Người dân không chăn thả ngoài trời mà đưa trâu, bò về chăm sóc tại nhà.
Thời điểm này, tại các địa phương ở huyện miền núi Hương Sơn, người dân tập trung thực hiện tích trữ thức ăn, giữ ấm chuồng trại, không chăn thả trên triền núi... nhằm chống rét cho đàn vật nuôi của gia đình.
Chị Lê Thị Thu Trang (thôn 2, xã Sơn Giang) chia sẻ: “Chăn nuôi bò và gà là nguồn thu nhập chính của gia đình, tài sản có giá trị rất lớn nên phải chăm sóc cẩn thận. Đầu mùa đông, nhà tôi đã căng bạt chắn gió, trữ rơm, ngô, trồng thêm cỏ để làm thức ăn tươi cho đàn bò; thực hiện tiêm phòng theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Đối với đàn gà thì bổ sung vitamin trong thức ăn, đốt đèn sưởi vào ban đêm”.
Chuồng trại được chị Chị Lê Thị Thu Trang (thôn 2, xã Sơn Giang) gia cố cẩn thận, tránh gió lạnh.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn Phan Xuân Đức thông tin: “Huyện đang có đàn trâu, bò hơn 46.000 con, đàn hươu 37.000 con, đàn dê hơn 15.000 con, đàn lợn trên 65.000 con. Chủ động trong phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, cơ quan chuyên môn đã có các hướng dẫn cụ thể. Những năm gần đây, hầu hết các gia đình đều đã xây dựng chuồng trại, che chắn cẩn thận, không chăn thả trên đồi núi, đảm bảo thức ăn… nên không có hiện tượng vật nuôi bị chết”.
Khi nắm được thông tin không khí lạnh tiếp tục tăng cường, người dân tại xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) đã đưa đàn trâu, bò ngoài bãi chăn thả tập trung về để chăm sóc tại nhà.
Cán bộ thú y xã hướng dẫn cho người dân xã Cẩm Sơn các biện pháp cơ bản chăm sóc đàn bò trong mùa đông.
Bà Nguyễn Thị Việt (thôn Thọ Sơn, Cẩm Sơn) cho biết: “Gia đình đang có 15 con trâu bò, đợt mưa lũ vừa qua, cây cỏ bị chết nhiều nên thức ăn tươi gần như không có. Tôi đã phải chủ động mua thêm rơm khô, gần 1 tấn bã sắn. Đồng thời, hàng ngày cho gia súc trong chuồng ăn 2 bữa cám nóng và uống nước muối ấm pha loãng để cho bò khoẻ, chuẩn bị xuất bán vào đợt cuối năm này”.
Anh Trần Sanh (thôn Thượng Sơn, Cẩm Sơn) cũng chủ động bảo vệ cho “đầu cơ nghiệp” của gia đình. Ngoài trồng nhiều diện tích cỏ voi, anh đã tích trữ rơm, cám gạo, gia cố lại chuồng trại cẩn thận.
Gia đình anh Trần Sanh trồng nhiều cỏ voi để có thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông.
Anh Sanh cho biết: “Tôi xác định sẽ bán 4 con trong số 10 con bò đang nuôi trong chuồng vào đầu tháng 1 năm sau nên cần phải chăm sóc tốt, bò mà có vấn đề gì là dân buôn họ bớt giá ngay. Mình cũng phải kiểm tra sức khoẻ bò thường xuyên, tăng khẩu phần ăn, cần là phải đốt lửa giữ ấm cho chúng”.
Cẩm Sơn là một trong những địa phương có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh trong huyện Cẩm Xuyên, với tổng đàn trâu, bò trên 2.200 con, đàn gà gia cầm khoảng 60.000 con, đàn lợn trên 8.200 con.
Bà Nguyễn Thị Việt (thôn Thọ Sơn, Cẩm Sơn) mua thêm 1 tấn bã sắn để làm thức ăn dự trữ cho đàn bò của gia đình.
Anh Nguyễn Đình Huy - Cán bộ phụ trách Nông nghiệp xã Cẩm Sơn cho biết: “Diện tích chủ yếu của xã là đồi núi, nhiệt độ thường xuống thấp nên chúng tôi đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố, che chắn chuồng trại. Những ngày rét đậm, người chăn nuôi có thể đốt củi, trấu để sưởi ấm; tuyệt đối không chăn dắt thả trâu bò khi nền nhiệt dưới 13 độ C; dự trữ thêm rơm khô, thức ăn thô xanh cho trâu bò…”.
Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh Nguyễn Khắc Khánh cho biết, dự báo, nền nhiệt trung bình mùa đông 2020 - 2021 có xu hướng thấp hơn so với mùa đông 2019 – 2020 nên các địa phương, người chăn nuôi cần thực hiện các hoạt động cụ thể về phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn trâu, bò.
Hơn nữa, điều kiện thời tiết mưa rét, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho nhiều loại mầm bệnh tồn tại, phát tán. Thời điểm này, bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện trên trâu, bò tại tỉnh ta nên bà con cần lưu ý hơn.
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đã xuất hiện tại Hà Tĩnh, người chăn nuôi cần theo dõi thông tin và diễn biến sức khoẻ của đàn vật nuôi.
"Các cơ quan chuyên môn cần thông tin đầy đủ để người dân vừa thực hiện phòng chống dịch bệnh vừa chống rét cho vật nuôi; hướng dẫn chủ động dự trữ thức ăn tinh và thức ăn khô như: rơm, cỏ khô, thức ăn ủ chua và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn; không chăn thả khi nhiệt độ thấp. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo kín gió, cho uống nước ấm, bổ sung chất dinh dưỡng… để tăng cường sức khoẻ cho đàn vật nuôi. Khi có hiện tượng vật nuôi ốm, bệnh phải báo cho chính quyền và cán bộ chuyên môn” - ông Khánh cho biết thêm.