Nâng cao chất lượng giáo dục từ bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới

(Baohatinh.vn) - Cùng với sự quan tâm của tỉnh bằng việc cụ thể hóa các nghị quyết về đẩy mạnh phát triển giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với tiêu chí số 5 (trường học) và tiêu chí 14 (giáo dục) đã tạo luồng gió mới, góp phần thay đổi diện mạo bức tranh giáo dục ở Hà Tĩnh.

Giải pháp đồng bộ

Thầy Nguyễn Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện tiêu chí trường học (tiêu chí số 5) và giáo dục (tiêu chí 14.1, 14.2), đồng thời, chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí liên quan để xây dựng kế hoạch, lộ trình đạt chuẩn phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển GD&ĐT và triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành gắn với nhiệm vụ thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM ở từng địa phương”.

Việc tuyên truyền sâu rộng trong toàn ngành và các tầng lớp nhân dân về công tác xây dựng NTM đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo các trường học từng bước đưa nội dung xây dựng NTM tích hợp vào chương trình dạy học và sinh hoạt hướng nghiệp ở mỗi cấp học cũng đã góp phần bồi đắp cho học sinh, sinh viên tình yêu quê hương, đất nước, giúp các em hiểu thêm vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo động lực để các em học tập, rèn luyện tốt hơn.

Nâng cao chất lượng giáo dục từ bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới ảnh 1

Mô hình vườn cổ tích ở Trường Mầm non Tượng Sơn (Thạch Hà) là một trong những hình mẫu nông thôn mới trong trường học được Sở GD&ĐT chỉ đạo thực hiện.

Nhiều đơn vị trường học đã có những việc làm thiết thực, hiệu quả, phát huy tốt vai trò của học sinh, sinh viên trong công tác tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, bạn bè đóng góp công sức, tiền của, hiến đất… để xây dựng NTM. Phong trào đóng góp tiền lương trong cán bộ, giáo viên để gây quỹ đỡ đầu hộ nghèo, quỹ bảo trợ trẻ em cũng đã tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Nhờ đẩy mạnh công tác chỉ đạo, rà soát, gắn với từng tiêu chí đã giúp ngành tìm ra nhiều giải pháp phù hợp để nâng cao số xã đạt tiêu chí số 5 và 14 một cách bền vững. Đặc biệt, tiêu chí số 5 về cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn quốc gia khá khó, trong khi nguồn lực của địa phương hạn chế nên ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 2286/QĐ-UBND phê duyệt đề án quy hoạch mạng lưới trường mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020. Đối với tiêu chí 14, ngành tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục (PCGD)...

Hiệu quả bền vững

Đến hôm nay, diện mạo NTM của xã Sơn Bằng (Hương Sơn) - đơn vị được Sở GD&ĐT đỡ đầu ngày càng khởi sắc. Chủ tịch UBND xã Phạm Kim Tuyến cho biết: “Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đang cố gắng dồn sức để hoàn thành nốt những tiêu chí cuối cùng, phấn đấu về đích NTM vào cuối năm nay. Đặc biệt, từ nguồn kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng được ngành Giáo dục lồng ghép qua các chương trình hỗ trợ, sự đóng góp của cán bộ, giáo viên, đến nay, tiêu chí số 5 và số 14 của xã đã đạt”. Được biết, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 481/723 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ gần 67%.

Cùng với huy động nguồn lực xây dựng trường chuẩn, việc thực hiện đề án quy hoạch hệ thống trường lớp cũng đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Đến nay, bậc học mầm non quy hoạch từ 278 trường còn 267 trường (5 trường tư thục); tiểu học từ 302 trường còn 260 trường; THCS từ 189 trường còn 151 trường (gồm 7 trường tiểu học và THCS); THPT còn 44 trường. Điều đáng mừng là chất lượng dạy và học của các trường sau sáp nhập có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc thực hiện tiêu chí số 14 của ngành còn được thể hiện qua sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo PCGD. Hà Tĩnh là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ về việc hoàn thành công tác PCGD cho trẻ 5 tuổi. Công tác PCGD tiểu học, xóa mù chữ, PCGD THCS tiếp tục khẳng định được tính bền vững, đối tượng 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt gần 95%.

Từ việc củng cố và phát triển hệ thống trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn đào tạo hệ bổ túc THPT kết hợp với đào tạo nghề; triển khai ứng dụng đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh bậc trung học ở Hà Tĩnh” vào tình hình thực tiễn từng địa phương đã thu hút ngày càng đông học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học các hệ THPT, bổ túc, học nghề.

Sự quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành đã mang về những kết quả đáng ghi nhận. Theo số liệu báo cáo: nếu năm 2011, toàn tỉnh có 62 xã đạt tiêu chí số 5; 189 xã đạt tiêu chí 14.2, thì dự kiến đến cuối năm 2015, 100 xã đạt tiêu chí số 5, 235 xã đạt tiêu chí 14.1 và 14.2.

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.