Cán bộ thôn dẫn lối “đổi đời” từ trồng cây dược liệu

(Baohatinh.vn) - Ông Trần Văn Đàn - Bí thư Chi bộ thôn Cao Thắng, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã tiên phong thử nghiệm và vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển vùng trồng cây dược liệu.

Thời điểm này, những cánh đồng cây kim tiền thảo ở thôn Cao Thắng (xã Thạch Thắng) đã sum suê, rậm rạp, tỏa hương thơm. Nhớ lại hồi đầu năm, để có được cánh đồng này, ông Trần Văn Đàn (67 tuổi) - Bí thư Chi bộ thôn Cao Thắng và bà con trong thôn đã rất vất vả, từ việc quyết tâm lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới đến việc dày công chăm sóc, theo dõi để cây “bén” đất.

Cán bộ thôn dẫn lối “đổi đời” từ trồng cây dược liệu

Ông Trần Văn Đàn - Bí thư Chi bộ thôn Cao Thắng, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà.

Ông Đàn chia sẻ: “Sau khi chính quyền địa phương chủ trương triển khai mô hình liên kết với doanh nghiệp trồng cây dược liệu kim tiền thảo, tôi đã tìm hiểu về loài cây này. Đây là cây thuốc nam lành tính, giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất ở thôn Cao Thắng, tôi kỳ vọng hướng đi đột phá này lắm. Chỉ ngặt nỗi, đây là loài trồng mới, người dân ở đây chưa bao giờ sản xuất nên tâm lý bà con số e ngại, có số cũng không tin tưởng. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ, mình phải mạnh dạn làm trước, thấy thuận lợi chắc chắn bà con sẽ theo”.

Tháng 2/2023, ông Đàn bắt tay cải tạo đất để triển khai mô hình. Trên diện tích hơn 2 sào, ông đầu tư gần 2 triệu đồng thuê máy móc, nhân công cày bừa mặt bằng, tạo luống. “Thời gian đầu rất áp lực. Mùa đầu tiên, thời tiết bất lợi, nhiều luống cây phải trồng lại nhiều lần. Hơn nữa, cây kim tiền thảo lần đầu được thử nghiệm trên địa bàn nên tôi chưa có kinh nghiệm gì. Lúc đó, tôi cũng lo lắm nhưng với tinh thần quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập cho toàn thôn, mình càng phải cố gắng để khích lệ tinh thần cho Nhân dân", ông Đàn nhớ lại.

Cán bộ thôn dẫn lối “đổi đời” từ trồng cây dược liệu

Ông Đàn kiểm tra quá trình sinh trưởng và phát triển của đồng cây dược liệu.

Vừa làm, vừa học, khi cây kim tiền thảo bắt đầu “chịu” đất, ông Đàn “cầm tay chỉ việc” cho 24 hộ dân trong thôn Cao Thắng cùng trồng. Gần như ngày nào ông cũng có mặt trên những luống cây từ khi mới chớm mầm đến lúc cây phát triển sum suê. Vừa hướng dẫn quy trình kỹ thuật, ông vừa động viên bà con không bỏ cuộc. Tới nay, diện tích trồng cây dược liệu của thôn đã lên tới 1,2 ha.

“Nhà nông phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc, tiêu chuẩn kỹ thuật như: không dùng thuốc trừ sâu, chất kích thích để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của nguồn dược liệu. Đây cũng là thách thức đối với người dân khi phải thay đổi tập quán canh tác” - ông Đàn bộc bạch.

Sau 3 tháng chăm sóc, vùng trồng kim tiền thảo sinh trưởng và phát triển đồng đều, ít sâu bệnh bệnh, bà con cũng dần tin tưởng vào loại cây trồng mới.

Cán bộ thôn dẫn lối “đổi đời” từ trồng cây dược liệu

Vùng trồng cây dược liệu kim tiền thảo bước đầu phát triển tốt.

Theo ông Đàn, cây kim tiền thảo thích hợp điều kiện nóng ẩm hoặc ẩm mát; đất ít chua, thoát nước. Cây ưa sáng, tái sinh hạt, chồi gốc, chồi thân, chồi cành đều khỏe. Khác với trồng lúa, cây dược liệu có chu kỳ sinh trưởng ngắn (thường thời vụ xuống giống khoảng vào tháng 2 hằng năm, sau 3 tháng là cho thu hoạch).

Đặc biệt, mỗi năm, bà con nông dân chỉ cần gieo giống 1 lần và cho thu hoạch 3 lứa. Theo đó, sau vụ thu hoạch đầu tiên, người dân sẽ tiếp tục làm cỏ, chăm bón và 1 tháng sau sẽ thu hoạch tiếp lần hai, 2 tháng sau sẽ thu hoạch tiếp lần ba. Theo tính toán, đầu tư ban đầu không lớn, trong khi năng suất đạt khá, khoảng 3 tạ/sào/lứa. Với diện tích 1,2 ha, cây kim tiền thảo cho năng suất trên 21 tấn lá/năm, thu về gần 350 triệu đồng/năm.

Vùng trồng cây dược liệu của bà con nông dân thôn Cao Thắng liên kết với Công ty CP Dược Hà Tĩnh nhằm xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho bà con cuối vụ. Đặc biệt, mô hình không sử dụng thuốc trừ sâu và các loại phân bón hóa học nên an toàn cho người sản xuất.

Cán bộ thôn dẫn lối “đổi đời” từ trồng cây dược liệu

Khu vực trồng 1,2 ha diện tích cây kim tiền thảo tại thôn Cao Thắng, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà.

Trong quá trình triển khai, xã Thạch Thắng hỗ trợ xây dựng 400m đường bê tông, 120m kênh tưới tiêu, hàng rào bao quanh; hỗ trợ 100.000 đồng/sào tiền công cày bừa và hỗ trợ giống cây cho bà con nông dân.

Bà Nguyễn Thị Xuân - thành viên tham gia mô hình cho hay: “Trồng cây kim tiền thảo chi phí đầu tư thấp, chỉ cần chịu khó chăm sóc. Tính ra công thì nhiều nhưng việc nhẹ, ai cũng làm được. Hiện tôi bước vào công đoạn chăm sóc cuối cùng, hơn 1 tháng nữa là thu hoạch. Với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật và động viên của bác Đàn, tôi rất tin tưởng và hi vọng cây kim tiền thảo sẽ là hướng đi mới giúp bà con tăng thu nhập".

Cán bộ thôn dẫn lối “đổi đời” từ trồng cây dược liệu

Ông Đàn cùng bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, chăm sóc để cây phát triển tốt.

Với sự nỗ lực, bước đầu, ông Đàn cùng 24 hộ dân đã xây dựng được mô hình trồng cây dược liệu kim tiền thảo. Dự kiến tháng 6/2023, mô hình sẽ cho thu hoạch. Sản phẩm sẽ được doanh nghiệp bao tiêu, thu mua với giá 16.000 đồng/kg khô.

“Ngoài tập trung chăm sóc, chuẩn bị thu hoạch vụ đầu tiên, chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô diện tích, trồng thêm cây trồng mới như: cây diệp hạ châu. Qua đó, không chỉ nâng cao thu nhập, tạo đà cho người dân yên tâm phát triển sản xuất mà còn góp phần thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng nguồn nguyên liệu dược liệu sạch, uy tín, chất lượng" - ông Đàn chia sẻ thêm.

Ông Trần Văn Đàn là một trong những nhân tố tiêu biểu, góp phần cùng chính quyền xã thực hiện chủ trương hình thành vùng trồng cây dược liệu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó, giúp bà con nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống. Thời gian tới, chính quyền địa phương cùng với doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng bà con nông dân phát triển bền vững cây dược liệu trên địa bàn.

Ông Trần Bá Từ

Chủ tịch UBND xã Thạch Thắng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.