Nâng cao giá trị sản phẩm cây mai vàng Kỳ Nam

(Baohatinh.vn) - Việc tạo lập chỉ dẫn địa lý t hành công giúp nâng tầm giá trị, bảo vệ sản phẩm mai vàng Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) tốt hơn khi đưa ra thị trường.

Xã Kỳ Nam hiện có hơn 100 hộ trồng mai cảnh.

Xã Kỳ Nam, được xem là “thủ phủ” mai vàng của Hà Tĩnh, với hơn 100 hộ trồng với diện tích khoảng 7 ha. Với truyền thống trồng mai cảnh lâu đời, những nông dân ở Kỳ Nam đã tạo ra những sản phẩm có giá trị, thẩm mỹ và được người chơi mai đánh giá cao.

Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ (KHCN) Hà Tĩnh đang phối hợp với UBND thị xã Kỳ Anh tổ chức triển khai dự án: “Tạo lập chỉ dẫn địa lý “Kỳ Nam” dùng cho sản phẩm cây mai vàng bản địa của thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh”. Sau bưởi Phúc Trạch và nhung hươu Hương Sơn, đây là sản phẩm thứ 3 của Hà Tĩnh được triển khai thiết lập chỉ dẫn địa lý.

Bà Bình chăm sóc vườn mai lấy hạt giống để trồng lứa mới.

Những ngày này, tại “thủ phủ” mai vàng TX Kỳ Anh đi đâu cũng được nghe người dân bàn luận sôi nổi về việc cây mai bản địa được tạo lập chỉ dẫn địa lý.

Gần 20 năm gắn bó với nghề trồng mai cảnh ở xã Kỳ Nam bà Nguyễn Thị Bình (thôn Tân Tiến) không dấu nỗi niềm vui khi cây mai của địa phương được xây dựng thương hiệu. Bà Bình chia sẻ: “Những người trồng mai cảnh chúng tôi rất vui mừng khi mai vàng Kỳ Nam trở thành sản phẩm thứ 3 của tỉnh được đầu tư để tiến tới được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Để phát huy và khai thác hiệu quả giá trị của cây mai vàng, chúng tôi sẽ quan tâm ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào chăm sóc, đồng thời tạo ra những sản phẩm được thị trường ưa chuộng nhất”.

Ông Hoàng Kim Mai kiểm tra vườn mai 1 năm tuổi của mình.

Cùng chung niềm vui, ông Hoàng Kim Mai (thôn Tân Thành) bày tỏ: "Hy vọng, khi thực hiện dự án thành công, mai vàng của Kỳ Nam được bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý “Kỳ Nam” sẽ phát huy giá trị, danh tiếng trên thị trường.

Qua đó, góp phần chống lại sự lạm dụng dấu hiệu nguồn gốc, đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý; bảo tồn, duy trì và phát triển một sản phẩm đặc thù của địa phương chúng tôi."

Các giống mai vàng của xã Kỳ Nam đã thể hiện được tính chất riêng biệt, có mối liên hệ với điều kiện tự nhiên, sinh thái của khu vực sản xuất.

Theo người dân xã Kỳ Nam, do đặc thù về thổ nhưỡng nên cây mai Kỳ Nam hình thành ba sắc thái: mai rừng (mọc trên rừng), mai biển (mọc dọc bờ biển) và mai cồn (mọc ở các cồn cát - được ví là “công chúa” bởi có hoa rất to, sắc vàng đậm).

Mai vàng Kỳ Nam có lá to, bầu, dày, màu xanh đậm, hoa 5 cánh mọc thành chùm, màu sắc hoa vàng đậm, lâu phai, thân cành cứng, màu nâu đậm; khác biệt so với các loài mai ở vùng khác (lá nhỏ, mỏng, xanh ánh vàng, cành nâu nhạt, chủ yếu hoa đơn). Đặc biệt mai vàng Kỳ Nam có khả năng chịu hạn, chịu úng và chịu được cả khí hậu khô nóng, thiếu nước.

Các chủng mai vàng của xã Kỳ Nam đã thể hiện được tính chất riêng biệt, có mối liên hệ với điều kiện tự nhiên, sinh thái của khu vực sản xuất. Đây chính là cơ sở khoa học để xây dựng chỉ đẫn địa lý cho mai vàng của Kỳ Nam.

Mỗi độ hoa nở, các vườn mai ở Kỳ Nam đều thu hút nhiều người đến tham quan, chụp ảnh. Ảnh tư liệu.

Việc đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho mai vàng Kỳ Nam sẽ góp phần nâng cao vị thế sản phẩm trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho các hộ sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND TX Kỳ Anh cho biết: “Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho mai vàng Kỳ Nam sẽ mang lại tác động rất tích cực đối với người dân như: giữ gìn và phát triển giá trị của cây mai vàng truyền thống của địa phương, tạo điều kiện bảo vệ uy tín và danh tiếng sản phẩm mai vàng của TX Kỳ Anh; tạo tiền đề quy hoạch phát triển bền vững vùng trồng mai, tăng thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái của vùng.

Dự án tạo lập chỉ dẫn địa lý cho cây mai vàng Kỳ Nam sẽ được triển khai thực hiện trong vòng 2 năm từ tháng 12/2022 đến tháng 11/2024. Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với Sở KHCN và các hộ dân trồng mai tập trung triển khai các nội dung, phần việc trong dự án. Việc xây dựng, duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý sẽ góp phần tăng thêm nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về giá trị thương hiệu sản phẩm mai vàng của Hà Tĩnh trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay…”

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói