Mùa thu cách mạng

(Baohatinh.vn) - Mỗi dịp mùa thu về, đến thăm những địa danh gắn với lịch sử những ngày đấu tranh cách mạng (1930-1945) sôi nổi trên quê hương Hà Tĩnh, lòng tôi lại bồi hồi, tự hào về truyền thống cha ông. 78 năm đã trôi qua, những miền quê trên dải đất núi Hồng - sông La thân yêu của Tổ quốc ngày càng đổi mới, phát triển.

Mùa thu cách mạng

Từ những câu chuyện về mùa thu cách mạng trên quê hương giúp thế hệ trẻ Hà Tĩnh thêm tự hào về truyền thống lịch sử dân tộc.

Từ mùa thu xưa…

Buổi sáng giữa tháng tám, khi đất trời quê hương Hà Tĩnh trở nên dịu mát, cờ đỏ búa liềm, cờ Tổ quốc đã được Nhân dân trang hoàng trên những làng quê NTM khang trang, tôi cùng bố - ông Nguyễn Văn Xân, một đảng viên 92 tuổi đời, gần 70 năm tuổi Đảng, thăm lại những địa chỉ đỏ trên quê hương mình.

Cách nhà tôi không xa là cây đa Giếng Chua ở thôn Trung Sơn (xã Hồng Lộc, Lộc Hà). Nơi đây, trong khoảng không gian chừng 2.000 m2, trước năm 1945 có nhà ông nội tôi, đồn Pháp và nhà ông Hồ Đôi - nơi hoạt động bí mật của những chiến sỹ cộng sản đầu tiên vào năm 1930-1931. Mặc dù khi bố tôi sinh ra thì phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 đã kết thúc nhưng những câu chuyện về sự chiến đấu kiên gan, anh dũng của các đảng viên đầu tiên của Đảng như: ông Hồ Ngọc Tàng (cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ), Hồ Đôi, Hồ Phối, bà Phạm Thị Dung… và phong trào cách mạng sôi nổi ở miếu Biên Sơn, Truông Gió (xã Hồng Lộc), gần đó là đình Đỉnh Lự, nhà cụ Mai Hòe (xã Tân Lộc)… vẫn còn rạo rực trong lòng mỗi người dân.

Mùa thu cách mạng

Các em học sinh Trường THCS Hồng Tân nghe đảng viên cao tuổi thôn Trung Sơn (Hồng Lộc) kể chuyện về lịch sử đấu tranh cách mạng trên quê hương tại cây đa Giếng Chua.

Bố tôi kể: “Ngày đó (trước năm 1945), thực dân Pháp đã chọn xã Phù Lưu Thượng, một trong số ít xã ở tổng Phù Lưu (bao gồm các xã hạ Can, thuộc huyện Lộc Hà ngày nay) lập đồn bốt để cai trị. Hằng ngày, lính Pháp và bọn tay sai luôn ráo riết áp bức Nhân dân, đàn áp các chiến sỹ cách mạng”.

Câu chuyện dù đã nghe nhiều lần từ thuở nhỏ nhưng mãi sau này khi có kiến thức về cuộc sống, mở rộng thế giới quan, tôi mới hiểu vì sao địch lại chọn làng quê nhỏ bé của mình mà không phải nơi khác để lập đồn và vì sao nhà ông Hồ Đôi - nơi diễn ra nhiều cuộc hội họp bí mật của tổ chức Đảng đầu tiên lại là “láng giềng” của đồn địch như vậy. “Đó là vì, ngay từ khi Đảng ta mới ra đời, người dân Hồng Lộc đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng (hiện xã Hồng Lộc đã có trên 65 người được Tỉnh ủy Hà Tĩnh chứng nhận cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1945). Trước ý chí đấu tranh mạnh mẽ đó, địch buộc phải tăng cường lực lượng, lập đồn để trấn áp. Tuy nhiên, bằng sự kiên gan, dũng cảm và trí tuệ, các chiến sỹ cách mạng vẫn mưu trí hoạt động sôi nổi trong lòng địch” - bố tôi lý giải.

