Ngọt thơm Giò bột Cẩm Bình

(Baohatinh.vn) - Cứ đến 27 - 28 Tết, về đến đầu làng là đã nghe tiếng dao bằm sa sả, tiếng lợn eng éc rộn cả một vùng. Ấy là khi người dân Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) chuẩn bị bắt tay vào làm món giò bột. Hàng trăm năm trôi qua, dù cuộc sống hiện đại với bao thay đổi thì hương vị của giò bột Cẩm Bình vẫn mang đậm bản sắc riêng biệt và không thể thiếu trên mâm cỗ ngày tết của người dân nơi đây…

Bằm nhuyễn thịt là công đoạn quan trọng quyết định món giò bột ngon

Không ai còn nhớ rõ món giò bột bắt đầu có từ bao giờ, chỉ biết rằng món ăn này không thể thiếu trên mâm cỗ cổ truyền cúng ông bà tổ tiên hay đãi khách khi tết đến. Vào khoảng 27- 28 Tết, khi công việc đồng áng đã go ghém cơ bản, người dân Cẩm Bình chọn ra con lợn béo chắc nhất đem ra giết thịt, chuẩn bị nguyên liệu chính cho món giò bột. Thường thì vài ba nhà cùng “hụi” chung một con lợn, vừa tiết kiệm chi phí, có thêm nhân lực nhưng quan trọng hơn, sau một năm lao động, đây là dịp anh em bạn bè vui vẻ, gắn kết bên nhau.

Công đoạn đầu tiên của những người thợ là xẻ thịt, muốn có con giò ngon thì họ chỉ lấy phần thịt nạc vai, ba chỉ và thịt giò, sau đó đem bằm nhuyễn chung cả ba loại thịt này với nhau rồi trộn với bột gạo đã được người thợ nông dân xay sẵn từ mấy ngày trước.

Ông Nguyễn Huy Tuyến, thôn Trung Trạm cho biết: “Ngày nay đã có nhiều loại máy xay hiện đại nhưng đối với món giò bột này thì chỉ có bằm nhuyễn bằng tay mới làm cho con giò được mịn và béo nhất. Tay bằm càng khỏe, dứt khoát thì giò càng ngon. Ngoài của nhà để dùng, mỗi ngày chúng tôi làm theo đơn đặt hàng của khách khoảng 40- 50 con, tất cả đều làm bằng thủ công”.

Những người đàn ông có kinh nghiệm đảm nhiệm trách nhiệm gói giò

Ngay giữa sân lớn nhà ông, có cả chục người tập trung, nhóm trai tráng thì đảm nhiệm bằm thịt, nhóm gom lau lá chuối và cắt tỉa vuông vức để phục vụ công đoạn gói, nhóm phụ nữ chịu trách nhiệm nêm nếm gia vị vào giò và nhóm những người đàn ông dày dặn kinh nghiệm đảm nhiệm công đoạn cuối cùng nhưng quan trọng nhất là gói và luộc giò.

Nói vậy là vì người thợ nhiều kinh nghiệm và khéo léo mới có thể nén và bó giò thật chặt để tránh làm nước ngấm vào bên trong lá chuối khiến cho giò bị nhão, ướt. Luộc giò cũng là một nghệ thuật, nước luộc phải thật sôi mới thả giò vào, giò luộc đứng để đảm bảo chín đều, không quá non cũng không được quá già lửa. Thường một con giò 1 kg sẽ được luộc trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, theo những người thợ thì lúc nào vớt ra lấy đũa bếp gõ nghe tiếng “bộp bộp”, tức là giò đã chín.

Giò được nén chặt trong khuôn

Ngày nay, người dân Cẩm Bình cải tiến hơn trong cách pha chế để hương vị món giò bột được ngon hơn mà không mất đi vị truyền thống của nó. Bà Nguyễn Thị Thi ở thôn Bình Luật cho biết: “Vị chính của giò bột vẫn là nước mắm ngon, tỏi cắt lát trộn với hạt tiêu nguyên hạt rồi cuốn trong lá chuối non, bây giờ chúng tôi còn bỏ thêm vào giò vị thịt hộp, tạo cảm giác béo bùi cho món giò truyền thống”.

Ngày Tết, sau khi thắp hương cho tổ tiên, đại gia đình sẽ quây quần bên mâm cơm đầm ấm. Món giò bột có vị thơm của mùi thịt lợn tươi giã nhuyễn, vị cay nồng của tiêu, vị béo của thịt hộp. Đây cũng là dịp người dân quê có dịp giới thiệu cho bạn bè nội ngoại, thân hữu về một món ăn không hề có gì lạ mà vẫn cuốn hút lạ thường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói