Mở hướng phát triển kinh tế từ cây tràm năm gân

(Baohatinh.vn) - Tận dụng vùng đất bán sơn địa ở thôn Hưng Hòa, xã Nam Điền (Thạch Hà, Hà Tĩnh), ông Lê Tiến Sơn - Giám đốc HTX Tinh dầu dược liệu Hoa Đà đã xây dựng thành công mô hình sản xuất và chế biến tinh dầu tràm năm gân.

Mở hướng phát triển kinh tế từ cây tràm năm gân

HTX Tinh dầu dược liệu Hoa Đà đang trồng hơn 10 ha tràm năm gân.

Trao đổi với chúng tôi về cơ duyên đến với cây tràm năm gân, ông Lê Tiến Sơn - Giám đốc HTX Tinh dầu dược liệu Hoa Đà cho biết: "Qua tìm hiểu thực tế về lợi ích cây tràm năm gân mang lại ở các tỉnh bạn, tôi nhận thấy đây là cây dược liệu quý, sử dụng đơn giản và hiệu quả để chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, cây rất phù hợp với đất đai và điều kiện tự nhiên của địa phương.

Với những lợi thế đó, đầu năm 2021, HTX đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để san ủi mặt bằng, mua cây giống về trồng thử nghiệm hơn 10 ha tại thôn Hưng Hòa, xã Nam Điền. Qua gần 2 năm trồng, đến nay, cây phát triển đều, xanh tốt và đã cho thu hoạch nguyên liệu".

Mở hướng phát triển kinh tế từ cây tràm năm gân

Ông Lê Tiến Sơn - Giám đốc HTX Tinh dầu dược liệu Hoa Đà chia sẻ về quá trình trồng cây tràm năm gân.

Chia sẻ về quá trình trồng cây tràm năm gân, ông Lê Tiến Sơn cho hay, giống tràm năm gân là giống tràm mới, được du nhập, chọn giống và lai tạo từ giống tràm của Úc. Đây là giống tràm có 5 sọc gân ở trên lá, cho hương thơm nồng, hàm lượng tinh dầu cũng cao hơn so với giống tràm gió địa phương. Đặc biệt, cây sống khỏe ở trên các loại đất thịt, đất đồi, vùng ngập nước và cả trên những vùng đất đồi khô hạn, khí hậu khắc nghiệt.

Mở hướng phát triển kinh tế từ cây tràm năm gân

Công nhân HTX Tinh dầu dược liệu Hoa Đà đang thu hoạch tràm năm gân.

Tuổi thọ của cây tràm năm gân lên đến trên 20 năm. Kỹ thuật trồng cũng đơn giản, chỉ cần đào hố, bón lót bằng phân chuồng và phân NPK, sau đó trồng cây giống, phủ bạt để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại; mật độ trồng từ 10.000 - 15.000 cây/ha.

Mở hướng phát triển kinh tế từ cây tràm năm gân

Nhờ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên các diện tích tràm năm gân của ông Sơn phát triển tốt.

Cũng theo ông Sơn, nếu trồng và chăm sóc tốt, cây có thể đạt chiều cao trung bình từ 2 - 3m, lá nhiều, hàm lượng tinh dầu cao. Để chưng cất tinh dầu, khi cây đạt chiều cao trung bình từ 1 - 1,5m thì bắt đầu thu hoạch lá. Bình quân mỗi năm, 1 ha cây tràm năm gân cho thu hoạch 10 tấn nguyên liệu thô.

Mở hướng phát triển kinh tế từ cây tràm năm gân

Tràm năm gân sau khi thu hoạch về sẽ được công nhân bó lại cẩn thận trước khi đem vào chiết xuất tinh dầu.

Không dừng lại ở việc trồng nguyên liệu, để có sản phẩm tinh dầu tràm năm gân đạt chất lượng, có thể xuất khẩu ra nước ngoài, HTX Tinh dầu dược liệu Hoa Đà đã đầu tư thêm 250 triệu đồng để mua sắm máy móc phục vụ chiết xuất tinh dầu.

Ông Sơn cho biết: “Hiện tại, 1 tấn nguyên liệu tràm năm gân sẽ chiết xuất được khoảng 13 kg tinh dầu; 1 kg tinh dầu được cơ sở bán với giá từ 1 - 1,2 triệu đồng tuỳ vào từng thời điểm. Như vậy, mỗi ha tràm năm gân sẽ cho thu nhập khoảng từ 130 - 150 triệu đồng. Nhờ đảm bảo các quy trình chiết xuất theo đúng kỹ thuật nên sản phẩm tinh dầu của HTX rất được thị trường nước ngoài tin tưởng thu mua, như Trung Quốc và Ấn Độ”.

Mở hướng phát triển kinh tế từ cây tràm năm gân

Công nhân thực hiện công đoạn chiết xuất tinh dầu tràm năm gân.

Với những thành công bước đầu này, cây tràm năm gân đã dần khẳng định được sức sống tại vùng đất bán sơn địa ở Hà Tĩnh. Được biết, ngoài tràm năm gân, hiện tại, HTX của ông Sơn đang trồng thêm 2 ha tràm trà và 2 ha sả để đa dạng sản phẩm tinh dầu, phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Mở hướng phát triển kinh tế từ cây tràm năm gân

Ngoài tràm năm gân, hiện tại, HTX của ông Sơn đang trồng thêm 2 ha tràm trà và 2 ha sả để đa dạng sản phẩm tinh dầu. (Trong ảnh: Ông Lê Tiến Kim - Phó Giám đốc HTX Tinh dầu dược liệu Hoa Đà kiểm tra diện tích tràm trà).

Ông Sơn cho biết: “Các loại cây dược liệu như: sả, tràm trà, tràm năm gân đều là loại cây dễ trồng, chi phí sản xuất không cao, lại tốn ít công chăm sóc nên hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt so với nhiều loại cây trồng khác. Những loại cây này chúng tôi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên rất an toàn, các sản phẩm tinh dầu được thị trường đón nhận”.

Các diện tích sả, tràm phát triển xanh tốt, cho nguồn nguyên liệu dồi dào; sản phẩm tinh dầu tiêu thụ ổn định đã giúp cho HTX Tinh dầu dược liệu Hoa Đà có điều kiện mở rộng quy mô trong thời gian tới. Đặc biệt, hiện tại, HTX đang giải quyết việc làm cho gần 30 lao động với mức lương từ 6 - 12 triệu đồng/tháng.

Mở hướng phát triển kinh tế từ cây tràm năm gân

Nhờ đảm bảo các quy trình chiết xuất theo đúng kỹ thuật nên sản phẩm tinh dầu của HTX được thị trường nước ngoài tin tưởng thu mua.

Chị Nguyễn Thị Nhung - công nhân làm việc tại HTX Tinh dầu dược liệu Hoa Đà cho biết: “Tôi gắn bó với HTX đã được hơn 1 năm nay, công việc của tôi chủ yếu là chăm sóc và thu hoạch lá tràm. Mỗi tháng, tôi nhận được hơn 6 triệu đồng tiền lương, công việc khá dễ làm, lại gần nhà nên không chỉ tôi mà hầu hết các công nhân ở đây đều rất yên tâm làm việc”.

Ông Hoàng Hữu Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Điền đánh giá: “Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, ông Lê Tiến Sơn đã có cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế. Mô hình trồng và chế biến tinh dầu tràm của ông không chỉ đem lại nguồn thu lớn cho gia đình mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động các gia đình có diện tích đất lâm nghiệp rộng đến tham quan, học hỏi để phát triển kinh tế”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.