Một trong những sự gan dạ và mưu trí của cán bộ, chiến sỹ cộng sản thời đó là lựa chọn nhà ông Hồ Đôi để hoạt động. Ông Hồ Đôi hay còn gọi là thầy Khoái có nghề thuốc nam gia truyền. Ông cũng làm nghề thầy cúng nên nhà luôn có khách tứ phương ra vào. Ở ngay trước cửa đồn giặc, chứng kiến sự tàn ác của chế độ thực dân phong kiến, ông đã sớm giác ngộ cách mạng. Ông đã lợi dụng công việc của mình để qua mắt địch, biến nhà làm nơi liên lạc, sinh hoạt của tổ chức Đảng. Cùng với những địa chỉ như: miếu Biên Sơn (Trung tâm liên lạc của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Huyện ủy Can Lộc là nơi in ấn, cất giấu tài liệu của Đảng), đình Đỉnh Lự, nhà ông Hồ Đôi đã diễn ra nhiều cuộc hội họp chuẩn bị cho các cuộc biểu tình quy mô lớn trong cao trào Xô viết 1930-1931, trong đó có Đại hội Đảng bộ huyện Can Lộc lần thứ nhất vào tháng 8/1930.

Mùa thu cách mạng

Liệt sỹ Hồ Phối (con trai ông Hồ Đôi), người chiến sỹ cách mạng kiên trung bị địch bắt, giam tù đày tra tấn dã man vẫn một lòng theo Đảng. Ảnh chụp tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Ông Hồ Đôi còn giác ngộ người con trai Hồ Phối và 2 người con gái của mình trở thành những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Trong đó, liệt sĩ Hồ Phối sau này là một nhân vật quan trọng của tổ chức, bị địch bắt giam, tù đày, tra tấn dã man và mất không lâu sau khi được thả sau ngày 2/9/1945.

Với tuổi đời hàng trăm năm, cây đa Giếng Chua ở thôn Trung Sơn là chứng tích lịch sử, nơi chứng kiến sự đấu tranh kiên cường, anh dũng của các chiến sỹ cách mạng những ngày đầu cho đến khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8/1945 của Nhân dân Can Lộc.

Mùa thu cách mạng

Ông Mai Trọng Thơi (92 tuổi, ở xã Tân Lộc, Lộc Hà) - nguyên Đội trưởng Đội thiếu niên cứu quốc làng Đỉnh Lự năm 1945.

Ông Mai Trọng Thơi (SN 1931) - nguyên Đội trưởng Đội Thiếu niên cứu quốc làng Đỉnh Lự (xã Tân Lộc, Lộc Hà) kể: “Khoảng 1 tuần trước khi diễn ra khởi nghĩa giành chính quyền, trong vai trò Đội trưởng Đội Thiếu niên cứu quốc của làng, tôi được tổ chức giao nhiệm vụ treo cờ Việt Minh lên ngọn cây đa Giếng Chua, một trong 3 lá cờ mà tổ chức Đảng quyết định treo lên 3 gốc đa có ngọn cao nhất tại Phù Lưu Thượng (xã Hồng Lộc), làng Đỉnh Lự, Kim Chùy (xã Tân Lộc). Lúc đó, dù biết nguy hiểm nhưng tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi, lợi dụng lúc đêm tối vắng vẻ trèo lên ngọn cây đa, treo lá cờ lên rồi tụt xuống mà bọn địch không hay biết. Sáng hôm sau, chứng kiến cờ Việt Minh tung bay ngay trên nóc đồn giặc, người dân 2 xã Hồng Lộc và Tân Lộc vô cùng phấn khởi, còn bọn giặc thì hoang mang tột độ nhưng không biết làm thế nào”.

Việc cờ Việt Minh được treo lên ngọn cây đa tại các làng ở Hồng Lộc, Tân Lộc lúc bấy giờ là sự cổ vũ mạnh mẽ, to lớn đối với quần chúng nhân dân quanh vùng. Ngày 16/8, ông Thơi cũng như nhiều người dân Tân Lộc, Hồng Lộc đã theo chân các cán bộ cách mạng vượt qua Truông Gió đi lên trung tâm huyện lỵ ở thị trấn Nghèn ngày nay, gia nhập vào lực lượng khởi nghĩa Việt Minh huyện Can Lộc cùng với Nhân dân nhiều xã trong huyện chính thức tổ chức biểu tình khởi nghĩa.

Mùa thu cách mạng

Một góc xã Phù Lưu Thượng xưa, nay là Hồng Lộc (Lộc Hà), nơi từng diễn ra phong trào cách mạng sôi nổi những năm 1930-1945.

Can Lộc trở thành địa phương đầu tiên của Hà Tĩnh giành được chính quyền, cổ vũ Nhân dân cả tỉnh vùng lên khởi nghĩa. Ngày 19/8, khởi nghĩa toàn quốc giành thắng lợi. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong niềm hân hoan của hàng triệu người dân Việt Nam.

“Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi”

78 năm đã trôi qua, kể từ mùa thu đầu tiên đất nước giành độc lập, mỗi mùa thu về, từ làng quê đến thị thành trên dải đất núi Hồng - sông La thân yêu của Tổ quốc lại càng thêm đổi mới.

Mùa thu cách mạng

Truông Gió xưa (Ảnh chụp tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh).

Từ cây đa Giếng Chua, chúng tôi ngược lên Truông Gió, nơi giáp ranh giữa xã Hồng Lộc (Lộc Hà) và Thuần Thiện (Can Lộc) ngày nay. Xưa kia, nơi đây từng diễn ra hàng loạt cuộc tập hợp nông dân vùng hạ Can Lộc, có những cuộc lên đến 2.000 người tham gia kéo lên huyện lỵ biểu tình, giai đoạn cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Ngày nay, nơi đây đã là quốc lộ 281 được thảm nhựa, nối liền quốc lộ 1 và đường ven biển. Từ đỉnh dốc con truông đã thấm bao máu, mồ hôi của cha ông, phóng tầm mắt về phía Đông là vùng quê trù phú hạ Can xưa, nay là huyện Lộc Hà và về phía Tây là vùng quê Can Lộc với cầu Hạ Vàng, bến đò Thượng Trụ, huyện Đường… những địa chỉ đỏ - chứng tích một thời đấu tranh cách mạng rực rỡ ấy đang bừng lên sự phồn thịnh trong sắc nắng thu.

Mùa thu cách mạng

... và nay nằm trên quốc lộ 281 rộng rãi, nối liền những miền quê Can Lộc - Lộc Hà trù phú.

Dừng chân tại Bến đò Thượng Trụ - di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh vào cuối tháng 3/1930, ông Phạm Xuân Tứ - Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Kết (xã Thiên Lộc, Can Lộc) cho biết: “Từ một vùng “đồng chua, nước mặn”, đầy lau sậy hoang vu, sau hơn 15 năm thành lập, thôn chúng tôi đã có 184 hộ, với hơn 680 nhân khẩu. Thôn cũng đã xây dựng thành công khu dân cư NTM kiểu mẫu”.

Mùa thu cách mạng

Di tích lịch sử cấp quốc gia Bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) - Nơi diễn ra Hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh vào tháng 4-1930.

Thị trấn Nghèn, nơi diễn ra cao trào Xô viết 1930-1931 và khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng 8/1945 nay cũng trở thành đô thị khá sầm uất, vươn mình trong sự phát triển chung của cả tỉnh. Ông Bùi Việt Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, thời gian qua, Đảng bộ và Nhân dân thị trấn Nghèn không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương. Toàn thị trấn hiện có 6.000 hộ dân, với hơn 21.300 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 59 triệu đồng, phấn đấu đến năm 2025 đạt 80 triệu đồng. Về xây dựng đô thị văn minh, toàn thị trấn phấn đấu đến năm 2024 có 19/19 tổ dân phố đều đạt tổ dân phố văn minh”.

Mùa thu cách mạng

Một góc thị trấn Nghèn (Can Lộc) trước nền Huyện đường xưa.

Nối mạch nguồn truyền thống từ mùa thu cách mạng 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, 78 năm qua, Nhân dân Hà Tĩnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển. 32 năm kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay, từ một tỉnh nghèo, Hà Tĩnh đã vươn mình đạt được nhiều thành tựu trên mọi mặt…

Trong đó, năm 2022, GRDP bình quân đầu người đạt 70,5 triệu đồng; thu ngân sách vượt ngưỡng 18.000 tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế… cũng đạt nhiều thành tựu. Hà Tĩnh là một trong số tỉnh, thành phố đi đầu cả nước trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; đến nay, đã có 9/13 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 về đích tỉnh NTM. Cơ sở hạ tầng từ nông thôn đến thành thị ngày càng khang trang, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Các giá trị văn hóa được chú trọng bảo tồn, lưu giữ và phát huy...

Mùa thu cách mạng

Quê hương Hà Tĩnh ngày càng ấm no, yên bình và hạnh phúc.

Đi giữa mùa thu cách mạng hôm nay, tôi lại nhớ đến câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi: “Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha…”. Mùa thu về càng thêm nhớ, thêm biết ơn bao thế hệ đi trước đã đấu tranh, hy sinh, để mỗi chúng ta hôm nay được sống trong sự ấm no, thịnh vượng, yên bình và hạnh phúc.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống