Mùa lúa đơm bông

(Baohatinh.vn) - Tháng 4, cánh đồng căng đầy sức sống, những thảm lúa xanh ngút mắt bắt đầu chuyển màu. Người dân Hà Tĩnh lại khấp khởi mừng lo xen lẫn, ngóng đợi theo mùa lúa đơm bông.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vụ lúa xuân năm nay, xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) thí điểm sản xuất 5 ha lúa hữu cơ giống DT39 tại cánh đồng thôn Ngụ Quế. Giống lúa mới, phương thức mới, vì thế mà từ những luống mạ bắt đầu bén rễ là chừng ấy thời gian bà con nông dân tham gia mô hình “ăn ngủ” với đồng ruộng.

Ông Nguyễn Hữu Tình chia sẻ: “Đây là vụ đầu tiên gia đình gieo cấy giống lúa hữu cơ nên tôi vừa phấn khởi vừa lo lắng. Quá trình chăm sóc, lúa ít sâu bệnh, phát triển tốt; lúa chỉ bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ. Vụ mùa này thành công không chỉ cải thiện năng suất, hiệu quả kinh tế mà còn có thể giúp bà con nông dân “rẽ hướng” quy trình sản xuất mới - sản xuất lúa hữu cơ. Thấy lúa đã trổ, ai nấy đều khấp khởi mừng vui”.

IMG_7976.jpg
Nông dân Cẩm Xuyên phấn khởi vì lúa phát triển tốt, đón đòng thuận lợi.

Những ngày này, các cánh đồng lớn liền bờ, liền thửa ở xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên) cũng đượm màu xanh tươi mới. Cánh đồng được sản xuất tập trung sau cuộc cách mạng chuyển đổi ruộng đất lần 3.

Ông Trần Công Huyến - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: “Địa phương đã tập trung chuyển đổi ruộng đất đạt 383,9 ha (70% diện tích). Đặc biệt, vụ xuân này, xã triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp mạ khay, cấy máy liên kết với Công ty CP Hòa Lạc IEC trên diện tích 45 ha ở 2 thôn Yên Mỹ, Yên Giang. Cánh đồng lớn sử dụng đồng nhất từ 1-2 loại giống, đồng loạt 1 thời vụ nên bà con rút ngắn thời gian chăm sóc, lấy nước, phun trừ sâu bệnh. Lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh đều, dự kiến trổ bông tập trung từ 20-24/5”.

Vụ xuân 2024 là vụ sản xuất khá đặc biệt đối với các địa phương và bà con nông dân Hà Tĩnh khi kết quả Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo đã thể hiện rõ trên những cánh đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã tập trung, tích tụ được 9.311,93 ha, đạt 62% chỉ tiêu Nghị quyết số 06.

z5331326593101_fcdd9c4d4cc7d1040261ba525758ce68.jpg
Từ 15 - 25/4, khoảng 45.000 ha (chiếm 75% diện tích lúa vụ xuân) trên địa bàn toàn tỉnh sẽ trổ bông tập trung.

Tại huyện Kỳ Anh, đã có 18 vùng của 9 xã với tổng diện tích gần 890 ha thực hiện chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa. Sau chuyển đổi, huyện hình thành gần 100 ha sản xuất lúa hàng hóa theo hướng VietGAP, hữu cơ, liên kết với các doanh nghiệp, HTX để tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: “Những kết quả đạt được của Nghị quyết 06 tại địa phương là quyết tâm chính trị của toàn huyện gắn với quy hoạch vùng sản xuất và NTM. Chúng tôi tiếp tục chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chủ trương đi vào thực tiễn; tập trung cao cho việc cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đảm bảo quyền lợi cho người dân để bà con yên tâm và tạo “lực đẩy” xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo chuỗi liên kết hàng hóa, theo hướng hữu cơ. Vụ xuân năm nay, 100% cánh đồng mẫu lớn được bố trí sản xuất các giống lúa mới, chất lượng cao nên sinh trưởng tốt, thời gian dự kiến trổ tập trung đồng đều, đảm bảo khung lịch thời vụ”.

IMG_8052.jpg
Nông dân cần thường xuyên thăm đồng để kiểm tra tình hình trổ bông và diễn tiến sâu bệnh.

Bên cạnh niềm phấn khởi mong ngóng ngày gặt mùa vàng là xen lẫn nỗi lo toan của bà con nông dân. Mùa lúa chuyển sang giai đoạn làm đòng - trổ bông cũng là thời điểm thời tiết Hà Tĩnh xảy ra nhiều diễn biến bất thường, mưa, nắng đan xen, độ ẩm không khí cao... Hình thái thời tiết này khiến nhiều loại sâu bệnh phát sinh và đe dọa giai đoạn sinh trưởng quan trọng nhất của cây lúa.

Chị Phan Thị Thảo (thôn Mới, xã Xuân Lộc, Can Lộc) chia sẻ: “Từ khi lúa bắt đầu làm đòng đến thu hoạch, bà con cứ phải phơi lưng giữa đồng. Nào là lấy thêm nước, rồi theo dõi từng diễn biến của sâu bệnh để phòng trừ. Mấy hôm nay mưa ẩm đúng kỳ lúa vào giai đoạn trổ bông nên lo nhất là bị bệnh đạo ôn cổ bông tấn công. Dự báo cao điểm nhất của bệnh sẽ kéo dài từ ngày 20 - 25/4 nên tôi càng phải cẩn trọng theo dõi đồng ruộng”.

IMG_8395.jpg
Đoàn công tác của Sở NN&PTNT kiểm tra tình hình sản xuất lúa xuân 2024 và công tác phòng trừ sâu bệnh tại huyện Đức Thọ.

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Từ 15 - 25/4, khoảng 45.000 ha (chiếm 75% diện tích lúa vụ xuân) trên địa bàn toàn tỉnh sẽ trổ bông tập trung. Số diện tích còn lại khoảng 9.000 ha trổ sau 25/4. Đây là giai đoạn sinh trưởng quan trọng của cây lúa, quyết định đến năng suất cuối vụ.

Các địa phương cần làm tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo; tuyên truyền, hướng dẫn bà con chủ động công tác phòng trừ các loại dịch bệnh, kiểm tra tình hình sinh trưởng, xác định thời gian trổ của từng trà lúa, cánh đồng, vùng sinh thái, loại giống để chỉ đạo, hướng dẫn phun phòng bệnh, chú trọng những diện tích gieo cấy các giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn như: VNR20, Thái Xuyên 111, ADI 168, Hương Bình, P6, XT28... trên số diện tích vừa qua nhiễm đạo ôn lá và vùng có nguy cơ nhiễm bệnh”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast