Trâu được chăn thả trên những cánh đồng
Trâu có ưu điểm dễ nuôi, sử dụng thức ăn đa dạng, chịu đựng kham khổ tốt, dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh và chống đỡ bệnh tật cao. Đồng thời, trâu có thể tận dụng được nhiều loại cỏ, lá cây, một số loại cỏ nước và phế phụ phẩm của trồng trọt mà các gia súc khác không sử dụng được.
Phát triển chăn nuôi trâu góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, tạo việc làm tăng thu nhập cho nông dân đặc biệt là vùng miền núi, vùng trà sơn.
Ở Hà Tĩnh, một số địa phương như: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Hương Khê…có điều kiện tự nhiên phù hợp với chăn nuôi trâu theo hướng trang trại thâm canh, bán thâm canh.
Nhiều hộ nông dân ở Hà Tinh duy trì chăn nuôi 1-2 con trâu vừa cho sinh sản bán nghé con vừa lấy phân bón cho cây
Để duy trì và phát triển đàn trâu, năm 2011, Hà Tĩnh đã ban hành Đề án phát triển ngành chăn nuôi Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Mục tiêu đề án đến năm 2015, Hà Tĩnh có 112.000 con trâu; đến 2020 có 121.000 con trâu.
Ông Trần Hùng – Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi Thú y Hà Tĩnh cho biết, vì nhiều lý do khách quan, chủ quan nên việc phát triển đàn trâu chưa đạt mục tiêu đề án đưa ra. Đến nay, tổng đàn trâu toàn tỉnh mới đạt khoảng 70.000 con (đạt 58% kế hoạch).
Để duy trì và phát triển đàn trâu, những năm qua, cơ quan chuyên môn đã phối hợp với các địa phương có điều kiện chăn nuôi trâu như: Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh… chọn lọc trâu đực giống có năng suất, chất lượng cao và luân chuyển trâu đực giữa các địa phương trong tỉnh để tránh hiện tượng đồng huyết.
Các địa phương quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu phải gắn với các vùng sinh thái, đồng cỏ..
Để phát triển đàn trâu, ông Hùng cho rằng, nên hạn chế phương thức chăn nuôi quảng canh, thả rông sang chăn dắt có quản lý, nuôi nhốt, phát triển chăn nuôi trang trại thâm canh quy mô nhỏ (10 - 20 con/trang trại) ký kết hợp trồng cỏ và bảo quản, chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn.
Các địa phương quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu phải gắn với các vùng sinh thái, đồng cỏ, vùng có phụ phẩm nông, công nghiệp. Hỗ trợ và khuyến khích các hội thi trâu giống tốt các cấp. Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi trâu, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học… nhằm tạo ra những bước đột phá mới về năng suất, chất lượng đàn trâu.
Những cánh đồng sau mùa gặt là nơi chăn thả trâu lý tưởng
Những năm gần đây, việc phát triển cơ giới hóa nông nghiệp mạnh mẽ đến tận các miền quê nên việc sử dụng trâu kéo cày đã cơ bản bị loại bỏ. Trâu chỉ đóng vai trò là thực phẩm cho con người. Nghiên cứu cho thấy, thịt trâu có giá trị dinh dưỡng không thua kém thịt bò, và còn ưu điểm hơn là thịt nhiều nạc, ít mỡ, hàm lượng cholesterol thấp.
Trước nhu cầu của thị trường, nhiều địa phương đã phát triển đàn trâu thịt theo hướng chăn nuôi hàng hóa, lấy thịt và phụ phẩm.
Trâu có đặc tính chịu được nắng nóng nhưng cũng rất thích đằm mình trong nước
Sừng, da, lông trâu cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thủ công mỹ nghệ...
Giá trị kinh tế to lớn của con trâu được đánh giá từ việc nó không “cạnh tranh” thức ăn, lương thực với con người và các con vật khác bởi thức ăn của nó chỉ có cỏ, rơm và các phụ phẩm nông nghiệp.
Con trâu là hình ảnh gần gũi, thân thuộc trong đời sống hằng ngày, thậm chí được ví như “người bạn” thân thiết của nhà nông
Cho dù trong điều kiện phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất nông nghiệp thì con trâu vẫn đang là hình ảnh gần gũi, thân thuộc trong đời sống hằng ngày, là “người bạn thân thiết” của nhà nông. Con trâu gần như không còn đảm đương chức năng kéo cày, nhưng vẫn là vật nuôi hữu ích, mang lại giá trị kinh tế khá cao và nguồn phụ phẩm phân bón đối với nhà nông.