Một vùng duyên hải Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Bằng thủ pháp nghệ thuật điểm xuyết chấm phá, đấng tạo hóa điểm thêm lên miền duyên hải Kỳ Anh (Hà Tĩnh) những điểm nhấn thẩm mỹ say đắm lòng người...

Từ thuở khai thiên lập địa, tạo hóa đã xây nên một dải Trường Sơn tạc dáng hình Tổ quốc kỳ vĩ, uy nghi, vững chãi. Trên dặm dài điệp trùng những đại ngàn vực thẳm non cao, khi đi qua xứ sở này - dường như với bàn tay rất tài hoa của tâm hồn rất nghệ sĩ, Trường Sơn đã sắp đặt nên một bức tranh khiến cho mọi ngôn ngữ đành bất lực trước vẻ đẹp diệu kỳ của phong thủy Kỳ Anh.

bqbht_br_76d2091147t70768l0-2.jpg
Hoành Sơn Quan được vua Minh Mệnh cho xây vào năm 1833 để kiểm soát việc qua Đèo Ngang. Ảnh: Huy Tùng

Cả một vùng núi non, duyên hải rộng lớn, Kỳ Anh được ôm trọn trong vòng tay lực lưỡng của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Phía Bắc là dãy núi Voi điệp trùng như đàn voi khổng lồ từ đại hùng sơn lừng lững đi về phía biển rồi bâng khuâng đứng lại suốt cả triệu triệu năm nghe sóng vỗ triền miên trắng xóa mặt ghềnh.

Hằng năm vào độ nắng ấm xuân sang, những con chim cu kỳ to khỏe từ đại ngàn Trường Sơn chắp cánh bay về, đáp xuống bãi Cu Kỳ và khi chớm lạnh, chim cu kỳ mới thảng thốt kêu lời giã từ biển cả trở về với đại ngàn, lưu luyến hẹn mùa sau gặp lại. Không lý giải được vì sao các loài chim di trú thì từ phương Bắc bay đến mà chim cu kỳ lại từ phía Tây Trường Sơn xa thẳm bay về! Có phải thuở rất xa xưa, khi đàn voi Trường Sơn ra biển dường như đã mang theo lời nguyền bí mật thiêng liêng của rừng già nên hằng năm loài chim cu kỳ thủy chung cứ bay về kiếm tìm. Mãi đến khi đàn voi đã hóa thành đá núi và niêm phong vĩnh cửu cả những điều bí mật kia vào lòng đá thì chim cu kỳ vẫn cứ mải miết đi về tìm kiếm không thôi.

Nếu phía Bắc, dãy núi Voi cánh tay lực lưỡng giăng lũy giăng thành thì phía Nam - dải Hoành Sơn như cánh tay khổng lồ của dãy Trường Sơn. Hai dãy núi kỳ vĩ tạo nên thế “voi chầu hổ phục”, dãy núi Voi và dãy Hoành Sơn ôm trọn lấy Kỳ Anh trong một vòng tay.

bqbht_br_76d2111118t6808l1-127d2111847t60040l0-1.jpg
Phường Kỳ Nam (TX Kỳ Anh) từ góc nhìn Đèo Ngang.

Văn sách nói nhiều về kỳ quan Hoành Sơn - Đèo Ngang, gợi cảm hứng cho bao thế hệ thi nhân làm thơ để thơ Kỳ Anh đã hòa cùng hồn thơ non nước. Hoành Sơn cùng con sông Xích Mộ tạo nên thế hiểm “thành cao hào sâu” cực kỳ hiểm trở. Hoành Sơn - Xích Mộ còn là bức tranh thiên nhiên độc đáo với không gian ba chiều nhuốm sắc màu huyền thoại. Hoành Sơn - Xích Mộ sánh đôi hẹn nhau cùng chạy ra Mũi Độc rồi giao hòa với biển rộng. Biển đã có ý chờ đợi từ thuở “đẻ đất đẻ nước” nên ngày đêm sơn hải quấn quyện vào nhau trong điệp trùng tiếng sóng ập òa âm vang hơi thở thần thánh.

Nơi đây có:

“Thăm thẳm trại quân khống chế bờ cõi

Kèn trận thổi vang cả sóng biển”

(Ngô Thì Nhậm)

Lại có:

“Cỏ cây chen đá lá chen hoa”

(Bà Huyện Thanh Quan)

Và kia:

“Cát trắng mênh mông, mây trắng sôi

Ngàn xanh thăm thẳm, bể xanh trôi”

(Phạm Quý Thích)

Mọi cảnh vật nơi đây đều có linh hồn. Chỉ với một hòn đá Hoành Sơn thôi cũng đủ cho cụ Cao Bá Quát cảm khái mà đề nên mấy câu thơ bất tử:

Sớm đứng ngọn Hoành Sơn

Chiều tắm khe Bàn Thạch

Nhặt đá cầm trong tay

Non sông chưa đầy vốc”

Tự bao đời, Hoành Sơn hiện thân của thi ca nhạc họa là vậy. Phong thủy Kỳ Anh được bao bọc bởi triền Tây là dãy Trường Sơn, mạn Bắc là dãy núi Voi, phía Nam là dãy Hoành Sơn. Ba mặt núi ôm lấy một vùng duyên hải thơ mộng và cùng hướng ra biển cả.

Bằng thủ pháp nghệ thuật điểm xuyết chấm phá, đấng tạo hóa điểm thêm lên miền duyên hải Kỳ Anh những điểm nhấn thẩm mỹ đẹp say đắm hồn người. Ôm lấy dải đồng bằng duyên hải là những đường riềm núi non khắc chạm nhấp nhô lên nền trời vời vợi tạo nét huyền thoại cho giang sơn Kỳ Anh mỗi thời khắc trong ngày đổi thay một màu áo, buổi sáng màu xanh biếc, buổi chiều sẫm xanh màu tư lự. Kia là ngọn cô sơn Bạn Độ. Cụ Đồng Cản - bô lão khả kính sống trọn đời với núi kể lại tích xưa: Một đêm, biển nổi phong ba bão tố bỗng thấy trong hang đá dưới chân núi lập lòe ánh lửa. Người ta nói với nhau: có lẽ là ánh lửa của bạn hữu gặp bão biển về núi lánh nạn. Từ đó dân bản địa gọi tên núi là núi Bạn Độ tức là bạn đến độ, đến ở dưới chân núi ấy.

bqbht_br_76d4073359t14734l0.jpg
Đền Eo Bạch ở thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh).

Từ núi Bạn Độ nhìn chếch về phía Đông Nam sẽ thấy núi Cầu Vong. Ngọn cô sơn này sừng sững bên ngã ba hai con sông - sông Quyền, sông Vịnh đổ ra cửa bể Hải Khẩu, núi Cầu Vong đăm chiêu nhìn ra Vũng Áng như thể mỏi mòn chờ ai, đợi ai về trở về. Năm 1377, ngọn núi chứng kiến bi kịch lịch sử: Quý phi Nguyễn Cơ gieo mình xuống biển làm lễ tế thần, tế cờ khích lệ tinh thần sĩ khí ba quân trước phút thiêng xuất chinh tiến đánh Chiêm Thành. Trong trận thư hùng năm ấy, vua Trần Duệ Tông tử trận, quân đội nhà Trần đại bại kéo về neo đậu yên hàn trong Vũng Áng. Quan quân chọn núi Cầu Vong lập đàn thờ Eo Bạch cầu vong hồn tử sĩ nơi chiến địa. Có phải từ đó mà dân gian gọi tên ngọn núi này là núi Cầu Vong - hay rú Vong, hay rú Cao Vọng…

Những rú Voi, rú Kỳ Đầu (rú Cờ), rú Hỏa Hiệu, rú Tù Và… những ngọn Trống, ngọn Cấp, ngọn Chào… những mũi Dung, mũi Độc, mũi Đao, mũi Con Voi… những Đèo Ngang, đèo Con, đèo Cà Cưởng… những vũng Ná, vũng Áng… những sông Trí, sông Vịnh, sông Quyền… những kênh Voi, kênh Nhà Lê… những khe Bò, khe Du, khe Lũy, khe Đầu Voi, khe Cà, động Chúa, rào Trổ…, những đảo Én, đảo Sơn Dương… mỗi tên núi, tên sông là những bản trường ca bất tận dệt gấm thêu hoa cho phong thổ Kỳ Anh. Vậy nên không phải ngẫu nhiên mà năm 1836 vua Minh Mạng đặt tên cho xứ địa linh này hai chữ “Kỳ Anh”- cái tên cho tạm hiểu: là vùng đất đặc biệt, không tầm thường; Kỳ Anh - viên ngọc quý của giang sơn gấm vóc.

bqbht_br_76d2091739t4280l5-z2673065307348-dfdf3.jpg
Một góc trung tâm TX Kỳ Anh nhìn từ trên cao (Ảnh: Huy Tùng)

Với ba mặt núi điệp trùng bao bọc, có đỉnh núi cao 1.044m nhìn ra Biển Đông do vậy cũng cùng “khúc ruột miền Trung” nhưng khí tượng Kỳ Anh có nét riêng. Anh bạn từng sống ở Hà Nội về bên chân đèo Con dưỡng bệnh ngót ba mươi năm, anh quả quyết: “Kỳ Anh có hai mùa - mùa xuân và mùa hạ. Mùa hạ từ khoảng tháng Tư đến tháng Tám, mùa xuân khoảng từ tháng Chín đến tháng Ba năm sau”. Bằng chiêm nghiệm của người dưỡng bệnh, người bước qua lưỡi hái tử thần nên chắc là anh nói đúng. Sao Kỳ Anh không có mùa đông? - bởi gió biển mang hơi nước thổi vào, dải Trường Sơn hứng lấy tạo nên dòng khí đối lưu đã làm dịu đi cái rét hanh khô nên gió mùa Đông Bắc vốn dĩ lạnh - “Gió sắc tựa gươm mài đá núi” trở thành ngọn đông phong mang theo phảng phất hơi xuân. Tại sao Kỳ Anh không có mùa thu mà chỉ thấy đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang xuân? Xin cứ hỏi các loài hoa cỏ Kỳ Anh, chúng có thể nở hoa bốn mùa, cây cỏ nở hoa ngay cả sống trong kẽ đá hay trên cát bỏng, hoa nở cả những nơi tưởng như sự sống không tồn tại.

Cuối thế kỷ XX, bỗng xuất hiện chiếc “đũa thần” đánh thức, hình sông thế núi ấy vươn vai lớn dậy và diện mạo Kỳ Anh cứ thế thay đổi từng ngày. Ngày 23/10/1997, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế Vũng Áng, diện tích 227,81 km2, tháng 4/2006 Khu kinh tế Vũng Áng đi vào hoạt động. Năm 2008, Tập đoàn Formosa bắt tay đầu tư xây dựng thì nay đã sánh cùng hơn 500 doanh nghiệp lớn nhỏ đã và đang hối hả mọc lên. Hồn khí Kỳ Anh quấn quyện hài hòa giữa vẻ huyền thoại và tươi mới. Những chuyển động bền bỉ, nhẫn nại âm vang đủ cung bậc, chạy suốt ngày đêm từ bến cảng tấp nập tàu xe dội đến những con đường mới mở hăm hở vượt sông xuyên núi. Ấy là bản đại hòa tấu Kỳ Anh.

bqbht_br_76d2105207t16834l0-1.jpg
Cảng nước sâu Sơn Dương của Formosa Hà Tĩnh.

Trong nhịp đời mới, trên chiếc cầu vồng vắt qua Cửa Khẩu nối khu công nghiệp với phố biển du lịch, ngắm cảng Sơn Dương, cảng Vũng Áng với những cầu cảng hiện đại, những con tàu siêu trường, siêu trọng như những ngọn núi trẩy về rồi vội đi khắp bốn biển năm châu. Thấy đảo Sơn Dương như chàng hiệp sĩ lừng lững giữa trời mây lồng lộng canh giữ bình an cho một vùng đất từng ngày đổi mới. Và kia, thắng cảnh một vùng du lịch biển sầm uất đẹp tươi mà tên gọi mũi Đao, mũi Độc, Hoành Sơn, Xích Mộ… mãi vẫn còn in vẻ xưa, vẫn mang hồn cốt, dáng vẻ hoang sơ như cô sơn nữ với nét nguyên khôi trữ tình, lãng mạn duyên dáng bên rừng hoàng mai mỗi độ xuân về rực rỡ.

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Khi ví, giặm "chạy show"…

Khi ví, giặm "chạy show"…

Không còn đơn thuần xuất hiện trên sân khấu hội diễn tuyên truyền, dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh từng bước hiện diện trong các show diễn giải trí, chuyển hóa thành sản phẩm của công nghiệp văn hóa.
Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như hiến đất mở đường, giúp đỡ người nghèo, tích cực trong các hoạt động của địa phương, anh Trương Quang Nghĩa, thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài (TP Hà Tĩnh) đã góp sức làm cho quê hương thay da đổi thịt.
Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng của làng quê trong tâm thức bao thế hệ. Trong đó, đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của mỗi làng quê, đang cần được khôi phục và phát huy.
Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Ông Hồ Duy Lý - Bí thư Chi bộ thôn Song Hải, xã Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) luôn là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, tận tụy vì dân, sống trọn nghĩa đạo - đời.
Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Hơn 4 năm kể từ lần đầu tiên hiến máu, đến nay, ở độ tuổi 22, Hoàng Thị Hồng Thương (xã Đan Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã có đến 21 lần tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu.
Thuyết minh viên Đào Anh Tuân: Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Học Bác từ những điều bình dị, giản đơn để làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, hơn 20 năm nay, anh Đào Anh Tuân - Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) trở thành người “kết nối” lịch sử nơi “tọa độ lửa” Ngã ba Đồng Lộc.
Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Nhận trọng trách Bí thư Chi bộ thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), ông Mai Văn Tường gương mẫu đi đầu, "thắp lửa" cho phong trào xây dựng nông thôn mới bằng quyết tâm cao, nghị lực lớn và cả những hy sinh để biến một làng quê khó khăn thành điểm sáng.
Biến hàng rào thành điểm nhấn xanh: Xu hướng mới tại TP Hà Tĩnh

Biến hàng rào thành điểm nhấn xanh: Xu hướng mới tại TP Hà Tĩnh

Những hàng rào bằng tường gạch khô cứng hay thép gai sắc nhọn được thay thế bằng cây xanh kết hợp với bồn hoa. Đây là cách mà một số cơ quan, đơn vị, nhà văn hóa hay nhà dân trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh làm mới hàng rào, xanh hóa không gian, tạo cảnh quan thoáng đãng, sạch đẹp.
Lửa nguồn thắp sáng khát vọng vươn mình

Lửa nguồn thắp sáng khát vọng vươn mình

Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn tiền nhân... chính là mạch nguồn bền bỉ, kiến tạo và nuôi dưỡng sức mạnh dân tộc, đưa đất nước Việt Nam không ngừng đi tới.
Du lịch Hà Tĩnh bùng nổ dịp nghỉ lễ

Du lịch Hà Tĩnh bùng nổ dịp nghỉ lễ

Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày vừa khép lại, lượng du khách đến tham quan, lưu trú trong dịp nghỉ lễ cho thấy tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái.
"Ký ức Điện Biên Phủ sống mãi trong tôi"

"Ký ức Điện Biên Phủ sống mãi trong tôi"

Đã 71 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày cùng đồng đội chiến đấu anh dũng trên chiến trường Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người cựu binh Nguyễn Xuân Vinh ở xã Xuân Hồng (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Infographic: Lộ trình sáp nhập tỉnh thành, tinh giảm xã

Hà Tĩnh trong cảm nhận của con em xa quê

Lễ, tết là dịp nghỉ ngơi, du lịch với nhiều người, nhưng với người con Hà Tĩnh, đó còn là cơ hội trở về quê hương, gắn kết gia đình và cảm nhận những đổi thay nơi chôn nhau cắt rốn.