyển mỏ vào sâu trong núi là không khả thi.

Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy, trên địa bàn tỉnh ta hiện nay không có nhiều nhu cầu về đá xây dựng do các công trình, dự án lớn đã đi vào giai đoạn cuối. Số lượng mỏ đá hiện có đang thừa khả năng cung cấp cho thị trường nên việc quy hoạch lại hệ thống mỏ đá là điều sẽ phải thực hiện trong thời gian không xa.

Mỏ đá núi Nam Giới được UBND tỉnh cấp cho Công ty CP Xây dựng I lần đầu theo Giấy phép số 2536 ngày 8/12/2008 với diện tích 7,3 ha và được khai thác trong 5 năm. Đến tháng 4/2011, DN được cấp phép lần 2 và điều chỉnh tổng diện tích lên 14,3 ha và thời hạn khai thác 20 năm. Tiếp đó, đến tháng 4/2014, UBND tỉnh lại có quyết định cho phép nâng công suất khai thác từ 250 ngàn m3/năm lên 420 m3/năm và thời gian rút ngắn xuống còn 15 năm.

Đọc thêm

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Hai năm liền đứng đầu về chỉ số DDCI, thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng cho thấy TX Hồng Lĩnh đang vững bước trên hành trình trở thành đô thị hạt nhân phía Bắc Hà Tĩnh.
Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chỉ còn hơn 6 tháng trước mốc thời gian hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh nên thời gian này, các chủ đầu tư tăng cường chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.