Từ nhiều năm nay, thôn Song Nam (xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được xem là “điểm nóng” về nạn săn bắt chim trời. Cứ vào mùa chim di cư, lợi dụng các bãi đầm lầy, người dân nơi đây đã đặt nhiều loại bẫy săn bắt chim trời trái phép. Trước tình trạng đó, ngay từ cuối tháng 8, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân không giăng bẫy tận diệt và không buôn bán, tàng trữ các loại chim trời.
Ông Trần Công Tráng - Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián thông tin: “Mùa này, địa phương thường xuyên ra quân tuần tra, kiểm soát các vùng chim trời thường về tránh trú trên địa bàn. Cùng đó, phối hợp với lực lượng kiểm lâm, công an tổ chức 3 đợt ra quân kiểm tra, phá bỏ 11 lùm trú, tiêu hủy 250 chim mồi giả, 1.600 que nhạ, thả 11 con chim mồi về môi trường tự nhiên… Từ nay đến cuối năm, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, yêu cầu các hộ dân ký cam kết về việc không đánh bắt chim trời”.
Cũng theo ông Tráng, không riêng xã Cương Gián, hiện nay, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện cũng đang tập trung ra quân nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt, mua bán, chế biến, tiêu thụ chim di cư.
Tại Cẩm Xuyên, mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng đã tập trung tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về săn bắt chim trời nhưng vào mùa chim di cư, tình trạng đánh bắt chim tự nhiên trái phép trên địa bàn vẫn diễn ra.
Ông Võ Duy Từ - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên cho biết, với điều kiện đặc thù có đến hơn 18 km đường bờ biển và có nhiều hồ đập, sông suối, vào mùa mưa bão, số lượng chim tự nhiên di cư về sinh sống nhiều nên đó cũng là thời điểm người dân các xã ven biển Cẩm Dương, Yên Hoà tranh thủ đi đánh bắt chim trời.
“Để ngăn chặn tình trạng trên, từ đầu tháng 8 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên đã phối hợp với các lực lượng chức năng ra quân 4 đợt, tiêu hủy hơn 500 chim mồi giả, 5 giàn bẫy đánh bắt chim, 2.700 que nhạ và 2 máy phát tín hiệu gọi chim. Ngoài ra, đơn vị cũng đã tham mưu UBND huyện ban hành 2 văn bản chỉ đạo các xã và các phòng, ngành liên quan tăng cường công tác bảo vệ chim di cư; tổ chức tuyên truyền và ký cam kết với 50 tổ chức và cá nhân trên địa bàn” - ông Từ cho biết.
Mùa chim di cư đến gần, hoạt động bảo vệ các đàn chim trời như: cò, cói, vạc... đang được các lực lượng chức năng và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh gấp rút triển khai. Không chỉ ở Cẩm Xuyên, Nghi Xuân mà tất cả các xã ven biển thuộc các huyện: Thạch Hà, Lộc Hà, huyện Kỳ Anh... đều đã vào cuộc.
Ông Trương Quốc Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua, Chi cục đã tăng cường công tác tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Cùng đó, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp từ nâng cao nhận thức đến ngăn chặn nạn đánh bắt.
“Tính từ đầu tháng 8/2024 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 15 cuộc kiểm tra, tổ chức tuyên truyền 30 cuộc, ký cam kết gần 300 bản; tịch thu, thả vào tự nhiên gần 20 cá thể các loài chim mồi còn sống; tiêu hủy hàng nghìn chim mồi giả; gần 10.000 que nhạ; 4 máy phát tín hiệu gọi chim... Qua đó, đã góp phần hạn chế nạn săn bắt chim trời trên địa bàn tỉnh” - ông Long cho biết.
Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho mỗi người dân về bảo vệ các loài chim di cư và động vật hoang dã. Tập trung truy quét liên tục nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt trái phép các loài chim tự nhiên; triệt phá các tụ điểm chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã.