Những tháng đầu năm 2022, ngoài dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, còn lại Hà Tĩnh chưa ghi nhận sự bùng phát thành dịch của các loại bệnh truyền nhiễm khác.
Theo cập nhật từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong những tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 4 ca sốt xuất huyết ngoại lai (người đi từ tỉnh thành khác về), 3 ca sốt rét, 25 ca quai bị, 50 ca thủy đậu, 400 ca tiêu chảy, 69 ca lỵ amip, 45 ca lỵ trực trùng.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ phát hiện 4 ca bệnh sốt xuất huyết ngoại lai. Trong ảnh: Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà khám cho một bệnh nhân bị sốt xuất huyết năm 2021.
Mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang được kiểm soát hiệu quả song theo cảnh báo của Bộ Y tế, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát là rất lớn, nhất là dịch sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 14.700 ca sốt xuất huyết, trong đó có 6 ca tử vong.
Bác sỹ Võ Văn Phong - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh cho biết: “Năm 2021 vừa phải quay cuồng chống dịch COVID-19 vừa lại xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết ở phường Kỳ Liên với trên 20 ca mắc nên anh em rất vất vả chống dịch. Hiện nay, dịch COVID-19 cũng dần được kiểm soát song mối lo về dịch sốt xuất huyết còn đó khi mà số lượng công nhân ở trọ trên địa bàn khá đông, một bộ phận người dân ý thức vệ sinh môi trường còn thấp. Ngay cuộc họp giao ban sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, trung tâm đã quán triệt các trạm y tế khẩn trương phối hợp với chính quyền các xã, phường vào cuộc tuyên truyền, tổ chức ra quân vệ sinh môi trường để ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát”.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Lộc Hà phun hóa chất diệt muỗi cho người dân.
Khảo sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tại nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn, khu vực đông dân cư cho thấy, nhiều hộ dân vẫn để các vật dụng chứa nước trong nhà, phế thải sinh hoạt còn nhiều, không có biện pháp che đậy để phòng muỗi đẻ trứng. Đây có thể là nguyên nhân trở thành nơi trú ngụ, đẻ trứng của muỗi truyền bệnh.
Mặt khác, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, với số lượng ca mắc lớn trong cộng đồng nên rất nhiều người dân không nghĩ đến mình mắc sốt xuất huyết, rất chủ quan với dịch bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tẩm màn phòng chống muỗi đốt cho người dân. Ảnh Đoàn Loan.
Bác sỹ Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh) cảnh báo: “Bệnh sốt xuất huyết và COVID-19 là 2 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đều do vi-rút gây ra với một số triệu chứng ban đầu giống nhau, có thể nhầm lẫn như: sốt, đau đầu, đau mỏi người…
Triệu chứng phổ biến của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nếu diễn tiến nặng sẽ có triệu chứng ngủ li bì, hạ đường huyết… dẫn đến sốc, xuất huyết nặng, suy đa cơ quan. Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán, điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà”.
Bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Vũ Quang khám cho một bệnh nhân bị nghi đau mắt đỏ
Không chỉ sốt xuất huyết, theo cảnh báo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thời tiết nóng ẩm, sự giao lưu đi lại của người dân cao, ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp như: tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, viêm não do vi-rút, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, đau mắt đỏ... có số mắc cao và có thể bùng phát thành dịch.
Để phòng, chống hiệu quả sốt xuất huyết và một số bệnh mùa hè, các địa phương cần chủ động tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng. Thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm. Chủ động báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân bị các bệnh truyền nhiễm đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không để lây lan thành dịch trong cộng đồng.